Giao lưu trực tuyến: Chữa đau nhức xương khớp bằng đông y

16/10/2019 - 16:27

Một nghiên cứu tại TP.HCM cho thấy, bệnh cơ xương khớp gặp ở người trên 40 tuổi. Tần suất chung của thoái hóa khớp là 66%, những vị trí thường gặp nhất là cột sống thắt lưng (43%) và khớp gối (35%).

Các bệnh đau nhức xương khớp bắt đầu xuất hiện ở tuổi trung niên. Hiện nay tỷ lệ người cao tuổi trong dân số nước ta đã lên đến 7% và sẽ còn gia tăng nhanh trong tương lai. Do đó, bệnh đau nhức xương khớp đang là vấn đề bạn đọc quan tâm.

Giao luu truc tuyen: Chua dau nhuc xuong khop bang dong y
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đại diện báo Phụ nữ tặng hoa bác sĩ Trần Minh Sơn, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quận Thủ Đức

Bên cạnh việc điều trị đau nhức xương khớp bằng các kỹ thuật y học hiện đại thì người bệnh đang có xu hướng tìm đến các bài thuốc, bài tập từ đông y. Thế nhưng, hiện người dân dùng thuốc đông y trị cơ xương khớp rất mù mờ, họ dùng theo truyền miệng, ai chỉ gì dùng đó.

Để giải đáp thắc mắc, tư vấn cho bạn đọc về điều trị đau nhức xương khớp bằng đông y; Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp với Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: “Chữa đau nhức xương khớp bằng đông y” vào lúc 9h hôm nay, 15/9.

Khách mời tham dự là bác sĩ Trần Minh Sơn, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quận Thủ Đức. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về tòa soạn để được bác sĩ tư vấn.

Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu trực tuyến:

 * Thưa BS, cháu năm nay 35 tuổi, công việc cháu chủ yếu ngồi nhiều ở văn phòng nên hay đau mỏi phần cổ vai gáy. Cháu có tập thể dục, matxa để làm giảm mỏi. Tuy nhiên, tình trạng mỏi vẫn xảy ra nếu cháu ngồi máy vi tính nhiều. Cháu muốn hỏi BS có thuốc nào của Đông y có thể uống lâu dài để ngăn ngừa tình trạng thoái hóa đốt sống cổ không? Cảm ơn BS. (Lê Phương Lan)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, thuốc đông y được sử dụng để làm giảm đau vùng cổ gáy, tuy nhiên, để ngăn ngừa tình trạng thoái hóa đốt sống cổ, thuốc chỉ là một phần mà chủ yếu là bạn cần phải giữ tư thế tốt khi ngồi làm việc. Cụ thể: bạn nên ngồi thẳng vai lưng cổ, không ngồi lâu quá, 30-45 phút trong một tư thế, khoảng 30 phút ngồi làm việc trước máy tính bạn nên vận động nhẹ nhàng cổ vai bằng các tư thế như cúi, ngửa, nghiêng trái, nghiêng phải, xoay trái, xoay phải cổ trong vài phút... cũng có thể ngăn ngừa tình trạng thoái hóa đốt sống cổ về lâu về dài.

* Chào bác sĩ, tôi năm nay tôi 44 tuổi, cả tháng nay tôi bị nhức đầu, nhức gót chân, lúc đi thì hơi bị đau, những lúc nằm, khi ngủ dậy, đứng lên thì rất đau và phải vịn chỗ nào đó mới đứng lên được. Tôi chưa đi khám vì rất sợ uống thuốc vế xương khớp. Xin bác sĩ chỉ dẫn. Cảm ơn bác sĩ (Phan Ngọc Thanh Tú)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Bạn năm nay 44 tuổi bạn không cung cấp nghề nghiệp là làm gì nên khó đánh giá. Theo tôi, có thể bạn bị gai gót chân hoặc tình trạng viêm gân gót, bạn cần đến bệnh viện khám, chụp Xquang bàn chân để có chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị tốt nhất.

Giao luu truc tuyen: Chua dau nhuc xuong khop bang dong y
Ảnh: Minh Thanh

* Xin BS tư vấn các phương pháp ngăn ngừa các loại bệnh về khớp? Độ tuổi nào thì cơ thể bắt đầu có dấu hiệu suy giảm và thoái hóa khớp? Cảm ơn bác sĩ. (Trần Văn Lực) .

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, để ngăn ngừa các bệnh về khớp, có rất nhiều loại bệnh về khớp, tuy nhiên, thường hay gặp là tình trạng thoái hóa khớp, độ tuổi thường gặp từ 40 trở lên, vẫn có trường hợp gặp ở những người trẻ. Để ngăn ngừa tình trạng thoái hóa khớp, bạn nên tập thể dục thường xuyên, tránh những tư thế xấu trong lao động, sinh hoạt, vận động, ăn uống đầy đủ, hợp lý.

Dấu hiệu thường gặp của thoái hóa khớp là tình trạng:

- Đau có tính chất cơ giới: đau tăng khi vận động và đau giảm khi nghỉ ngơi.
- Cứng khớp vào buổi sáng: bệnh nhân có thể hạn chế vận động vùng khớp bị thoái hóa.

Bạn nên đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể cho từng loại bệnh khớp.

* Thưa BS, tôi 55 tuổi. bị đau khớp đầu gối 2 năm. Khi đi khám BS cho uống dầu cá, glucosamine nhưng vẫn không khỏi. Khi đi tôi nghe có tiếng lạo xạo trong xương. Xin BS hướng dẫn cách chữa cho khỏi. Cảm ơn BS. (Nguyễn Thị Thúy An)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào anh/chị, theo dấu hiệu mà anh/chị cung cấp, có khả năng mình bị thoái hóa khớp gối. Để điều trị thoái hóa khớp gối, anh/chị có thể sử dụng thuốc đông y kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt vùng gối kết hợp với vật lý trị liệu, sử dụng điện xung, siêu âm điều trị cũng đem lại hiệu quả tương đối tốt.

Anh;/chị có thể đến cơ sở y tế có chuyên khoa y học cổ truyền, vật lý trị liệu để được khám và tư vấn về điều trị.

Giao luu truc tuyen: Chua dau nhuc xuong khop bang dong y
Ảnh: Minh Thanh

* Tôi bị thoái hóa đốt sống lưng, một tháng trước tôi không thể đi lại được. Tôi khám và điều trị ở Viện y học dân tộc TPHCM theo phương pháp châm cứu, đến nay đã khỏi. Tôi có thể đi châm cứu thường xuyên để phòng ngừa các cơn đau sau này không thưa BS? (Lê Huỳnh Minh Hương)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, để phòng ngừa cơn đau tái phát do thoái hóa cột sống thắt lưng/thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, bạn chỉ cần giữ gìn bằng cách giữ tư thế đúng của lưng trong lao động, sinh hoạt, vận động, cụ thể: không ngồi lâu quá 30 phút trong một tư thế, khi khiêng vác nặng cần  đúng tư thế, tập thể dục thường xuyên để tăng sự dẻo dai và sức mạnh của cơ vùng thắt lưng...

Như vậy, cũng có thể phòng ngừa các cơn đau tái phát về sau. Chúc bạn vui khỏe!

* Em năm nay 32 tuổi, thỉnh thoảng khi vặn lưng hay bẻ chân, em có nghe thấy tiếng xương khớp kêu. Như vậy có sao không thưa BS? Hiện em chưa bị đau nhức gì. (Huỳnh Thị Thanh Lan)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, tiếng xương khớp kêu khi vặn lưng hay bẻ tay chân về cơ bản không phải là bệnh lý, tuy nhiên, nếu bạn có thói quen này nên bỏ vì những thói quen này có tác động xấu đến dây chằng và khớp, lâu dần có thể dẫn đến tổn thương dây chằng, khớp.

* Thưa BS, khoảng hai tháng trước, em bị viêm khớp bả vai, đi khám thì BS tiêm thuốc trong hai ngày thì em thấy hết đau. Hiện nay em thấy bắt đầu đau lại, tuy không đau như lần trước. Em nên chữa trị và luyện tập thể thao như thế nào thưa BS. (Lê Hương Giang)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, đối với tình trạng viêm khớp vai như của bạn, bạn có thể đến cơ sở y tế có chuyên khoa y học cổ truyền và vật lý trị liệu để điều trị sẽ đem lại hiệu quả tốt mà không cần phải tiêm thuốc. Các phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh của bạn có thể sử dụng là:

- Châm cứu
- Xoa bóp, bấm huyệt
- Siêu âm điều trị
- Sóng ngắn

Còn nhiều phương pháp khác tùy theo tình trạng cơ thể của bạn.

* Xin chào Bác sĩ, tôi đã bị bệnh viêm đa khớp ở các chi và vai gáy. Bệnh kéo dài hơn 10 năm nay, tôi đã dùng rất nhiều thuốc Tây y nhưng chỉ cắt giảm cơn đau chứ không khỏi được bệnh. Vậy nếu chữa bằng Đông y thì bệnh của tôi có khả năng khỏi được không? (Trần Hoàng Uyên)

Giao luu truc tuyen: Chua dau nhuc xuong khop bang dong y

Thuốc đông y có tác dụng giảm đau, ngoài ra còn có thể bồi bổ cơ thể. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trong điều trị bằng đông y cần thời gian lâu dài.Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, với tình trạng bệnh của bạn, đông y có thể điều trị để cắt giảm cơn đau, tuy nhiên, khả năng khỏi hẳn là vấn đề tương đối khó, lợi thế của điều trị bằng đông y là ít tác dụng phụ, gây khó chịu cho người bệnh.

* Ba em năm nay 65 tuổi, vừa rồi mới mổ điều trị thoát vị đĩa đệm L2, L3, L4 bằng cách bắt ốc vít và thay đĩa đệm. Hiện nay đã đi lại bình thường nhưng tốc độ đi còn chậm. BS cho em hỏi bệnh của ba em có khả năng tái phát không? Ba em có cần uống thuốc bổ sung không? Về luyện tập thể thao nên lựa chọn hình thức như thế nào cho phù hợp thưa BS? Em xin cảm ơn. (Trần Huỳnh Quế Thanh)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, khả năng tái phát đau vùng thắt lưng vẫn có thể xảy ra đối với người đã mổ thoát vị đĩa đệm, do đó, người bệnh cần phải giữ gìn tư thế đúng trong sinh hoạt, lao động, vận động, tập thể thao là cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe cho cột sống thắt lưng.

Ba bạn có thể tập thể dục bằng những động tác nhẹ nhàng như gập duỗi lưng, nghiêng trái phải, xoay lưng trái phải nhẹ nhàng, chậm rãi, đi bộ đúng cách cũng là một phương pháp thể dục tốt đối với ba của bạn.

Mục đích của tập thể dục là đem lại sức mạnh cho cơ vùng thắt lưng để có thể nâng đỡ vùng cột sóng thắt lưng được tốt hơn.

* Tôi năm nay 62 tuổi, bị thoái hóa cột sống gần nửa năm nay. Ngoài ra tôi cũng bị bệnh đau bao tử nên không muốn dung thuốc Tây. BS cho tôi hỏi điều trị thoái hóa cột sống theo phương pháp Đông y có chữa dứt điểm được bệnh của tôi không? Cảm ơn BS. (Nguyễn Văn Đạm)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào chú, bệnh thoái hóa hiện nay chưa chữa dứt điểm được, tất cả các phương pháp điều trị bằng tây y hoặc đông y đều đem lại hiệu quả về giảm đau cho người bệnh là chủ yếu. Chú có thể tới cơ sở y tế có chuyên khoa y học cổ truyền để được khám và tư vấn cụ thể.

Lợi thế của điều trị theo phương pháp đông y là tương đối an toàn và lành tính.

* Chào bác sĩ chuyên khoa Tôi năm nay 58 tuổi và đang mắc gai cột sống. Bệnh tình khiến cho việc sinh hoạt hàng ngày của tôi gặp vất vả, gây ra cảm giác đau đớn đối với vùng lưng. Hiện tại tôi rất muốn biết có cách chữa bệnh bệnh gai cột sống nào và có những bài thuốc nào trị gai cột sống bằng đông y để điều trị dứt khoát khỏi bệnh này. Xin bác sĩ trả lời và tư vấn cho tôi. Cảm ơn bác sĩ. (Bảo Nam)

Giao luu truc tuyen: Chua dau nhuc xuong khop bang dong y
Ảnh: Minh Thanh

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào anh, đông y điều trị bệnh gai cột sống có nhiều phương pháp, dùng thuốc hoặc không dùng thuốc hoặc phối hợp cả hai.

Đối với dùng thuốc, có thể sử dụng những bài thuốc nam ví dụ như dùng lá lốt, dây đau xương, lá ngũ trảo, trinh nữ (cây mắc cỡ),... cũng đem lại hiệu quả tương đối.

Đối với không dùng thuốc, có thể sử dụng các phương pháp: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập vận động vùng lưng,...

Anh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa y học cổ truyền để được khám và tư vấn hướng điều trị tốt nhất.

* Chào bác sĩ! Tôi bị viêm khớp cùng chậu, muốn chuyển sang dùng thuốc đông y, do có người họ hàng đang dùng thuốc, thấy đỡ đau nhanh lắm. Nhưng mấy đứa con tôi lại không cho dùng, nói không biết thuốc này thành phần thế nào. Nên tôi đang phân vân quá, bác sĩ cho tôi hỏi có nên chữa viêm khớp cùng chậu bằng đông y không? (Nguyễn Thị Lan)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, bạn có thể sử dụng thuốc đông y để điều trị bệnh viêm khớp cùng chậu của bạn. Tuy nhiên, bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa y học cổ truyền để được khám, tư vấn và điều trị.

Hiện nay, thuốc đông y không rõ nguồn gốc, thành phần chưa được kiểm duyệt của Cục Quản lý Dược, xuất hiện nhiều trên thị trường nên hiệu quả và tác dụng phụ không mong muốn của thuốc không được kiểm soát.

Bạn nên cân nhắc khi sử dụng.  

Giao luu truc tuyen: Chua dau nhuc xuong khop bang dong y
Ảnh: Minh Thanh

* Thưa bác sĩ, tôi bị đau khớp gối phải khoảng 3 năm nay nhưng đã đi khám ở các bệnh viện và được kê toa cho uống thuốc tây . Uống vào giảm hẳn và sau đó lại bị lại. Tôi muốn chuyển qua điều trị phương pháp đông y. Vậy xin Bs tư vấn giúp tôi. Tôi năm nay 66 tuổi. Cảm ơn Bs. (Nguyễn Ánh Tuyết)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào cô, cô có thể yên tâm điều trị bằng phương pháp đông y với bệnh đau khớp gối của mình. Đông y có nhiều phương pháp điều trị đem lại hiệu quả tốt cho bệnh đau khớp gối. Cụ thể như: có thể dùng thuốc nam, bắc, kết hợp với phương pháp điều trị không dùng thuốc như châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp, bấm huyệt, phối hợp với vật lý trị liệu sẽ đem lại hiệu quả điều trị tốt cho cô.

Cô có thể đến cở sở y tế có chuyên khoa y học cổ truyền để được khám, tư vấn và điều trị.

* Làm sao biết được thuốc đông y thật, đông y giả, vì tôi hay mua thuốc thang ở tiệm gần nhà để uống. Nhờ bác sĩ chỉ dùm vài mẹo nhỏ để phân biệt. (Khưu Trí Hào)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, việc kiểm soát thuốc đông y thật và giả hiện nay còn tương đối khó khăn do nhiều nguyên nhân. Để phân biệt thuốc thật giả, người thầy thuốc phải có kinh nghiệm mới có thể phân biệt được. Bạn có thể đến khám tại cơ sở y tế được thẩm định của cơ quan y tế để có nguồn thuốc tốt.

Chúc bạn vui khỏe!

* Tôi bị mất ngủ, kéo dài 2 tháng nay. Bác sĩ kể cho tôi vài loại cây cỏ nào ăn hoặc uống, giúp dễ ngủ được không? (Đàm Thị Tố Anh)

Bác sĩ Trần Minh Sơn:

Chào bạn, trước hết bạn nên đi khám tại bệnh viện để xác định nguyên nhân mất ngủ. Nếu không do nguyên nhân thực thế, bạn có thể sử dụng vài loại cây cỏ sau như: lá vông nem, lạc tiên, liên tâm (tâm sen), nhãn nhục,...

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trong sử dụng những loại thuốc trên, cần có thời gian.

* Mẹ em năm nay 46 tuổi. Thời gian gần đây khớp vai của mẹ có triệu chứng đau nhức từng cơn nhưng không sưng và không kèm dấu hiệu khác. Đặc biệt những hôm trời mưa, thời tiết thay đổi thì càng đau hơn, thậm chí mẹ không nhấc tay lên chải đầu được. Cho em hỏi, tình trạng đau khớp của mẹ em là bệnh gì? Em nghe nói có các cách trị đau khớp bằng Đông y và có thể áp dụng chữa bệnh khớp bằng Đông y để mau hồi phục.. Vậy em có thể để mẹ chữa bệnh khớp bằng thuốc Đông y không? (Trịnh Thị Hường)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, theo như bạn mô tả có thể mẹ bạn bị bệnh lý viêm chu vi vai, đối với bệnh này, ngoài triệu chứng đau, bệnh nhân còn bị hạn chế vận động khớp vai, tùy theo mức độ bệnh mà mà mức độ hạn chế vận động của khớp vai nhiều hay ít. Điều trị bệnh này ngoài đông y cần phải phối hợp với tập vật lý trị liệu để tăng tầm vận động của khớp vai. Tuy nhiên, các phương pháp này, có thể đem lại sự khó chịu khi tập cho người bệnh.

Bạn và gia đình cần động viên mẹ để điều trị đúng theo liệu trình thì mới có kết quả.

* Em đi khám tại Chợ Rẫy được chẩn đoán là thoái hóa đa khớp. Uống thuốc đã một tuần mà không giảm. Hai cổ tay, ngón tay và khuỷu tay đau cứng. Cho em hỏi em phải làm sao? Điều trị Đông y hay điều trị Tây y sẽ tốt cho bệnh này ạ (Nguyễn Thị Thuận)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, tôi không so sánh hiệu quả điều trị giữa Tây y và Đông y cái nào tốt hơn, tuy nhiên, Đông y điều trị bệnh lý này cũng tương đối hiệu quả. Điều trị có thể dùng thuốc đông y, phối hợp với các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, day ấn huyệt cũng đem lại hiệu quả tương đối tốt.

Bạn có thể đến cơ sở y tế có chuyên khoa để khám và tư vấn!

Giao luu truc tuyen: Chua dau nhuc xuong khop bang dong y
Ảnh: Minh Thanh

* Bà nội tôi đã ngoài 70 tuổi nhưng sức khỏe vẫn tốt, ngoại trừ bà tôi hay đau nhức xương khớp, đặc biệt là khớp gối.. Mỗi lần bà tôi lên xuống cầu thang thường đau gối và có tiếng kêu lục cục. Xin BS tư vấn cho cách điều trị và chăm sóc. Cảm ơn bác sĩ. (Ngọc Linh).

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, theo như bạn mô tả, có thể bà nội của bạn đã bị thoái hóa khớp gối. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng đông y có nhiều phương pháp như: châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp, day ấn huyệt kết hợp với uống thuốc đông y đem lại hiệu quả tương đối tốt.

Bà nội bạn nên hạn chế lên xuống cầu thang, không ngồi chồm hổm, ngồi xếp bằng trong những lần đau cấp, không khiêng vác nặng để tránh làm tổn thương thêm cho khớp gối.

* Tôi năm nay 36 tuổi, các khớp ngón tay tôi thường bị tê cứng vào buổi sáng, thỉnh thoảng có cảm giác đau và sưng, tay thường rất lạnh vào mùa này. Tôi đã vào viện khám chụp X quang nhưng bác sĩ bảo tôi không bị sao. Xin hỏi tôi bị bệnh gì, và có thể chữa bằng Đông y không? (Anh Vũ)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, theo như mô tả của bạn, có thể bạn bị mắc bệnh thấp khớp. Tuy nhiên, để chấn đoán chính xác, ngoài chụp Xquang như bạn đã làm cần làm thêm 1 số xét nghiệm khác nữa mới có kết luận được.

Bạn có thể đến cơ sở y tế chuyên khoa y học cổ truyền để khám và điều trị.

* Em bị đau dọc sống lưng trái xuống mông và xuống tận bắp chân. Cho em hỏi nên điều trị như thế nào, thuốc gì? Và giá cả như thế nào ạ. Em xin cảm ơn. (Ngọc Mai)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, theo dấu hiệu bạn mô tả có thể bạn bị đau thần kinh tọa, việc điều trị bạn nên đến có sở y tế có chuyên khoa y học cổ truyền để được khám và điều trị. Tại đây, bạn sẽ được tư vấn về giá cả.

* Xin hỏi tôi có thể dùng Đông y và Tây y cùng lúc được không? (Thảo Anh)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, tùy theo từng bệnh lý cụ thể, những bệnh lý nền mà bệnh nhân đang điều trị bằng Tây y, bác sĩ y học cổ truyền có thể cân nhắc trong việc dùng thuốc Đông y cho phù hợp, không phải tất cả các bệnh, người bệnh đều có thể dùng cùng lúc Đông y và Tây y vì những tương tác thuốc không mong muốn. Bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa y học cổ truyền để được bác sĩ tư vấn về dùng thuốc phối hợp giữa Đông y và Tây y.

* Bác sĩ ơi, tôi 49 tuổi, đúng là tháng 7, tôi mới bị gãy 3 ngón chân trái. Hiện đã được mổ nối lại rồi, nhưng theo BS thì tôi nên uống thuốc Đông y gì để bổ xương? (Đoàn Thị Thúy Hà)

Bác sĩ Trần Minh Sơn: Chào bạn, đối với tình trạng của bạn, phải xem có di chứng sau mổ thường gặp là co dính vùng sẹo mổ hay không, có tình trạng cứng khớp hay không mà có hướng điều trị tốt nhất, nhưng không phải là thuốc đông y, bạn có thể đến chuyên khoa vật lý trị liệu để được tư vấn tốt hơn.

Báo Phụ Nữ

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC