Bị lừa đảo vì muốn xem ảnh chồng ngoại tình trên Facebook

11/12/2019 - 07:52

PNO - Rất nhiều chị em phụ nữ trở thành nạn nhân của trò lừa đảo chỉ vì nóng lòng truy cập vào một đường link lạ gửi qua Facebook để xem ảnh chồng mình ngoại tình.

Trong đêm 1/12, hơn 100 người thân của chị N.P.L.Đ. (ngụ TP.HCM) nhận được tin nhắn Messenger (tin nhắn Facebook) nhờ nạp card điện thoại và mượn tiền, hai trong số ấy đã bị lừa với số tiền 100.000 đồng.

Chị Đ. cho biết, hai ngày trước đó chị nhận được tin nhắn với nội dung đề nghị truy cập vào một đường link được gửi qua Facebook để xem ảnh chồng mình ngoại tình. Tin lời, chị Đ. vào xem thì không thấy gì liên quan. Chị Đ. cũng chẳng lưu tâm. Đến khuya ngày 1/12, chị Đ. được một người thân gọi điện cho biết tài khoản Facebook của mình đang nhắn tin mượn tiền và nhờ nạp card điện thoại đến rất nhiều người. 

Bi lua dao vi muon xem anh chong ngoai tinh tren Facebook
 

Ở trên chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của các đối tượng lừa đảo thông qua việc chiếm đoạt tài khoản Facebook. Qua công tác đấu tranh phòng - chống tội phạm, lực lượng chức năng cho biết, có hai cách hack tài khoản Facebook phổ biến là dò mật khẩu và lập một website giả giống hệt website chính thức của Facebook, rồi dẫn dụ người dùng đăng nhập vào để đánh cắp mật khẩu...

Có ba thủ đoạn dẫn dụ người dùng Facebook truy cập vào các link lừa đảo gồm: 

1. Gửi tin nhắn thông báo cho các chủ tài khoản đã có gia đình để thông tin là vợ/chồng người đó ngoại tình, các đối tượng đã ghi hình lại được và mời vào đường link để xem. 

2. Gửi tin nhắn đến chủ tài khoản thông báo rằng, họ đã bị báo chí xuyên tạc rồi mời vào đường link đăng nhập tài khoản Facebook xem. 

3. Thông báo với các chủ tài khoản là con hay bạn bè thân thiết... đang tham dự một cuộc thi, đã lọt top 10 nên cần lượt chia sẻ để tăng like, tăng lượt xem, bình chọn nên nhờ chủ tài khoản đăng nhập Facebook và làm theo hướng dẫn của website. 

Trong năm 2019, các đơn vị thuộc Bộ Công an đã phát hiện, triệt phá, bắt giữ nhiều băng nhóm đối tượng lừa đảo bằng cách chiếm đoạt Facebook. Nổi cộm nhất là vụ Nguyễn Hữu Tiến (24 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Trị) cùng 12 nghi can đã hack 500 tài khoản Facebook để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Thực chất, các đường link này đều giả mạo, được các đối tượng thiết kế tương tự website chính thức của Facebook để đánh cắp mật khẩu và tài khoản người dùng. Sau khi hack được tài khoản Facebook, các đối tượng lừa đảo nghiên cứu kỹ thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện với bạn bè của chủ tài khoản rồi giả chủ tài khoản gửi tin nhắn trò chuyện với những người có quan hệ thân thiết với chủ tài khoản để thực hiện các hành vi lừa đảo như: vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại…

Bi lua dao vi muon xem anh chong ngoai tinh tren Facebook
Một nhóm đối tượng hack Facebook để lừa đảo mượn tiền, xin card điện thoại bị công an bắt giữ năm 2019

Các tài khoản Facebook bọn lừa đảo lựa chọn để hack phần lớn là những người cao tuổi, vì những người này thường đặt mật khẩu đơn giản, dễ nhớ; hoặc các chủ tài khoản Facebook đang sinh sống ở nước ngoài, để khi bị lừa đảo sẽ khó kiểm chứng.

Cơ quan công an cảnh báo người dùng Facebook cần cảnh giác trước thủ đoạn nhắn tin vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại trên Facebook... Cần gọi điện thoại trực tiếp cho chủ tài khoản Facebook để xác minh thông tin và nội dung trao đổi. Chỉ đăng nhập tài khoản trên website chính thức của Facebook. Tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web nghi vấn hoặc yêu cầu đăng nhập tài khoản một cách bất thường.

Cũng nên cài đặt mật khẩu Facebook có yếu tố bảo mật cao; hạn chế sử dụng các thông tin như họ tên, biệt danh, ngày tháng năm sinh để cài đặt mật khẩu; luôn cài đặt mã xác thực hai yếu tố qua điện thoại hoặc hòm thư điện tử tin cậy; luôn cài đặt cảnh báo đăng nhập, để kịp thời phát hiện các đăng nhập từ thiết bị bất thường... 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI