Xét tuyển cạnh tranh tránh tiêu cực trong tuyển dụng

23/07/2018 - 06:22

PNO - Việc bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng giáo viên có giúp TP.HCM tuyển đủ số lượng, đáp ứng chất lượng và hạn chế được “chạy chọt”?

Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huỳnh Long - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM xung quanh vấn đề trên.

Bỏ hộ khẩu để có thêm nguồn, chọn được người giỏi

Phóng viên: Thưa, ông có đánh giá gì về kỳ thi tuyển giáo viên THPT vừa qua?

Ông Nguyễn Huỳnh Long (ảnh): Kỳ thi có 1.762 ứng viên đăng ký và đủ điều kiện tham gia xét tuyển, nhưng 66 ứng viên vắng mặt. Nhìn chung, các buổi khảo sát diễn ra nghiêm túc, đúng quy định, các ứng viên đến đúng giờ, làm bài nghiêm túc. Buổi khảo sát đã đạt được các yêu cầu mà ban tổ chức đề ra.

Xet tuyen canh tranh tranh tieu cuc trong tuyen dung
Các ứng viên xem số báo danh trước khi bước vào phỏng vấn

Cũng phải nói thêm, các giám khảo tham gia khảo sát là những cán bộ quản lý ở các trường THPT, có nhiều năm kinh nghiệm, được hướng dẫn và sinh hoạt kỹ về chuyên môn trước khi tham gia công tác tuyển dụng. Sở cũng xây dựng ngân hàng đề với nhiều mã đề, đề thi có tính phân hóa cao và ứng viên sẽ bốc thăm ngẫu nhiên… Những ứng viên có sự chuẩn bị về kiến thức tốt, có kinh nghiệm giảng dạy sẽ có cơ hội thể hiện sự vượt trội so với những ứng viên mới ra trường.

* Thưa ông, xuất phát từ đâu mà năm nay TP.HCM lại bỏ yêu cầu về hộ khẩu đối với ứng viên? 

- Cách đây ba năm, trước thực tế không tuyển đủ số giáo viên mầm non ở các trường, ngành giáo dục có tham mưu UBND TP.HCM cho phép được tuyển giáo viên mầm non đối với các trường hợp trong diện KT3 hoặc giáo viên dạy trẻ hòa nhập… Chúng tôi nhận thấy, việc bỏ hộ khẩu trong xét tuyển vừa giúp ngành giáo dục thành phố có thêm nhiều nguồn giáo viên từ các nơi khác, vừa giúp chọn lựa được những người đủ năng lực, phẩm chất, người giỏi. Tương tự như vậy, trước đây giáo viên môn tiếng Anh, công nghệ, tin học, nhạc, họa rất ít người tham gia xét tuyển, vì sinh viên các ngành này sau khi tốt nghiệp có nhiều con đường lựa chọn. Nhưng khi bỏ hộ khẩu, số ứng viên các môn này có tăng lên.

* Vậy việc bỏ điều kiện hộ khẩu có gây phản ứng cho các ứng viên tại TP.HCM không, thưa ông?

- Hằng năm, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Trường đại học Sài Gòn thường gắn kết với ngành giáo dục TP.HCM trong việc đưa sinh viên năm thứ ba, thứ tư về tham gia kiến tập, thực tập tại các trường THPT trên địa bàn TP.HCM. Hoạt động này giúp các sinh viên được trải nghiệm và nhận thức được việc để trở thành giáo viên tương lai cũng cần đáp ứng những yêu cầu không chỉ của ngành mà còn của xã hội, nhất là trong môi trường cạnh tranh như hiện nay. 

Ngoài ra, Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cũng thường xuyên đến các trường sư phạm để trao đổi thông tin, giúp sinh viên có sự chuẩn bị tốt về tinh thần và kiến thức trước khi tham gia kỳ xét tuyển. Vì thế, tôi nghĩ các em sẽ không băn khoăn hay ái ngại. Đây cũng là xu thế tất yếu của sự phát triển. Các em nếu không vào được các trường THPT công lập thì vẫn còn cơ hội tham gia cộng tác tại các đơn vị giáo dục ngoài công lập khác trên địa bàn thành phố.

Xet tuyen canh tranh tranh tieu cuc trong tuyen dung
 

* Có một thực tế là ở nhiều tỉnh, thành, để trở thành viên chức giáo dục người ta phải mất tiền chạy chọt, có khi lên đến vài trăm triệu đồng. Vậy Sở GD-ĐT TP.HCM có những biện pháp nào để đảm bảo tình trạng này không xảy ra?

- Chúng tôi thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với cán bộ quản lý, công chức, viên chức, với phụ huynh học sinh, sinh viên trong việc phòng chống các tiêu cực liên quan đến chạy viên chức; công khai minh bạch, tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, khi phát hiện sai phạm thì xử lý kiên quyết; cử người tham gia xét tuyển phải có đủ năng lực phù hợp với vị trí xét tuyển. Ngoài ra, tôi nghĩ, việc xét tuyển cạnh tranh cũng là giải pháp chống tiêu cực trong tuyển dụng.

Không thể xảy ra chuyện “không cần mà vẫn tuyển”

* Sở có những tiêu chí nào để tuyển chọn được ứng viên giỏi? 

- Ngoài những căn cứ theo quy định hiện hành, yêu cầu về bằng cấp, trình độ đào tạo, các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… các ứng viên phải thực hiện bài khảo sát trắc nghiệm, trả lời phỏng vấn về kiến thức chuyên môn, xử lý tình huống sư phạm, nhận thức về đổi mới phương pháp giảng dạy… Ngoài ra, trong đợt tuyển này, chúng tôi cũng nhấn mạnh đến vai trò trách nhiệm người thầy, ứng xử của thầy cô trong môi trường giáo dục. Việc xét tuyển được thể hiện qua điểm số và kết quả xét tuyển sẽ từ cao xuống thấp, không phân biệt trong hay ngoài thành phố.

* Tại TP.HCM, những năm trước đây, từng có tình trạng dư thừa giáo viên ở nhiều trường. Nguyên nhân do các trường không cần, nhưng sở cứ tuyển và ấn về trường. Liệu năm nay tình trạng này có được khắc phục?

- Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, ngành GD-ĐT thành phố và các đơn vị trường học phải xây dựng đề án vị trí việc làm. Căn cứ vị trí việc làm, Sở Nội vụ tham mưu UBND phân bổ biên chế cho các đơn vị thuộc ngành GD-ĐT. Vì thế, việc tuyển dụng phải thực hiện đúng theo đề án vị trí việc làm. Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các đơn vị không được ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm có chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định, đồng thời thực hiện rà soát sắp xếp lại viên chức đúng vị trí việc làm đã được phê duyệt.

Tháng 3/2018 vừa qua, sở có mời hiệu trưởng các trường lên trao đổi nắm thông tin về nhu cầu nhân sự trong năm học mới và tuần sau sẽ mời lần hai để chốt lại nhu cầu một lần nữa. Việc xác định số người trúng tuyển sẽ căn cứ vào vị trí việc làm còn thiếu ở các trường và số định biên được phân bổ. Tôi nghĩ, với các làm đó thì không thể xảy ra chuyện không cần mà vẫn tuyển.

* Ngoài 363 giáo viên THPT, toàn thành phố năm nay còn tuyển khoảng 4.600 giáo viên cho các bậc mầm non, tiểu học, THCS; việc tuyển do các quận, huyện thực hiện. Ngoài ra, còn có 23 đơn vị khác cũng được tự chủ trong tuyển dụng. Xin hỏi, sở có lưu ý hay yêu cầu gì để việc tuyển dụng được khách quan, công bằng?

- Việc phân cấp cho các đơn vị là nhằm nâng cao quyền tự chủ tại cơ sở. Năm 2018, sở đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện việc phân cấp tuyển dụng, hầu hết đánh giá việc phân cấp tuyển dụng đạt được nhiều mặt tích cực, như: giúp các đơn vị chủ động trong việc chọn lựa nhân sự gắn với thực tế. Việc phân cấp tuyển dụng cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình: năm 2018 phân cấp tuyển dụng cho các trường chuyên, trường năng khiếu; năm kế tiếp là các trường có lớp chuyên và các trường thực hiện mô hình trường tiên tiến.

Để khách quan và công bằng, kế hoạch tuyển dụng phải công khai trên phương tiện thông tin, trên trang thông tin của trường, tuyển dụng theo hình thức cạnh tranh và phải có hội đồng xét tuyển với thành phần phải có tổ trưởng chuyên môn… Sở giao quyền cho hiệu trưởng các trường, nhưng đồng thời cũng tăng cường giám sát với hiệu trưởng các trường được giao quyền tự chủ.

* Xin cảm ơn ông. 

Minh Nhật (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI