Hoài Lâm: Tôi sẽ vẫn là tôi

17/06/2014 - 11:27

PNO - PN - Sau đêm diễn đem đến nhiều cảm xúc cho khán giả và vinh quang cho mình, Hoài Lâm vẫn thức dậy từ sáng sớm như bao ngày. Đó là thói quen xưa giờ của chàng trai 19 tuổi, vẫn không thay đổi như một biểu hiện của việc cố giữ mình...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoai Lam: Toi se van la toi

Trên sân khấu, Hoài Lâm đã hóa thân thành nghệ sĩ Thanh Nga từ điệu bộ đến biểu cảm gương mặt. Nhưng ít ai biết rằng chỉ trước đó ít phút, trong hậu trường chàng trai 19 tuổi này run đến mức đứng không vững, liên tục nắm lấy tay nghệ sĩ Trung Thảo - người dựng tiết mục Tiếng trống Mê Linh của Lâm, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh.

Trước khi hóa thân thành Thanh Nga, Hoài Lâm đã nhắm đến nhiều sự lựa chọn khác. Trong đó có cả vua nhạc Pop Michael Jackson để khoe vũ điệu vì suốt 11 show diễn trước anh chưa có tiết mục nào thể hiện khả năng này; hay như Bằng Kiều - một giọng nam hiếm hoi của nhạc Việt. Thế nhưng, lựa chọn cuối cùng lại là cố nghệ sĩ Thanh Nga. Trái với dự đoán của nhiều người, Hoài Lâm cho biết, đây không phải là yêu cầu hay gợi ý của Hoài Linh, mà chính bản thân mình chọn. Gần như chiếc bàn cân được bày ra, một bên là Bằng Kiều với những ca khúc mà Hoài Lâm yêu thích và dễ tạo được hiệu ứng đám đông, một bên là những lời ca cổ không được nhiều khán giả trẻ biết đến. Nhưng, vừa muốn thể hiện sự yêu thích cải lương từ bé của mình, vừa nghĩ đến lời bố Hoài Linh muốn con trai theo đuổi nghệ thuật truyền thống và chinh phục khán giả bằng những gì thật nhất, Hoài Lâm quyết định chọn trích đoạn này. “Thật ra Michael Jackson mới là nhân vật được ê kíp đồng tình nhiều nhất, nhưng vì đêm cuối thì ca sĩ hoàn toàn tự quyết định nhân vật cho mình nên chúng tôi tôn trọng quyết định của Lâm”, nhạc sĩ Nguyễn Hà - đạo diễn chương trình cho biết.

Hoai Lam: Toi se van la toi

Sự hóa thân thành nghệ sĩ Thanh Nga mang vinh quang đến cho Hoài Lâm

Vì thay đổi giữa chừng nên Hoài Lâm chỉ có vài ngày để vào vai một tượng đài của sân khấu cải lương. Anh gần như mất ăn mất ngủ, nhất là khi tập luyện trong áp lực vô hình vì được kỳ vọng nhiều từ khán giả trước đó. Từ lúc đưa ra quyết định, anh ngay lập tức lên internet tìm đọc mọi thông tin về cố nghệ sĩ Thanh Nga, rồi sau đó gần như cả ngày chỉ dán mắt vào màn hình xem các tuồng mà nữ nghệ sĩ này đóng, không chỉ Tiếng trống Mê Linh mà tất cả các vở khác. Xem cách liếc mắt, xem cái nhếch môi, xem khẩu hình phát âm những chữ ê a, xem dáng bộ bước chân, tay rút kiếm… vừa dán mắt vào màn hình, nhiều nhất là điện thoại, vừa làm theo. Miệng thì không ngớt lẩm nhẩm. Mọi chiếc gương ở nhà được Hoài Lâm “trưng dụng” để tự điều chỉnh khẩu hình, biểu cảm của mình. Bắt chước người khác đã khó, bắt chước hai giọng liên tiếp nhau với hai thần thái khác nhau lại càng khó bội phần. Hoài Lâm lại tìm tài liệu, lại xem clip, xem các vở cũ của NSƯT Thanh Sang, điều nghiên cách phát âm, cách lấy hơi của nghệ sĩ này... “Nhiều lúc thấy mình... không bình thường, miệng lúc nào cũng lẩm nhẩm hát rồi tự đánh tay, liếc mắt một mình. Ăn cơm cũng vừa ăn vừa dán mắt vào điện thoại xem clip”, Hoài Lâm vui vẻ kể. Cho đến khi Lâm cất giọng bắt chước Thanh Sang, ê kíp sản xuất hoàn toàn sửng sốt. Mọi thứ chưa dừng ở đó, bài toán khó lại đến khi câu hỏi về việc làm thế nào để đang là Trưng Trắc, Hoài Lâm ngay tức khắc trở thành Thi Sách mà không làm rối sân khấu, khán giả vẫn hiểu. Mất nhiều ngày, nghệ sĩ Trung Thảo cuối cùng cũng tìm ra được biện pháp ước lệ để hai không gian, hai nhân vật với hai tâm trạng ngay cùng lúc diễn ra trên sân khấu, trong một giọng hát Hoài Lâm.

Trước khi ra sân khấu, Hoài Lâm liên tục tìm tay của nghệ sĩ Trung Thảo: “Con run quá, lỡ con làm rớt nhịp thì sao”, mồ hôi rịn trên trán, giọng suýt khóc. Vậy mà bước ra sân khấu, anh thăng hoa đến từng chi tiết, như thể đó thật sự là một Trưng Trắc với dòng nước mắt tuôn dài khi đưa ra quyết định đớn đau. Hát xong, tưởng như chân mình không còn trụ được thêm giây phút nào nữa, phải cố lắm để người đừng đổ ập xuống, Lâm nói. Ít ai biết khi Hoài Lâm bước vào tập luyện theo nhân vật Thanh Nga, cũng là thời điểm mà nghệ sĩ Hoài Linh kẹt sô nhiều nhất, cả trong nước và nước ngoài nên Hoài Lâm gần như không hề được “cầm tay chỉ việc” từ bố như nhiều người tưởng.

Hoai Lam: Toi se van la toi

Ngay trong giờ phút đăng quang của con trai, ba mẹ ruột của Hoài Lâm
chỉ biết bày tỏ niềm hạnh phúc... từ xa bởi không thể vượt qua khỏi
vòng vây của đồng nghiệp, báo chí và người hâm mộ

Không phủ nhận sự thành công của Hoài Lâm là do tỏa sáng đúng thời điểm - chặng cuối của chương trình, nhưng bên cạnh đó tài năng của Hoài Lâm cũng được nhạc sĩ Nguyễn Hà không tiếc lời khen. “Hoài Lâm rất tài trong việc bắt chước người khác. Việc này thì không hiếm, nhưng cái hay của Hoài Lâm là bắt chước được nhiều hình mẫu đối nghịch nhau, nhiều dòng nhạc khác nhau. Chúng ta thường thấy một nghệ sĩ cải lương nếu hát tân nhạc sẽ vẫn còn chút gì đó của cải lương, nhưng Hoài Lâm thì “rũ” được hoàn toàn cái cũ mà nhập thân vào cái mới”, nhạc sĩ Nguyễn Hà cho biết.

Đường vẫn còn dài cho một ca sĩ còn quá trẻ. Nhiều người cho rằng điều Lâm có là sự cần cù học hỏi và một sự chân thật đến từ giọng hát, cách trò chuyện… Và, biết đâu sự nổi tiếng sẽ làm Lâm mất đi điều đó. Nhưng, Lâm thì thấy mình khác. “Tôi sẽ vẫn là tôi dù có nổi tiếng hay không, chỉ sợ mọi người chỉ thích mình ở chương trình này rồi thôi, rồi quên mất”, Hoài Lâm nói.

 Võ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI