Chỗ dựa cho chị em, người nghèo

31/07/2016 - 13:24

PNO - Bà tự nhận, có lẽ cái tên vận vào người nên cuộc đời của bà là bao nỗi lo toan cho…người đời. Thời trẻ, bà đi hoạt động bí mật, năm 1960 tổ chức bị lộ, bà bị bắt giam ở Tổng nha Sài Gòn...

Vai bị lệch một bên do di chứng những ngày bị tra khảo trong tù khi hoạt động cách mạng, đôi chân bước xiêu vẹo, trông bà hom hem hơn cả tuổi 75, nhưng nhắc đến công tác Hội là mắt bà sáng lên và giọng nói sang sảng bất ngờ. Bà là Ngô Thị Đời - Tổ trưởng Tổ phụ nữ (PN) 56, P.4, Q.8, nguyên Ủy viên BCH Hội LHPN Q.8, nguyên Chủ tịch UBND P.1, Q.8.

Bà tự nhận, có lẽ cái tên vận vào người nên cuộc đời của bà là bao nỗi lo toan cho…người đời. Thời trẻ, bà đi hoạt động bí mật, năm 1960 tổ chức bị lộ, bà bị bắt giam ở Tổng nha Sài Gòn và bị tra tấn dã man: giày đinh giẫm đạp lên bụng, dùi cui điện đánh vào 10 đầu ngón tay… đến mức vai bị thương tật lệch hẳn một bên, bà vẫn không khai. Đến năm 1974, bà ra tù trong đợt trao trả tù binh ở Lộc Ninh, Bình Phước. Bà được giải quyết cho đi học một khóa nữ hộ sinh, nhưng lúc đó bà nghe tin “xuống đường” đòi độc lập thì đi ngay, bỏ cơ hội học nghề.

Cho dua cho chi em, nguoi ngheo
Bà Ngô Thị Đời góp nhặt từng tờ báo cũ để làm kế hoạch nhỏ, giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn

Hiện nay, sức khỏe kém, đi đứng khó khăn, bà không còn “ăn dầm nằm dề” ở địa bàn như trước, nhưng ai ốm đau, khó khăn gì bà đều biết. Vì các đoàn thể xã hội và người dân gặp khó khăn đều tìm đến, bởi biết ở bà, không chỉ nhận được sự giúp đỡ về vật chất mà còn được an ủi, chia sẻ về tinh thần. Bà đặc biệt quan tâm đến trẻ em, ngoài xin học bổng Nguyễn Thị Minh Khai của Hội PN cho các em, bà còn trích tiền từ đồng lương thương binh ít ỏi của mình nhằm động viên, tiếp sức các em vững bước tới trường.

Em T.T.N.D. mồ côi cha mẹ, được bà bảo trợ ăn học từ khi học mẫu giáo đến năm nay vào lớp 10. Bà không chỉ chăm lo tập sách, đồng phục, học phí, mà còn cho em tiền đi học thêm Anh văn, toán… Bà trở thành người mẹ, người bà của cô bé khi luôn quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu và thay đổi tâm sinh lý của cô gái mới lớn. D. học khá và tâm nguyện của bà là em sẽ theo đuổi con đường học vấn, bà sẽ bên em bảo trợ đến khi hoàn thành đại học.

Bà cũng là người bảo trợ từ đầu năm 2014 đến suốt đời cho cụ Nguyễn Thị H., 80 tuổi, không nhà cửa, sống ở gầm cầu thang chung cư Phạm Thể Hiển với gạo, quần áo và mỗi tháng 150.000đ. Mới đây, khi bà H. chẳng may qua đời, bà tiếp tục chuyển phần hỗ trợ này cho một cụ già khác.

Trong nhà, bà Đời nuôi ba con heo đất: một con dành cho những hội viên PN nghèo, một con dành cho học sinh nghèo, một con dành cho những Đảng viên có hoàn cảnh khó khăn. Bà nói: “Mình cùng chung sức với Hội, ngày xưa cuộc sống của tôi rất vất vả, phải ngồi chợ bán từng mớ rau nuôi con ăn học, nên giờ tôi rất thương những gia đình nghèo khó”. Với suy nghĩ này mà bà luôn nặng lòng, trăn trở trước những hoàn cảnh không may, luôn cố gắng vận động, thuyết phục để chị em đến với Hội, được Hội giúp đỡ. Chị em nào khó khăn không đóng nổi Hội phí, bà sẵn sàng đóng giùm. Năm nào bà cũng bỏ tiền túi mua năm - sáu thẻ bảo hiểm tặng người già, người nghèo. Nhắc đến bà, từ trẻ nhỏ đến người già đều dành sự kính trọng, yêu thương.

Bà Đỗ Kim Lang - Trưởng Ban điều hành KP.4, P.4, Q.8 chia sẻ: “Dì út Đời vừa là cán bộ Hội gương mẫu, vừa là tấm gương cho con cháu noi theo. Dì ăn uống đạm bạc, sống giản dị, ngoài tiền lương, dì còn trích tiền của cô con gái làm bác sĩ cho mẹ bồi dưỡng và tiền bán ve chai báo, đồ cũ để giúp đỡ mọi người. Dì sống luôn vì mọi người, chưa bao giờ nghĩ đến bản thân. Dì có câu nói nổi tiếng: “Tôi già vẫn đi đầu trong công tác thì các bạn còn trẻ phải nhiệt huyết hơn tôi chớ”, nên nhìn dì mà chúng tôi phải cố gắng, hết mình vì chị em và người nghèo”.

Bà Ngô Thị Đời (sinh năm 1940)

- Tổ trưởng Tổ hội 56 P.4, Q.8, TP.HCM.

- Thời gian công tác Hội: 40 năm.

- Kỷ niệm chương PN.

- Huy hiệu người PN mới.

- Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

- Tám bằng khen và hàng trăm giấy khen và biểu dương của quận, phường.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI