Biến nơi đang sống thành nơi đáng sống

20/12/2017 - 15:42

PNO - Tà tà chạy xe vào con hẻm 714 Nguyễn Trãi, P.11, Q.5, TP.HCM, tôi cảm thấy dịu mát lạ lùng, dù trời đang oi nắng.

Đang dừng xe ngó nghiêng, tìm xem tiếng chim hót véo von từ cành cây nào, tôi bỗng giật mình bởi tiếng của bà cụ đang ngồi phe phẩy chiếc quạt nan trước sân nhà:“Ngồi xuống đây đi con, dưới bóng mát này, nghỉ cho đỡ mệt”.

Bien noi dang song thanh noi dang song
Hẻm 97 Nguyễn Du, Q.1 sau khi được cải tạo

Diện “áo mới” cho hẻm

Là một trong 15 tuyến hẻm “nóng” của quận 5, hẻm 714 Nguyễn Trãi từng là nơi chịu cảnh buôn bán nhếch nhác, súc vật phóng uế bừa bãi, thiếu mảng xanh, dây điện chằng chịt, mặt đường bong tróc, ổ gà, xả rác, các mảng tường đầy mẩu rao vặt… Nhưng đấy là chuyện của nhiều năm trước.

“Giờ nhìn con hẻm được như vầy, sáng sáng chiều chiều người già trẻ nhỏ ngồi ngoài sân hít thở khí trời. Sướng” - anh Tùng Hiếu, sống tại đây gần 20 năm hồ hởi nhận xét. Anh Hiếu nói thêm: “Người ta không sống ở đây mà lại đem cây xanh đến trồng, tặng chậu cho các hộ, trang trí lại tường, tổng vệ sinh con hẻm. Chúng tôi là cư dân sống trong hẻm, cũng không khỏi giật mình nhìn lại bản thân, rồi xắn tay áo cùng làm”. “Người ta” mà anh Hiếu nhắc đến chính là cán bộ, hội viên hội phụ nữ.

Thực ra, mọi chuyện cũng không được thẳng băng như câu anh Hiếu nói. Để thay đổi được nhận thức của người dân, không phải là chuyện một ngày một bữa. Người đông, nhà chật, lấy chỗ đâu phơi đồ? Những mảng tường “khoan cắt bê tông” nay xóa, mai lại mọc, phải làm sao? Dây điện chằng chịt, xử lý thế nào? Rối ở đâu, gỡ ngay chỗ ấy, từng mắc mứu của hẻm dần được tháo bỏ.

“Hẻm này nằm trong quần thể di tích Hội quán Tuệ Thành, có Trường trung học cơ sở Mạch Kiếm Hùng 106 năm tuổi, là di tích quốc gia bên hông hẻm. Chúng tôi đã vận động kinh phí trong dân, bó hệ thống dây điện, trang trí lại mặt tường, xóa ổ gà, ổ voi; làm từng bước, hiệu quả rõ ràng, bà con tin tưởng, phấn khởi, tự giác giữ gìn vệ sinh chung” - ông Nguyễn Văn Nhi, Trưởng ban điều hành khu phố 4A - phân tích.  
Tại quận 5, có 15 con hẻm được Hội Phụ nữ chọn xây dựng “tuyến hẻm xanh-sạch-đẹp” nhằm thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” do Hội LHPN Việt Nam phát động. Hội đã phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động được 130 triệu đồng, trồng tổng cộng 573 cây xanh và trang trí gần 3.000m2 bờ tường dọc các hẻm.

“Hẻm cẩm tú cầu”

Người dân ở P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM đã gọi hẻm 97 Nguyễn Du như vậy. Nếu có dịp chứng kiến mọi người khệ nệ khiêng đất, mang cây về trồng, mới hiểu được phần nào sự nhiệt tình, tận tâm cho nơi mình đang sống. Cụ Tuệ Minh - một cán bộ hưu trí - đi dạo cùng cậu cháu nhỏ 5 tuổi, cười tươi dưới ráng nắng chiều: “Hẻm này ngày xưa kinh lắm, đất cát ngổn ngang. Chúng tôi cứ bảo nhau “quận 1 tấc đất tấc vàng mà không ai cải tạo, sửa sang, bỏ bê thế này, phí quá”. Không ngờ, con hẻm giờ đã được cải tạo, đúng là không tin nổi vào mắt mình”.

Hẻm được lát xi măng sạch sẽ, tường được sơn lại bắt mắt. Ngoài hai cây nhãn và vú sữa lâu đời tỏa bóng mát, còn có thêm nhiều cây kiểng được chăm bón đều đặn mỗi ngày. “Tụi tui ưu tiên lựa cây chịu nắng chịu gió, hy vọng chúng phát triển tốt, tạo thành hàng rào hoa mát mắt. Chăm chúng như chăm con mọn, mỗi chiều, tôi đều tranh thủ chạy qua thăm cây” - chị Nguyễn Thị Kim Kim, người đã hỗ trợ kinh phí trồng cây xanh trong tuyến hẻm này, vui vẻ cho biết. 

Tại quận 1, nhiều con hẻm cũng đang dần cựa mình, thay da đổi thịt. Như hẻm 45 Đinh Tiên Hoàng, nơi có 100% chủ hộ cam kết không vứt rác ra hẻm, không đưa rác ra cổng trước giờ thu gom, không để nước thải đổ ra mặt đường; hẻm 158 Nguyễn Công Trứ cũng đang được phủ bóng cây xanh; hẻm 16 Phan Ngữ hầu như nhà nào cũng trồng cây kiểng rợp kín… Từng chút, từng chút một, mỗi người dân đang cùng Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương biến nơi mình đang sống thành nơi đáng sống. 

 Tâm Uyên

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thường vụ Hội LHPN TP.HCM đã triển khai kế hoạch xây dựng 300 tuyến đường đạt tiêu chí “văn minh - mỹ quan đô thị” và tuyến hẻm đạt tiêu chí “sạch ngõ” giai đoạn 2017-2021. Theo đó, mỗi năm, các Hội LHPN các cấp xây dựng được ít nhất 60 tuyến đường, hẻm đạt các tiêu chí trên và duy trì, giữ vững các tuyến đường, hẻm đã đạt tiêu chí các năm trước.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI