Chắp cánh ước mơ cho học sinh, sinh viên nghèo

18/08/2016 - 09:37

PNO - Sáng 16/8, Hội LHPN TP. HCM tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình học bổng (HB) Nguyễn Thị Minh Khai (NTMK) năm học 2015-2016 và trao 180 suất HB năm học 2016-2017.

Đây là năm thứ 26, quỹ HB NTMK được tổ chức, nhằm tiếp sức đến trường cho các thế hệ học sinh (HS), sinh viên (SV) nghèo.

Mặc dù 8g chương trình mới bắt đầu, nhưng mới hơn 6g, chị Nguyễn Lệ Thu (SN 1970, ngụ xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) đã đưa cô con gái Võ Thị Thu Thảo (HS lớp 12) tới hội trường A của trụ sở Hội LHPN TP.HCM. Chị Thu làm bảo mẫu, còn anh Võ Văn Nhựt (SN 1971, chồng chị) là nhân viên tạp vụ. Thu nhập của hai vợ chồng không đủ lo chi phí sinh hoạt, học tập cho các con. “Thu Thảo và cậu út Minh Đức (học lớp 3) nhà tôi đều được nhận HB NTMK mấy năm nay. May nhờ sự giúp sức đầy nghĩa tình này từ Hội mà gia đình tôi bớt lao đao” - chị Thu bộc bạch.

Chap canh uoc mo cho hoc sinh, sinh vien ngheo
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM trao học bổng cho các em

Năm 1989, Hội LHPN quận 5 sáng lập Quỹ HB NTMK; liền đó, Hội LHPN các quận 3, 10, Bình Thạnh cũng nhanh chóng xây dựng quỹ HB này nhằm chăm lo cho trẻ em nghèo, hiếu học. Nhận thấy hiệu quả thiết thực và ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà chương trình mang lại, từ năm học 1991-1992, Hội LHPN TP.HCM đã chính thức phát động phong trào HB mang tên Nguyễn Thị Minh Khai, người nữ bí thư Thành ủy đầu tiên của Sài Gòn - Chợ Lớn. Suốt 26 năm qua, Hội PN 24 quận huyện đều tích cực vận động các cá nhân, tổ chức ủng hộ quỹ HB, chăm lo và đỡ đầu cho các em HS nghèo. Theo thời gian, định mức HB không ngừng được nâng lên. Trong 10 năm đầu tiên, mỗi suất HB cho HS cấp I là 300.000đ, cấp II là 400.000đ, cấp III là 500.000đ và đại học là một triệu đồng. Hiện, giá trị HB đã tăng lên thành một triệu đ/suất cho HS cấp I; 1,2 triệu đ/suất cho HS cấp II; 1,5 triệu đ/ suất cho HS cấp III; hai triệu đ/suất cho SV đại học.

Trong năm học 2015-2016, Hội LHPN TP.HCM cùng các đơn vị trực thuộc gồm Hội Nữ trí thức TP.HCM, Hội PN Từ thiện TP.HCM, Báo Phụ Nữ TP.HCM và 24 quận huyện Hội đã trao 9.598 suất HB NTMK với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng tặng 152 góc học tập trị giá 164,7 triệu đồng, tặng đồng phục, tập, viết, sách giáo khoa cho HS, SV. Các cấp Hội còn thường xuyên vận động những em được nhận HB tiết kiệm tiền để mua sắm dụng cụ học tập, đồ chơi và giúp bạn có hoàn cảnh khó khăn thông qua mô hình nhóm “Địa chỉ xanh”, phong trào “Thỏ ngọc - heo đất”, “Tiết kiệm giúp bạn”. Song song đó, các cấp Hội cũng tổ chức các hội thảo chuyên đề về nuôi dạy con, giáo dục giới tính, cách chăm sóc trẻ vị thành niên… cho phụ huynh có con em được nhận HB NTMK của Hội.

Chap canh uoc mo cho hoc sinh, sinh vien ngheo
Chị Nguyễn Thu Lệ và con gái

Em Trần Đặng Bích Vân, HS lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận bộc bạch: “Ngày nào cũng vậy, cứ tờ mờ sáng là mẹ em đi giao báo Phụ Nữ cho các cơ sở Hội, đi chợ rồi làm việc nhà. Thấy mẹ lao tâm lao lực quá, có lúc em đã tính nghỉ học, đi kiếm việc làm, nhưng các dì ở Hội LHPN P.9, Q.Phú Nhuận đã đến thăm, động viên mẹ con em, đồng thời tặng HB NTMK cho em từ năm lớp 6 đến nay. Em luôn tự nhắc mình phải ráng học giỏi, tích cực tham gia sinh hoạt Hội PN tại địa phương”.

Năm học 2016-2017, ngoài 180 suất HB của Hội LHPN TP.HCM, các cấp Hội cũng đã vận động trao tặng hơn 8.000 suất HB NTMK với tổng trị giá hơn 8,5 tỷ đồng. Đây là thành quả sau những ngày kiên trì vận động các nhà hảo tâm, vận động hội viên tiết kiệm tiền chợ, tiền xăng xe, thu gom ve chai, nuôi heo đất đóng góp vào quỹ HB. Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM chia sẻ: “Sự tiếp sức của chúng ta cho các em, không gì hơn việc gieo vào các em những hạt mầm yêu thương, chia sẻ, để các em mang theo hạt giống tâm hồn ấy mà đi vào đời, nỗ lực, phấn đấu vươn lên và tiếp tục truyền tình yêu thương, sự tử tế đến với những người xung quanh mình. Đó là giá trị bền vững và nhân bản nhất mà HB NTMK hướng đến và nuôi dưỡng”.

Tại lễ trao học bổng sáng 16/8, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM đã chia sẻ với các HS, SV chuyên đề “Thế nào là sống đẹp, sống có ích?”. Theo TS Hiếu, sống đẹp xuất phát từ những hành động cụ thể thể hiện lòng hiếu thảo, tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ người khó. Sống có ích đồng nghĩa với nỗ lực học tập từng ngày và sau này tìm được việc làm ổn định, bởi đầu tư cho trí tuệ là khoản đầu tư không bao giờ lỗ. TS Hiếu cũng chỉ ra, mỗi người cần có một khát khao, một ước mơ để theo đuổi thì mới có thể phát huy 100% nội lực, sống có ích cho mình và cho xã hội.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI