Chị em cần việc làm để cải thiện cuộc sống, có gì khó đâu!

15/07/2019 - 06:57

PNO - Giúp phụ nữ ở vùng ven ngoại thành, đặc biệt là phụ nữ tuổi trung niên, có việc làm những lúc nhàn rỗi để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, là nhiệm vụ được các cấp Hội Phụ nữ tại TP.HCM đặc biệt quan tâm.

Lấp thời gian nhàn rỗi

Cách đây gần hai tháng, nhằm tạo việc làm để cải thiện thu nhập cho chị em tuổi trung niên đang ở nhà làm nội trợ, Hội Phụ nữ xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè, đã ra mắt Tổ lắp ráp đồ chơi trẻ em. Tổ có 10 chị em, do chị Trần Thị Bé, 51 tuổi, làm tổ trưởng.

“Ban đầu, chị em đến nhà tổ trưởng để làm. Khi rành việc, có thể nhận hàng về ráp tại nhà. Tiền công của mỗi ký thành phẩm từ 7.000-10.000 đồng, nhưng chị em rất hào hứng, vì ít nhiều cũng cải thiện được thu nhập cho gia đình. Trong thời gian tới, nếu có nhu cầu, các chị em khác cũng có thể tham gia” - chị Huỳnh Thị Bảo Trân, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ 1, xã Hiệp Phước - hào hứng. 

Chi em can viec lam de cai thien cuoc song, co gi kho dau!
Các chị thuộc Tổ phân phối hàng lắp ráp đồ chơi cho trẻ em xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè đang gia công đồ chơi trẻ em tại nhà

Hơn ba năm trước, xuất phát từ thực tế tại địa phương - phần lớn chị em phụ nữ lớn tuổi, trình độ thấp, chủ yếu lao động chân tay, không có việc làm ổn định - Hội LHPN H.Nhà Bè đã ra mắt mô hình “Tổ hợp tác may gia công” tại xã Long Thới với 26 thành viên. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN H.Nhà Bè - đến nay, tổ vẫn duy trì hoạt động rất tốt, các thành viên có thu nhập ổn định từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng. Từ tổ may gia công ban đầu, đến nay toàn huyện đã phát triển thêm tám tổ may gia công với 221 thành viên (chị em nhận hàng về gia công) và năm tổ sản xuất như may giẻ lau, mây tre lá, se nhang với 188 thành viên.

Cùng với H.Nhà Bè, các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi... cũng có nhiều phương thức tạo việc làm thêm cho các bà nội trợ và những người có công việc không ổn định như tổ đan lưới thể thao, tổ chế biến yến, tổ chăn nuôi...

Phụ nữ ở chung cư cũng cần việc 

Tại hội nghị chuyên đề “Cơ hội học nghề và tạo việc làm cho lao động nữ” do Trung tâm Giới thiệu việc làm - Hội LHPN TP.HCM, tổ chức ngày 11/7 vừa qua tại H.Nhà Bè, nhiều ý kiến cho rằng, Hội cần quan tâm tạo việc làm cho phụ nữ nhàn rỗi ở các chung cư. Hội nghị nhấn mạnh, Nhà Bè là địa phương liền kề quận 7, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, xuất hiện ngày càng nhiều chung cư. Hơn 150 chị em đã tập trung thảo luận về những vấn đề như tạo việc làm tại chỗ, gia công tại nhà, tập huấn kỹ năng bán hàng online, kỹ năng giao tiếp, tác phong phục vụ... 

Bà Nguyễn Thị Lệ Hà, 64 tuổi, ở chung cư Phú Mỹ Thuận (xã Phú Xuân, H.Nhà Bè) cho biết, hiện có rất nhiều chị em trong độ tuổi lao động ở nhà làm nội trợ. Ngoài thời gian dành cho gia đình, họ có nguyện vọng tìm các công việc phù hợp để có thêm thu nhập. 

Bà Dương Bích Thủy, 51 tuổi, ngụ ở cư xá Long Thới cũng đồng quan điểm khi cho rằng, nhiều gia đình ở cư xá cũng có nhu cầu tìm người giúp việc theo giờ, tuy nhiên việc tìm người không dễ. 

Đại diện Công ty Dịch vụ Chuyên Tâm, đơn vị phối hợp với Hội LHPN thành phố, cho biết đang cần một lượng lớn lao động giúp việc nhà phù hợp với độ tuổi và tính chất nhàn rỗi như trên. Bà Đinh Thị Đẳng - Giám đốc Công ty Dịch vụ Chuyên Tâm - cho biết, hiện công ty có trên 500 chị em tuổi từ 30-50 đang là nhân viên, cộng tác viên giúp việc gia đình. Công ty đang cần người làm trong lĩnh vực này rất lớn nên chị em phụ nữ, ứng viên quan tâm có thể liên hệ để tìm hiểu chính sách cũng như phương thức đào tạo và thu nhập. Ứng viên có nhu cầu sẽ được đào tạo về kỹ năng nghề, kỹ năng giao tiếp... sau đó tùy chọn làm việc toàn thời gian 8 tiếng/ngày hay giúp việc theo giờ. Nếu làm khoán việc sẽ nhận mức 40.000-50.000 đồng/giờ, làm đủ 8 tiếng/ngày và đủ 48 tiếng/tuần có thể nhận được mức lương từ 5-8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn có chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn... nếu gắn bó lâu dài. 

Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho chị em
Để giúp chị em có việc làm một cách căn cơ, từ ngày 9/7 đến  14/8, Trung tâm Giới thiệu việc làm - Hội LHPN TP.HCM đã lần lượt tổ chức tám hội nghị chuyên đề ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh; Q.Tân Phú, Q.Tân Bình, Q.8, Q.11 và Q.Bình Thạnh. 

Theo bà Đoàn Thị Xuân Phương - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm, Hội LHPN TP.HCM - đây là chương trình nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác “Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho lao động nữ” giai đoạn 2016-2020, giúp lao động nữ có tay nghề và định hướng được việc học nghề để tìm việc làm phù hợp, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình tại các phường/xã/thị trấn trên địa bàn TP.HCM. 

Thời gian qua, trung tâm đã xây dựng mô hình “Tổ hợp tác phụ nữ may gia công” tại xã Hưng Long (H.Bình Chánh), P.6 (Q.8), tạo việc làm cho hơn 126 chị em với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. Trong những năm qua, Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Hội Phụ nữ thành phố đã liên kết với các trường nghề và các doanh nghiệp để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho chị em.

Ngoài chú trọng dạy những nghề phù hợp với nữ để tạo việc làm tại chỗ như may gia công, kỹ thuật trang điểm, làm móng, nấu ăn, giúp việc gia đình, Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Hội LHPN thành phố và các cấp Hội còn thực hiện công tác tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho 3.000 lao động nữ, trong đó 2.500 lao động được đào tạo nghề, 70% có việc làm sau học nghề. 

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực tại TP.HCM - dù chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lao động Việt Nam nhưng lao động nữ chưa qua đào tạo là một trong những nhóm yếu thế nhất trên thị trường lao động và mang nhiều đặc trưng nhân khẩu - xã hội bất lợi (tỷ lệ thất nghiệp cao, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, tập trung chủ yếu nhóm nghèo, sống ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, ở nhóm phụ nữ lớn tuổi, học vấn thấp)...

Khảo sát về thực trạng việc làm của lao động nữ cho thấy, trình độ, năng lực và chuyên môn nghề nghiệp của phụ nữ còn thấp, định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống (dệt, may, da giày, uốn tóc, dịch vụ gia đình...); đa số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn chỉ có thể làm được những công việc không ổn định, thu nhập thấp. 

Lao động nữ vẫn tập trung ở những ngành sử dụng chủ yếu sức lao động và chiếm trên 70% ở các ngành dệt may, da giày, chế biến nông sản. Phần lớn chị em làm việc trong điều kiện chưa được cải thiện, thời gian lao động kéo dài, rủi ro cao. Tỷ lệ nữ làm việc giản đơn chiếm 53,6%, và trong khu vực phi nông nghiệp chiếm 47,3%. Xu hướng đầu tư cho trẻ em gái trong học tập không được quan tâm nhiều như trẻ em trai, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu xã hội đang phát triển.

HOÀI AN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI