Xét tuyển đại học thường xuyên bất ổn: Lỗi tại ai?

05/08/2017 - 05:39

PNO - Phương thức xét tuyển vào đại học mỗi năm mỗi đổi và năm nào cũng đầy những khiếm khuyết, bất ổn khiến thí sinh lẫn các cơ sở đào tạo không khỏi lao đao.

Luôn “vỡ trận”

Không ai tin một thí sinh (TS) thi được 29.35 điểm cho ba môn lại có thể rớt ngành Y đa khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Trường hợp này được xem là bi kịch đáng chú ý nhất của kỳ xét tuyển đại học (ĐH) năm nay. Cùng với đó, hàng loạt TS điểm cao chạm nóc cũng không đậu vào nhiều trường, nhiều ngành.

Lý giải tình huống này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT- thừa nhận: nguyên nhân chính khiến điểm trúng tuyển cao ở một số ít ngành năm nay là do phương thức xét tuyển ĐH. Xét bình đẳng giữa các nguyện vọng (NV), mỗi TS dù đăng ký bao nhiêu NV cũng chỉ trúng tuyển một NV duy nhất thì việc TS đổ dồn vào các ngành có tính cạnh tranh cao nhất là điều rất dễ hiểu.

Xet tuyen dai hoc thuong xuyen bat on: Loi tai ai?

Đó là lý giải của Bộ, còn lãnh đạo nhiều trường lại chỉ ra rằng, lỗi trước tiên thuộc về TS khi không biết lượng sức mình mà chọn ngành "hot" nhất. Tuy nhiên, với TS thì quy chế xét tuyển năm nay bất ổn ở chỗ cho TS quyền đăng ký nhiều NV vào các ngành, các trường, nhưng lại không được trúng tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường.

“Rất vô lý chị ạ. Dù em có đăng ký bao nhiêu NV đi chăng nữa thì cũng chỉ có một cơ hội duy nhất, đậu hoặc rớt. Tưởng “mở” nhưng hóa ra không phải. Em hỏi thì mấy thầy nói phải như thế mới chống “ảo” được” - TS Ngô Ph., quê Tiền Giang, nói.

Nhưng không phải đến mùa tuyển sinh năm nay quy chế xét tuyển mới bộc lộ những hạn chế. Kỳ tuyển sinh năm 2015, quy chế cho phép mỗi TS được thoải mái thay đổi NV sau khi đã có kết quả thi - một thay đổi rất tích cực theo hướng giảm bớt may rủi cho TS, nhưng nó dẫn đến tình huống: hàng chục ngàn TS phải tất tả chạy từ chỗ này sang chỗ khác để nộp hồ sơ, rút hồ sơ, rồi lại nộp…

Thực tế ấy khiến công tác xét tuyển bị vỡ trận vào phút 89, TS và phụ huynh khóc ròng khi hệ thống đăng ký sập cửa mà chưa kịp nộp hồ sơ. Để khắc phục tình trạng “hỗn loạn” của năm 2015, quy chế tuyển sinh năm 2016 thay đổi theo hướng TS được nộp hồ sơ vào hai trường, mỗi trường được đăng ký hai NV, nhưng các trường phải bí mật danh sách và số lượng TS đăng ký.

Hậu quả của cách làm này là tỉ lệ hồ sơ ảo bị đẩy lên đến khoảng 50% ở nhiều trường, khiến nhiều TS điểm cao có thể rớt (nếu chọn sai) và nhiều TS điểm thấp lại đậu (nếu 
chọn đúng). 

Xet tuyen dai hoc thuong xuyen bat on: Loi tai ai?
 

Như vậy, có thể thấy rằng, trong ba năm liên tục đổi mới xét tuyển ĐH, chưa năm nào mang lại kết quả mỹ mãn: công việc diễn ra trơn tru và các trường tuyển được đúng người có NV, có năng lực.

Trở lại kỳ tuyển sinh năm nay, ngoài quy chế xét tuyển tưởng “mở” nhưng lại “đóng cứng” với TS, cũng phải nói đến độ phân hóa của đề thi của kỳ thi năm nay là không cao. Một chuyên gia tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM cho rằng: đề thi phải có sự phân hóa nhất định để khi xét tuyển không xảy ra trường hợp trượt “oan”.

Với phổ điểm và điểm chuẩn thực tế của các trường đã công bố, có thể thấy độ phân hóa của đề năm nay là không tốt, nhất là với khoảng điểm sau 25. Hệ quả là điểm chuẩn của nhiều trường “đụng trần”, TS điểm cao dù chênh nhau từng điểm lẻ cũng có thể từ rớt thành đậu, đậu thành rớt.

Khi nào hết…“bao đồng”?

Nhiều ý kiến cho rằng, để câu chuyện tuyển sinh trở nên “dễ thở” hơn, Bộ GD-ĐT nên bớt lo chuyện của các trường đi. Tự chủ phải bắt đầu từ chuyện được tự quyết người học là những ai, phẩm chất như thế nào, có phù hợp không.

ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Tuyển sinh- truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho rằng: Bộ GD-ĐT cần đứng ra tổ chức một kỳ thi thật chất lượng, thật nghiêm túc. Còn chuyện tuyển sinh như thế nào, dựa vào điểm thi hay tiêu chí riêng nên để các trường tự lựa chọn. 

Một chuyên gia về tuyển sinh dẫn chứng: trước đây, khi các trường tự tuyển, tổ chức không cùng đợt, đâu có trường nào lo tuyển thiếu chỉ tiêu và cũng chẳng có vấn đề gì xảy ra. Về sau, Bộ gom mấy trăm trường vào thi cùng một đề, tuyển cùng một đợt, theo cùng một quy định, sử dụng chung một phần mềm xét tuyển… sinh ra bao bất cập không giải nổi. 

Ông Phạm Thái Sơn - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM - đề xuất: “Nếu muốn cải tiến thì phải cải tiến đồng bộ, giao quyền xét tốt nghiệp về các Sở GD-ĐT. Bộ có thể tổ chức các trung tâm khảo thí cấp quốc gia, chuyên lo vụ thi cử. Các trường ĐH được tự chủ trong công tác tuyển sinh bằng cách dựa vào kết quả đánh giá của một trung tâm nào đó mà mình thấy tin cậy. Những khó khăn khác nên để các trường tự chịu trách nhiệm”. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI