Hẩm hiu văn sử địa, thảm họa khôn lường

08/06/2013 - 08:08

PNO - PN - Báo chí đưa tin, trong hơn 1,7 triệu hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng, khối C chỉ có 6%! Nghĩa là, trong số 100 thí sinh chỉ có sáu người muốn học và lập sự nghiệp trong ngành văn sử địa.

Ham hiu van su dia, tham hoa khon luong

Thí sinh Thanh Hóa sau buổi thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. Ảnh: Lâm Nguyên (Phụ Nữ Online) 

Hãy nhìn lại mà xem, cha ông ta thời nào cũng có hào kiệt, triều đại nào cũng có vua sáng tôi hiền. Những người tài ấy, kể cả các đấng minh quân đều xuất thân từ nền giáo dục cử tử và đặc biệt, chỉ là những nhân tài văn chương thi phú mà thôi. Toán pháp, cách trí, vạn vật… thứ “khoa học tự nhiên thô sơ” chỉ được học qua loa.

Những ông trạng như Lương Thế Vinh thật hiếm hoi, tuy được tôn là “Trạng Lường” (giỏi tính toán, đo lường) nhưng chắc cũng không ngoài thông thạo bốn phép cộng trừ nhân chia đơn giản, có chăng thêm một ít kiến thức hình học để đo đạc ruộng đất hoặc vẽ bản đồ. Kém cỏi khoa học tự nhiên là nguyên nhân chủ yếu làm cho nước ta cũng như châu Á nói chung, tụt hậu hàng mấy trăm năm so với phương Tây. Nhưng người tài nước ta không kém thông minh, dù chỉ giỏi văn thơ, vẫn biết chắt lọc, đúc kết kinh nghiệm, cũng từng làm nên những trang lịch sử vẻ vang, văn cũng như võ, xây dựng được cuộc sống tinh thần lẫn vật chất, tiêu biểu là nền văn minh lúa nước độc đáo, vững vàng.

Nhà nghèo mà không đổ, dù mạnh yếu có lúc, nhưng con cái ngoan ngoãn, có kỷ cương, gia phong, bản sắc dân tộc trường tồn, là nhờ cái nền tảng được xây đắp lâu dài từ nền giáo dục nhân văn truyền thống.

Ngày nay, để hội nhập được với thế giới phát triển như vũ bão, xã hội phải được cập nhật những thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật hiện đại là đương nhiên, không phải bàn cãi. Nhưng làm thế nào để học sinh, sinh viên chán học văn, học sử, học địa, dẫn tới hậu quả là không muốn có sự nghiệp trong ngành khoa học nhân văn là trách nhiệm không thể chối cãi của lộ trình phát triển vĩ mô, trước hết là của ngành giáo dục. Hãy xem lại tỷ trọng của ngân sách phân bổ cho sự nghiệp văn hóa trong phát triển chung.

Văn sử địa không làm ra tiền, không dễ dàng xã hội hóa. Một cử nhân hay tiến sĩ văn chương, ngôn ngữ, hay một nhà sử học, có thể phải dùng toàn bộ cuộc đời chỉ để xác định một văn bản Truyện Kiều đích thực hay tìm ra mộ vua Quang Trung ở đâu mà chưa chắc đã thành công. Chắc chắn họ chỉ tiêu tiền chứ không làm ra tiền. Phần thưởng cho họ hoàn toàn không có gì ngoài khát vọng đóng góp cho một xã hội hoàn thiện và niềm say mê được thỏa mãn. Những việc làm ấy liệu có cần thiết? Câu trả lời đã rõ là có, nhưng không phải với tất cả mọi người.

Văn học, sử học và cả địa lý nữa, đang có số phận hẩm hiu nếu không nói là đang hấp hối trong nhà trường. Nhiều tiếng nói cho rằng chương trình và phương pháp giảng dạy cùng những quan niệm thực dụng một cách phiến diện được gieo vào đầu học sinh là thủ phạm chính của tình trạng ấy. Chúng ta đang đào tạo ra những cậu cô tú, những ông bà cử nhân có thể lập trình cho máy tính, chế tạo được máy móc tinh xảo, đạt mọi tiêu chuẩn làm thuê cho các hãng nước ngoài vân vân, nhưng lại không phân biệt được thi sĩ Hồ Xuân Hương và hồ Xuân Hương ở Đà Lạt!

Câu chuyện cả nước (đúng hơn là giới khoa học xã hội nhân văn cả nước) lúng túng vì một hòn đá nhảm nhí được lén lút bê vào thờ ở chính điện đền Hùng đã nói lên sự thảm hại của khoa học xã hội nhân văn nước ta. Nếu cứ học lơ mơ, không thi (như môn sử) và hậu quả là không đào tạo được chuyên gia giỏi thì nhãn tiền sẽ xuất hiện những thế hệ rô bốt có hình dạng đứa trẻ còi xương dị dạng với cái đầu to tướng và đôi chân bé xíu, bộ ngực lép kẹp.

Văn học làm con người được “người” hơn. Xin đừng hỏi vì sao tội ác, vì sao vô cảm, tình người phai nhạt, vì sao con người không còn biết xấu hổ, hãy hỏi xem chúng ta đang dạy văn trong nhà trường và đối xử với khoa học xã hội nhân văn trong xã hội như thế nào? 

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI