Chống rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn: khi các chị ra tay

30/08/2019 - 06:46

PNO - Với những nỗ lực và việc làm thiết thực, Hội Phụ nữ các cấp tại TP.HCM đang góp phần xây dựng ý thức và hành động “nói không với rác thải nhựa” trong cộng đồng.

Cần có cơ chế nhằm hạn chế sản xuất bao ni-lông độc hại, khuyến khích sản xuất túi ni-lông thân thiện môi trường đi đôi với khuyến khích sử dụng bằng chính sách hỗ trợ giá thành sản phẩm, đồng thời phải đồng bộ hóa quy trình thu gom phân loại rác tại nguồn…

Các đại biểu dự buổi tọa đàm “Chống rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn từ gia đình đến cộng đồng” do Hội LHPN TP.HCM và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM tổ chức ngày 28/8, đã kiến nghị các nội dung trên.

Nói không với rác thải nhựa: phụ nữ “tiên phong” 

Năm 2019, Hội LHPN TP.HCM đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” với nhiều việc làm thiết thực như vận động chị em tăng cường sử dụng các sản phẩm thay thế (cho các sản phẩm nhựa dùng một lần) như bình đựng nước thủy tinh, tặng giỏ đi chợ, tặng túi phân loại rác thải, tặng cặp lồng đựng thức ăn… Hội Phụ nữ các cấp tại thành phố đang dần xây dựng ý thức và hành động “nói không với rác thải nhựa” trong cộng đồng. 

Chong rac thai nhua va phan loai rac tai nguon: khi cac chi ra tay
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM (đội mũ) - cùng cán bộ, hội viên Q.10, giới thiệu sản phẩm ống hút nhựa làm từ gạo

Có mặt tại buổi tọa đàm nói trên, bà Nguyễn Thị Thanh (H.Cần Giờ) mang theo một bình đựng nước giữ nhiệt. Nhiều người cũng mang theo nước như bà. Trong khán phòng, ban tổ chức cũng không dùng nước đóng chai mà dùng ly thủy tinh đựng nước uống. Bà Thanh cảm thấy hứng khởi vì nhiều người đồng hành với mình.

Bà lý luận: “Trước đây, những ngày đầu kêu gọi người dân đội nón bảo hiểm, ai cũng thấy khó, thấy nó kỳ kỳ, giống như “người ngoài hành tinh”. Còn bây giờ, ai không đội mũ khi ra đường mới dị hợm. Thói quen sử dụng bao ni-lông và đồ nhựa sử dụng một lần cũng vậy, tiện dụng thì ai cũng thấy, nhưng nó độc hại cho bản thân và môi trường thì phải bỏ”.

Với vai trò là cán bộ Hội, trước khi vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, nói không với rác thải nhựa, bà Thanh và gia đình phải thực hiện trước. Đi chợ, để thay thế túi ni-lông, bà chủ động mang theo giỏ xách, hộp. Rau củ quả thì đựng trong giỏ. Cá, thịt, đồ ướt thì bỏ vào hộp… Đi mua đồ ăn sáng như phở, cơm thì dùng cặp lồng. Bà tuyệt đối không sử dụng bịch ni-lông hay hộp xốp.

Nhìn những ly thủy tinh sáng bóng, những hộp ống hút sản xuất từ bột gạo và những chiếc túi thân thiện đến với cán bộ, hội viên và người tiêu dùng ngày càng nhiều, chị Hoàng Đỗ Minh Thảo - Chủ tịch Hội LHPN P.7, Q.10 - cảm thấy vui, bởi những tâm huyết của chị cho phong trào chống rác thải nhựa bước đầu đã có kết quả.

Để hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” chị Thảo đã nghĩ phải tìm ra sản phẩm thay thế và xây dựng phương thức vận động cán bộ, hội viên và người dân. Chị đã kết nối với một cơ sở sản xuất ống hút bằng gạo, một cơ sở sản xuất ly thủy tinh và một cơ sở sản xuất túi thân thiện môi trường, rồi tích cực giới thiệu cho cán bộ, hội viên thông qua các cuộc họp, lễ tết, giới thiệu sản phẩm tham gia “ngày hội chống rác thải nhựa”, đưa lên fanpage của Hội Phụ nữ phường, quận...

“Tính đến nay, đã có gần 300kg sản phẩm ống hút bằng gạo, túi thân thiện môi trường đến tay người dùng không chỉ trên địa bàn phường mà còn ở các quận khác. Hội Phụ nữ phường cũng đã cho ra mắt hai điểm bán sản phẩm thân thiện môi trường và đang vận động các cơ sở kinh doanh cà phê trên địa bàn sử dụng ống hút, bao thân thiện môi trường” - chị Minh Thảo khoe. 

Bà Cổ Tấn Mỹ Dung - Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN thành phố - thông tin, thời gian qua Hội đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường ở 24 quận, huyện, củng cố và duy trì hơn 400 câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường” với hơn 10.639 thành viên là lực lượng nòng cốt. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã khéo léo vận động, tuyên truyền về bảo vệ môi trường qua các hội thi, hội diễn, tổ chức 313 buổi truyền thông với hơn 27.460 người tham gia. Đến nay đã xây dựng 213 hẻm sạch - đẹp...

Chưa hết, Hội còn phát động chương trình “Tôi đồng hành” trên Facebook bằng cách chia sẻ ảnh nhằm giới thiệu những cách làm hay của các cá nhân, doanh nghiệp nhằm hướng đến việc khuyến khích người dân bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và hướng đến sử dụng sản phẩm thân thiện. Các cấp Hội cũng đã triển khai nhiều hoạt động như đổi rác thải nhựa lấy các vật dụng thân thiện.

Phân loại rác tại nguồn: cần gỡ khó 

Để tạo hành lang pháp lý trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, ngày 14/11/2018, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Ngày 29/7/2019 TP.HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện. 

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng: dù vấn đề rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn được người dân quan tâm, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa cao là do giữa tuyên truyền và thực hiện còn có độ vênh lớn. Nhiều ý kiến đề nghị việc tuyên truyền cần đúng cách, đúng đối tượng; cần có biện pháp chế tài đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện môi trường; tăng cường giáo dục về môi trường đến học sinh, sinh viên.

Chong rac thai nhua va phan loai rac tai nguon: khi cac chi ra tay
Đại biểu phát biểu đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm

Chị Lò Thị Hạnh (Q.Bình Thạnh) phản ánh, các cấp chính quyền và Hội Phụ nữ vận động các hộ gia đình phân hai loại rác hữu cơ và rác còn lại, nhưng khi thu gom rác, người đổ rác lại đổ chung hai thứ vào một xe khiến quá trình vận động và thực hiện phân loại rác trở thành… công cốc.

Cũng vậy, bà Trần Cẩm Nga (Q.5) phản ánh, việc thu gom rác trên các tuyến đường lớn do các công ty công ích làm, còn trong các tuyến hẻm nhỏ do tư nhân đảm trách. Tư nhân dùng xe ba gác cơi nới để chở rác, phương tiện không đảm bảo khiến nước rác rỉ ra môi trường. 

Về thực trạng vừa nêu, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM - cho biết, TP.HCM cũng đã có chính sách đối với các đường dây rác và các hộ thu gom rác dân lập. Sắp tới, các đối tượng này nếu muốn hoạt động, buộc phải vào hợp tác xã hoặc hình thành doanh nghiệp nhằm tránh tình trạng người lao động thu gom rác làm việc vất vả, độc hại, nhưng không được mua bảo hiểm xã hội; phương tiện gom rác quá nhếch nhác, gây rò rỉ nước ô nhiễm trong quá trình gom rác…

Việc chuyển đổi sẽ giúp cho các đường dây gom rác có pháp nhân để vay vốn đầu tư phương tiện đạt chuẩn với lãi suất ưu đãi. Cũng theo bà Thanh Mỹ, đến tháng 10/2019 việc chuyển đổi phải hoàn thành. Tuy nhiên, các quận, huyện báo cáo còn khoảng 1.000 tổ thu gom rác dân lập chưa có điều kiện chuyển đổi, nên các quận, huyện xin gia hạn đến năm sau.

Thông tin từ Sở TN-MT TP.HCM cho biết, thành phố đang phải gánh chịu áp lực rất lớn trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trung bình có khoảng 9.000 tấn rác mỗi ngày, vào dịp lễ tết là 13.000-14.000 tấn, trong đó lượng rác thải nhựa chiếm khoảng 10%, nghĩa là mỗi ngày có khoảng 900-1.000 tấn rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa khổng lồ này đã, đang và sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường.

Để chống rác thải nhựa thì đầu tiên là thực hiện phân loại rác tại nguồn. Việc này đòi hỏi người dân chủ động hạn chế sử dụng túi ni-lông và phân loại rác thải sinh hoạt, trong đó phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng.

Phó giám đốc Sở TN-MT thông tin: sắp tới, phí gom rác sẽ thực hiện tính đúng, tính đủ cả bốn công đoạn của quy trình thu gom xử lý. 

Phân loại rác tại nguồn cần có thêm cách làm hay 

Phát biểu tại tọa đàm, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - đánh giá cao nỗ lực của các cấp Hội Phụ nữ trong việc hưởng ứng, vận động, tuyên truyền đến cán bộ hội viên, phụ nữ “nói không với rác thải nhựa; không xả rác ra đường phố, kênh rạch; thực hiện phân loại rác tại nguồn”.

Theo bà Phương Hoa, với việc phân loại rác tại nguồn, cán bộ Hội cần vận động, tập huấn đến từng hộ gia đình về cách làm, lợi ích và nếu không phân loại người thu gom rác có quyền từ chối, hoặc có thể bị xử phạt...

Ngoài hộ gia đình, cần lưu ý tuyên truyền vận động ở các điểm “đen” tập kết rác thải như: các chợ tự phát, khu vực nhà trọ, các khu đất trống... để phong trào được đồng bộ, lan tỏa và đảm bảo thực hiện trên diện rộng. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI