Vụ thầy hiệu trưởng bị kỷ luật ở tỉnh Thái Bình: Bài học đau cho những nhà sư phạm

10/08/2016 - 11:10

PNO - Dư luận đang xôn xao vụ thầy Phạm Xuân Định (Hiệu trưởng Trường THCS Vũ Tiến, Thái Bình) vừa bị UBND huyện Vũ Thư kỷ luật với hình thức khiển trách, sau khi ra quyết định đình chỉ học tập đối với ba học sinh “tè” bậy.

Trước đó, ngày 21/4, phụ huynh của ba em Trần Văn Thanh, Trần Quang Minh, Trần Ngọc Hiệu (học sinh THCS Vũ Tiến) viết đơn kêu cứu gửi Bộ GD-ĐT về việc con mình bị nhà trường đình chỉ học vì lỗi “tè” bậy, khi chỉ còn khoảng ba tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp.

Vẫn còn nhiều tranh cãi trái chiều về việc này, nhưng nhiều người đồng thuận rằng, không thể dùng kỷ luật “thép”, bởi trong giáo dục, nhân văn mới giành được chiến thắng.

Vu thay hieu truong bi ky luat o tinh Thai Binh: Bai hoc dau cho nhung nha su pham
Nhiều người đồng thuận rằng, không thể dùng kỷ luật “thép”, bởi trong giáo dục, nhân văn mới giành được chiến thắng -  Ảnh: Internet

Đây là câu chuyện về sự thất bại

Việc ba em học sinh (HS) bị tạm đuổi học do “tè” bậy và thầy hiệu trưởng bị kỷ luật cho thấy sự thất bại của các bên liên quan: gia đình, nhà trường và xã hội.

Trước tiên, đó là thất bại của gia đình các em. Cần thiết phải đặt câu hỏi, các em đã sống trong môi trường giáo dục thế nào để hình thành cá tính chống đối, thù ghét giáo viên, từ đó có những hành động không thể chấp nhận được như: dùng sơn viết những lời tục tĩu, xúc phạm giáo viên và nhà trường lên bảng, tường, cầu thang; tung tờ rơi vu khống, và cuối cùng là “tè” bậy ở cầu thang trường như một lời thách thức, trêu ngươi?

Nếu phụ huynh (PH) theo sát con cái, uốn nắn từ đầu sẽ không bao giờ xảy ra những hành động nghiêm trọng như vậy. Đặc biệt, tôi muốn nói đến thái độ của PH đối với nhà trường. Tôi khẳng định, PH muốn con được giáo dục tốt, nhất thiết phải “yêu lấy thầy”, chứ không phải phát đơn kiện, xem nhà trường là “đối thủ” như vậy. Khi con chưa ngoan, PH cần nhìn nhận lại rằng tại sao hàng ngàn HS khác trong trường không “tè” bậy, mà chỉ con mình làm điều đó? Nếu con hư, PH tìm đến trường, xin lỗi thầy và nhờ cậy thầy uốn nắn thêm, đó mới là cách hành xử phải đạo.

Tôi cũng nhìn thấy sự thất bại của nhà trường trong việc đuổi học đối với HS. Việc “tè” bậy là hành động “cao trào” của cả một quá trình vi phạm trước đó của ba HS này. Các em đang học lớp 9, vậy bốn năm THCS vừa qua ở trường này, các em đã được thụ hưởng các chế độ giáo dục phù hợp và tận tình chưa? Nhà trường có rất nhiều công cụ sư phạm để dạy dỗ học trò, nhưng cuối cùng đã phải dùng công cụ “tệ” nhất là đuổi học. Đó là một sự thất bại, và cũng là bài học cho những đồng nghiệp khác trong ngành.

Thầy Nguyễn Đức Hùng (Trường THPT Vĩnh Viễn, Q.Tân Phú, TP.HCM)

Cuối cùng nhân văn sẽ chiến thắng

Trong công tác giáo dục, dù trong tình huống nào, các nhà sư phạm vẫn phải giữ sự điềm tĩnh và kiên trì. Dù thầy hiệu trưởng có lập hội đồng để kỷ luật đuổi học ba HS, đúng quy trình, nhưng cũng cho thấy sự thiếu kiềm chế.

Tôi từng phải đối diện và giải quyết những trường hợp sinh viên rất cá biệt, thậm chí có trường hợp sinh viên đòi đánh cả thầy. Tôi xác định trò có thể nóng, nhưng thầy nhất thiết không được nóng. Thầy mà nóng là thua cuộc trong công tác giáo dục.

Những người làm giáo dục đều biết rằng, đuổi học là phương án tối kỵ. Bởi đơn giản, mình giáo dục không được, đuổi học và đẩy học trò đó đi đâu? Nếu không có trường khác tiếp nhận, xem như khoanh tay đứng nhìn một con người chưa trưởng thành nhân cách “bơi” ra xã hội, dễ thành người xấu. Có rất nhiều công cụ sư phạm khác để học trò tự nhận thức được vấn đề của mình và tự thay đổi. Chế tài bằng những quy định lạnh lùng ít mang lại kết quả. Nếu dùng nhiều biện pháp giáo dục nhưng vẫn chưa thành công, người thầy phải kiên trì giáo dục tiếp, chứ không nên chuyển qua biện pháp đuổi học. Cuối cùng, nhân văn mới mang lại chiến thắng cho thầy lẫn trò.

Thầy Lữ Đức Cảnh (nguyên Trưởng phòng Công tác chính trị - sinh viên, Trường đại học Văn Hiến)

Đáng tiếc!

Theo dõi thông tin về việc “hiệu trưởng đuổi HS tiểu bậy trong trường” mấy tháng qua và gần đây khi ông phải nhận quyết định kỷ luật, tôi cảm thấy xót xa và ái ngại cho người thầy và ba học trò có liên quan, và cho cả cách giáo dục của nước mình.

Nếu chỉ lướt qua sự việc, nhiều người sẽ nhanh chóng đứng về phía các em mà trách những nhà giáo đã quá cứng nhắc trong xử phạt. Tôi hiểu việc “tè” bậy chỉ là giọt nước cuối cùng trong chuỗi những trò quậy phá, quá quắt trước đó của ba HS ấy, nó đã làm tràn chiếc ly chịu đựng của những người chịu trách nhiệm “trồng người”. Phải xử lý như thế nào trước những hành động quậ y phá của ba HS ấy đây? Giáo dục, uốn nắn như thế nào đây khi mà nhữ ng HS này đã có những biểu hiện vi phạm pháp luật?

Nếu tôi là giáo viên của các em, tôi sẽ mời PH và công an địa phương vào cuộc. Các em này rõ ràng là vô cùng “cá biệt”, đã được cho cơ hội sửa sai nhiều lần trong nhưng vẫn ngang nhiên chống đối, nên bị đình chỉ học tập như một biện pháp “cách ly” tạm thời là giải pháp hợp lý, chỉ tiếc là quy trình và cách thức xử phạt không được sự đồng thuận của cấp trên.

Có quá nhiều điều “đáng tiếc” trong câu chuyện này, trong đó việc thầy hiệu trưởng phải chịu kỷ luật là điều đáng tiếc nhất. Nên chăng có một giải pháp ôn hòa cho đôi bên, để những mầm mống chống đối trong các HS khác không lấy đó làm... động lực nhen lên, và cũng để những “người đưa đò” yên tâm và tận tâm hơn với nghề.

Đỗ Thị Thái An (P. 24, Q. Bình Thạnh, TP. HCM)

Học sinh cá biệt cần được răn đe nghiêm khắc

Ở góc độ là một PH, tôi thấy cách ra tay nóng vội của UBND huyện Vũ Thư dễ làm yên dư luận, khi đứng về phía nhóm HS vi phạm, nhưng vô cùng tổn thương cho ban giám hiệu và các thầy cô trong trường này. Và, như lời cảnh báo đối với các giáo viên khác trong tỉnh: rằng khôn ngoan nên “mặc kệ nó” đối với nhóm HS bất trị cho yên thân! Hơn thế nữa, điều này gây bất bình và lo sợ cho đa số PH và HS ngoan hiền trong trường, nếu HS ngoan bị nhóm quậy phá bắt nạt thì còn biết bám víu vào ai? Khi con em chúng ta hư hỏng mà chỉ chăm chăm đổ lỗi cho nhà trường và xã hội là cách né tránh trách nhiệm và không thể giải quyết vấn đề.

Dưới góc độ quản lý, cần nhìn vào lợi ích đại chúng hợp lý hợp tình. Cần giải thích cho PH của các em ấy và dư luận được rõ với các minh chứng rành mạch. Hình thức kỷ luật đó sẽ làm đình trệ học tập của ba em ấy nhưng cứu vãn được niềm tin của cả cộng đồng, chấn chỉnh được kỷ cương trường lớp, sẽ có tác dụng răn đe rất cao đối với nhóm HS cá biệt.

Nguyễn Thị Trân Trâu (P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI