Bạo lực gia đình vẫn đang phổ biến

07/08/2017 - 09:20

PNO - Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình cho thấy, 58,3% phụ nữ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình và 83,78% vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.

Sáng 3/8, tại TP.HCM, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Có hơn 50 đại biểu đến từ 12 tỉnh thành trên cả nước tham dự. 

Bao luc gia dinh van dang pho bien
Quang cảnh buổi hội thảo

Những con số đáng báo động

Đề dẫn hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN Việt Nam - nhấn mạnh, BLGĐ vẫn đang xảy ra phổ biến, không phân biệt vùng miền, tầng lớp mà nạn nhân đa phần là phụ nữ (PN) và trẻ em. Nghiên cứu quốc gia về BLGĐ cho thấy, 58,3% PN đã trải qua ít nhất một hình thức BLGĐ và 83,78% vụ ly hôn có nguyên nhân từ BLGĐ.

Bà Đoàn Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Gia đình và Xã hội, Hội LHPN TP.HCM viện dẫn báo cáo ngày 28/12/2016 của Ban Vì sự tiến bộ PN và bình đẳng giới TP.HCM, trong đó ghi nhận: từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2016, TP.HCM xảy ra 58 vụ BLGĐ, người gây ra BLGĐ chủ yếu là nam giới (54/58 vụ), trong đó có 15/58 vụ phải xử lý hình sự. 

Trong khi đó, tại tỉnh Hải Dương, chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2017, cơ quan chức năng thống kê có đến 58 vụ BLGĐ; trong ba năm từ 2012 - 2016, số nạn nhân bị BLGĐ phải đến các cơ sở y tế điều trị do bị thương tích nặng lên tới 29 trường hợp. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao TP.Đà Nẵng, trong bảy năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, TP này xảy ra 166 vụ BLGĐ. 

Điều đáng lo ngại là bạo lực tình dục có xu hướng tăng. Bà Lý Thị Kiệp - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long - lo ngại việc PN do muốn giữ danh dự gia đình, đã chọn cách nhẫn nhịn và cách này đã vô tình biến họ thành người dung túng, bao che cho BLGĐ.

Thậm chí có trường hợp, người mẹ im lặng ngay cả khi phát hiện con gái bị xâm hại mà kẻ thủ ác chính là cha, ông của các em. Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 30 vụ (30 đối tượng) xâm hại tình dục trẻ em, tăng 13 vụ so với năm 2015. Riêng trong sáu tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ xâm hại tình dục trẻ em. 

Đơn cử như vào tháng 2/2017, đối tượng Nguyễn Văn Lên (SN 1999, đang học lớp 12, ngụ tại xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) chặn đường, thực hiện hành vi xâm hại em P.T.Y.N. (SN 2007), sau đó dìm nạn nhân xuống mương nước đến chết. Ngày 12/4, đối tượng N.V.B. (35 tuổi) về xã Tân Phú, huyện Tam Bình thăm nhà. Đến tối 13/4, B. đã thực hiện hành vi dâm ô với chính con ruột của mình dù bé mới bốn tuổi. Hiện, công an đang tiếp tục điều tra vụ việc. 

Huy động nam giới cùng phòng chống BLGĐ

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng có nhiều lý do dẫn đến BLGĐ, như bất đồng về quan điểm sống, kinh tế chật vật, vợ/chồng ngoại tình, tệ nạn cờ bạc, rượu bia. Cũng có trường hợp PN bị chồng đánh đập do không sinh được con trai.

Theo các đại biểu, công tác phòng, chống BLGĐ cũng như can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ hiện gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc nạn nhân cam chịu, không trình báo thì sự thờ ơ của xóm làng, không muốn “lo chuyện bao đồng”, tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng là nguyên nhân khiến tình trạng BLGĐ ngày càng nhức nhối. 

Đại biểu Nguyễn Hậu (25 tuổi, ngụ tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) tình thiệt: “Trước đây, tôi cho rằng đàn ông là trụ cột gia đình, có trách nhiệm kiếm tiền, còn PN phải lo chăm sóc nhà cửa, con cái, nên chồng đánh vợ con do đi làm về mà chưa có cơm, nhà cửa bẩn là điều bình thường.

Nếu vụ việc quá nghiêm trọng, tôi cho đó là việc của công an và chính quyền địa phương, mình không nên làm gì cả vì sẽ ảnh hưởng đến bản thân, liên lụy gia đình. Nhưng đến khi tham gia câu lạc bộ (CLB) Nam giới tiên phong phòng, chống bạo lực đối với PN và trẻ em gái, tôi mới nhận ra những suy nghĩ trên là sai lầm”. 

Những năm qua, bên cạnh mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, Hội LHPN các tỉnh thành trên cả nước đã thành lập nhiều CLB, tổ, nhóm làm công tác tuyên truyền pháp luật về BLGĐ, can thiệp, giúp sức nạn nhân bị bạo hành ổn định tinh thần, hòa nhập cuộc sống. Tính đến cuối năm 2016, TP.HCM có 1.438 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng (có 824 địa chỉ là do Hội PN giới thiệu).

Trong 5 năm (2011-2016), các cấp Hội tại TP.HCM đã hỗ trợ 959 PN là nạn nhân BLGĐ, đồng thời tư vấn, hòa giải 4.242 trường hợp BLGĐ chưa đến mức phải điều tra, khởi tố. Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, Hội cũng xây dựng được 2.031 tổ tư vấn cộng đồng với 7.924 thành viên, góp phần tư vấn, hòa giải thành 70 - 99% vụ mâu thuẫn ở gia đình, khu dân cư, qua đó hạn chế BLGĐ và những vụ việc đáng tiếc khác. 

Tại Đà Nẵng, các cấp Hội đã xây dựng được sáu CLB Nam giới tiên phong phòng, chống bạo lực đối với PN và trẻ em gái, thu hút 1.066 “đấng mày râu” tham gia. Không chỉ tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các CLB này còn tạo điều kiện cho nam giới giao lưu, vui chơi thể thao, chia sẻ kinh nghiệm vun vén hạnh phúc gia đình.

Sau khi nghe bà Trần Thị Thu Huyền - Trưởng ban Chính sách Pháp luật của Hội LHPN TP.Đà Nẵng - giới thiệu về mô hình CLB này, cả hội trường đã vỗ tay tán thưởng, cho rằng đây là mô hình hay, hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của nam giới và cần được nhân rộng. 

Cha mẹ ly hôn do BLGĐ đã để lại hệ lụy cho con cái. Từ năm  2007 đến 2010, tại thị trấn Cao Thương, có 18/21 cặp vợ chồng ly hôn do BLGĐ, cùng với đó là hơn 30 lượt trẻ mắc vào tệ nạn như trộm cắp, cờ bạc, nghiện ma túy. 

Bà Nguyễn Thị Hiền – thành viên Ban chủ nhiệm CLB Phòng, chống BLGĐ thị trấn Cao Thương, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI