Nhà văn hóa Phụ Nữ TP.HCM: ngôi nhà chung của phái đẹp

16/02/2015 - 18:50

PNO - PN - Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 40 năm giải phóng với diện mạo đầy năng động và hiện đại, mà Nhà Văn hóa Phụ nữ thành phố (NVH PN) là một “mảnh ghép đẹp”. Không gian thân tình, ấm áp ở nơi được gọi là “ngôi nhà chung...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nha van hoa Phu Nu TP.HCM: ngoi nha chung cua phai dep

Dạy nấu ăn, cắm hoa, khiêu vũ... Nhà văn hóa Phụ Nữ là nơi trang bị những kiến thức, kỹ năng giúp chị em chủ động xây đắp hạnh phúc

“KHÔNG NGỜ THÀNH CÔNG ĐẾN VẬY”

Bà Nguyễn Thị Xà (thường gọi là dì Chín Xà, một trong những người sáng lập NVH PN thành phố) đã xúc động thốt lên như vậy trong một lần trở lại thăm ngôi nhà thân thương ấy. Cách đây 33 năm, các đồng chí lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố nhận thấy cần phải xây dựng một địa điểm để chị em được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng để sống tự tin và hiện đại hơn. Với tư duy của một người phụ nữ luôn nhìn cuộc sống theo hướng phải tiến đến hiện đại thật nhanh như dì Chín Xà, yêu cầu phụ nữ cần phải học kĩ năng để làm chủ gia đình, chủ động tạo dựng hạnh phúc sớm được hình thành. Những lớp kĩ năng ban đầu như học nấu ăn, làm bánh, tỉa rau củ, cắt may, thêu thùa, cắm hoa… nhanh chóng thu hút đông học viên.

Thời ấy, NVH PN đã thay đổi tư duy của rất nhiều chị em, rằng hạnh phúc không phải “may nhờ rủi chịu”, mà để có được hạnh phúc gia đình, những người vợ, người mẹ cần phải rèn luyện các kĩ năng nữ công gia chánh cũng như bồi đắp kiến thức về tâm lý, ứng xử, giải quyết tình huống. Đi đúng hướng và làm đúng cách.

Chỉ tính riêng trong khoảng 10 năm gần đây, mỗi năm NVH PN đã đào tạo cho hơn 130.000 lượt học viên. Là đơn vị sự nghiệp với sự quản lý của Nhà nước (trực tiếp là Ban Thường vụ Hội LHPN TP.HCM), ban đầu, NVH PN được thành lập là nhằm tạo môi trường giao lưu, sinh hoạt cho hội viên, phụ nữ, qua đó góp phần nâng cao kĩ năng sống cho phụ nữ. Nhưng từ khi thành lập đến nay, nhờ hoạt động hiệu quả, NVH PN chưa hề nhận ngân sách nhà nước. Không những thế, đơn vị này còn đủ năng lực tài chính để đầu tư 60 tỉ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng từ 3.500m2 lên 6.000m2, mới đây đã khánh thành và đưa cơ sở II đi vào hoạt động tại số 02 đường Nguyễn Đổng Chi, Phường Tân Phú, Quận 7 với diện tích gần 18.000m2.

Nha van hoa Phu Nu TP.HCM: ngoi nha chung cua phai dep

Hiện nay, dù đã có nhiều đơn vị khác đào tạo nghề và kĩ năng cho phụ nữ, nhưng NVH PN vẫn là nơi mà có lẽ các học viên nghĩ tới đầu tiên. Với hơn 100 chương trình đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện kĩ năng, đơn vị này hiện có hơn 100 giáo viên cộng tác, trong đó có nhiều giáo viên được NVH PN đưa đi bồi dưỡng, học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc,...

Sở dĩ NVH PN giữ được thương hiệu hàng đầu trong cả nước về đào tạo kĩ năng cho phụ nữ là vì ngay từ khi thành lập, Ban giám đốc đã xác định lấy chất lượng đào tạo làm điểm tựa. Trong “bách nghệ” mà đơn vị này đào tạo, có thể xem nghề nail (chăm sóc móng) là một trong những điểm sáng.

Hơn ba mươi năm qua, rất nhiều người làm nail xuất thân từ “cái nôi” NVH PN - mà chính sự xuất thân ấy đã đảm bảo trình độ để họ tự tin khẳng định bản thân với nghề này. Đặc biệt, từ thập niên 90 của thế kỉ trước, nhiều phụ nữ xuất ngoại, họ nghĩ đến nghề nail như một công việc khả dĩ ở xứ người và NVH PN là địa chỉ tin cậy để họ tìm đến. Hiện nay, NVH PN thường nhận được công văn gửi về từ nước ngoài để xác nhận lại chứng chỉ học nghề của đơn vị này, điều đó cho thấy, chất lượng đào tạo của NVH PN được thừa nhận ở ngoài vùng lãnh thổ Việt Nam.

Dạy nấu ăn, cắt tỉa củ quả, cắt may cũng là thế mạnh của NVH PN. Tại TP.HCM, nhiều thế hệ giáo viên dạy nấu ăn, cắm hoa, đan móc len sợi, tỉa củ quả, đầu bếp các quán ăn, nhà hàng, chủ các tiệm may nổi tiếng đã từng “khởi nghiệp” sau khi tham gia các lớp học ở địa chỉ quen thuộc này.

Do đó, có thể nói, để trở thành người phụ nữ đảm việc nhà, chị em có thể tìm đến đây để học nữ công gia chánh; muốn trở thành người vợ khéo tay, tài hoa trong mắt chồng, có thể học may vá, thêu thùa, làm hoa voan, hoa giấy, kết vật lưu niệm, trang sức; muốn khỏe và đẹp thì tham gia các lớp trang điểm, tạo mẫu tóc, học khiêu vũ, thể dục, yoga, aerobic…

Nha van hoa Phu Nu TP.HCM: ngoi nha chung cua phai dep

Ban giám đốc Nhà văn hóa Phụ Nữ

Nét đặc biệt ở NVH PN là lớp được mở ở nhiều cấp độ khác nhau. Chính vì vậy, có những học viên đã trở nên quá thân quen với “ngôi nhà” này khi học ở đây khá nhiều năm, bắt đầu từ các lớp cơ bản cho đến nâng cao.

“MÁI ẤM” CỦA CHỊ EM

Một buổi chiều cuối năm 2014, tôi ghé thăm NVH PN, vất vả lắm mới gửi được chiếc xe. Chị Phan Thị Bích Hường (Giám đốc NVH PN) chào bằng câu nửa đùa nửa thật: “Khó khăn lớn nhất của NVH PN hiện nay là… chỗ giữ xe, vì học viên quá đông!”. Không gian đông đúc, nhộn nhịp từ khu vực các lớp học ra đến ngoài sân. Ở đây, chị em không những đến để học mà còn để gặp gỡ, chuyện trò với nhau. Loáng thoáng có cô gái trẻ khoe với đồng môn chiếc váy mới, chia sẻ thông tin mua ở đâu; bên cạnh có hai chị tuổi trung niên “tám” chuyện dùng phấn nền sao cho nét mặt vẫn mềm, không bị dày phấn… Những câu chuyện rất “chị em” đã tạo ra không gian thân tình, gần gũi - đặc trưng rất riêng của NVH PN.

Điều đáng ghi nhận của NVH PN là ngoài việc tổ chức đào tạo có thu phí, đơn vị cũng duy trì hoạt động của các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm và hoạt động cộng đồng rất có ý nghĩa. Với một đơn vị không nhận ngân sách của Nhà nước thì rất khó để duy trì điều đó.

Như lời bà Nguyễn Thị Lập Quốc (nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP, nguyên Giám đốc Sở Du lịch TP, nguyên Giám đốc NVH PN) trăn trở: “Những câu lạc bộ, đội, nhóm và các hoạt động cộng đồng là những bộ phận không thể thiếu của NVH PN. Vì vậy, NVH đã cân đong đo đếm giữa các hoạt động có thu phí với các hoạt động không thu phí để đảm bảo đơn vị hoạt động vững mạnh. Đó là điều không đơn giản, đòi hỏi tập thể quản lý phải có bản lĩnh cao”.

CLB nhiếp ảnh nữ Hải Âu, CLB nữ họa sĩ Ngân Hà được hình thành từ NVH PN và hiện nay vẫn hoạt động sôi nổi tại đây. Ngoài ra, các CLB Tóc, CLB Nghệ thuật hoa, CLB Tem cũng hoạt động khá xôm tụ.

Nha van hoa Phu Nu TP.HCM: ngoi nha chung cua phai dep

Những buổi nói chuyện chuyên đề luôn thu hút lượng khách đáng kể

Với triết lý hoạt động là mang đến tất cả những gì có thể để chị em chủ động xây đắp hạnh phúc, ngoài dạy kĩ năng, NVH PN còn thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề miễn phí, tập trung vào hai chủ đề lớn: ứng xử vợ - chồng và cách nuôi dạy con cái. Đặc biệt, NVH PN vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động của phòng tham vấn “Tình yêu-Hôn nhân-Gia đình” phục vụ miễn phí mỗi ngày.

Không đơn thuần là tạo ra những lớp học chuyên nghiệp, điều khiến hình ảnh NVH PN đi sâu vào lòng nhiều thế hệ phụ nữ tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận là đã giúp học viên thay đổi cuộc đời, từ việc rèn luyện kĩ năng đến nâng đỡ tinh thần. Nhiều câu chuyện xúc động được lưu lại ở những bài tham dự cuộc thi “Tôi và NVH PN” được tổ chức mới đây. Câu chuyện của chị Trần Thị Minh Thư là một ví dụ. Năm 1989, dù là một học sinh giỏi nhưng thi rớt đại học, chị chán chường mọi thứ. Cuộc đời rẽ hướng khi chị tìm đến NVH PN để theo học cắt may, chỉ đơn giản vì “đến NVH PN, thấy không khí vui quá”.

Càng học càng mê và theo học những khóa cao hơn, sau đó “cứng” nghề, chị được nhận vào làm việc tại Công ty may Nhà Bè. Công việc ổn định, chị theo học cử nhân kinh tế, nhưng vẫn không có “mảnh tình vắt vai” và chị cho rằng do mình xấu vì chưa biết cách làm đẹp và thiếu tự tin với người khác phái. Thế là chị quay lại “mái trường xưa” để học thêm trang điểm, khiêu vũ.

Sau đó, chị lấy chồng, sinh con và quay lại NVH PN, tập thể dục thẩm mỹ để tự tin “giữ chồng”. “Điều gì khiến chị Thư mê NVH PN đến vậy?”. Chị lý giải: “Mỗi ngày đi học, tôi cảm thấy vui vẻ, sảng khoái khi được tiếp xúc với bạn bè - những người đến lớp với tinh thần học để trở thành người phụ nữ hoàn hảo hơn”.

Nha van hoa Phu Nu TP.HCM: ngoi nha chung cua phai dep

Gắn bó với NVH PN đã 18 năm, từ một nhân viên phòng giáo vụ, nay đang giữ chức vụ Giám đốc NVH PN, chị Phan Thị Bích Hường chia sẻ: “Sau 33 năm hoạt động, chúng tôi đã và luôn cố gắng giữ vững vị trí hàng đầu trong cả nước về đào tạo kĩ năng cho phụ nữ. Để làm được điều này, ngoài chăm chút cho từng nội dung bài giảng và liên tục cập nhật kiến thức mới, chúng tôi còn tạo ra môi trường thân thương. Ở đây, thầy và trò không chỉ truyền đạt, trao đổi mà còn ứng xử với nhau như người trong gia đình. Học viên đến đây, không chỉ học mà còn được tâm tình, chia sẻ chuyện công ăn việc làm, chuyện gia đình, được sống trong ngôi nhà chung chan hòa tình cảm”.

Nhìn vào tầm vóc to lớn của NVH PN hôm nay, có thể thấy được vai trò của đơn vị này trong dòng chảy mạnh mẽ của Thành phố.

Chị Phan Thị Bích Hường nhận định: “Để có được những thành quả như hôm nay, NVH PN đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM; đặc biệt là sự đồng lòng phát huy nội lực và không ngừng phấn đấu với tinh thần quyết tâm cao nhất của tập thể cán bộ, nhân viên của đơn vị đã và đang đem lại những hiệu quả rất cụ thể cho NVH PN hôm nay. Hoạt động miệt mài và hiệu quả của NVH PN đã đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Chúng tôi tự hào khi được đứng trong hàng ngũ tạo nên thương hiệu NVH PN - Ngôi nhà chung của phái đẹp”.

ĐẠI ĐỒNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI