Vụ 3 trẻ mầm non bị bỏng: Dừng hoạt động Nhóm trẻ mầm non tư thục Tuổi Thơ

12/08/2019 - 10:00

PNO - Sở GD-ĐT Hà Nam vừa chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện Duy Tiên tạm dừng hoạt động của Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục Tuổi Thơ, nơi xảy ra vụ bỏng, không nhận trẻ từ ngày 10/8 để xem xét, giải quyết sự việc.

Sở GD-ĐT Hà Nam vừa có công văn chính thức báo cáo Bộ GD-ĐT về vụ việc 3 trẻ mầm non bị bỏng.

Nguyên nhân là do khi tổ chức lồng ghép hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, lửa cồn đã gây bỏng cho trẻ.

Cụ thể: vào khoảng 15 giờ 40 phút ngày 9/8, tại lớp mẫu giáo có 15 trẻ và 2 cô (trong đó có chủ cơ sở là cô Nguyễn Thị Khoát và giáo viên Đặng Thị Nết). Cả hai đều đã được tập huấn và có chứng nhận tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy. Giáo viên có trình độ cao đẳng giáo dục mầm non.

Khi tổ chức lồng ghép hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, cô giáo đã dùng cồn đổ vào mâm, châm lửa vào giấy đốt tạo ra ngọn lửa để giáo dục trẻ biết kêu cứu và thoát khỏi nơi nguy hiểm. Ngọn lửa cồn trong mâm đã bay vào trẻ và gây bỏng cho 4 trẻ (chi tiết của sự việc đang được Công an tiến hành điều tra làm rõ).

Ngay lúc đó, hai cô đã lấy khăn ướt để dập lửa cho trẻ và dập tắt ngọn lửa trong mâm, sau đó bế trẻ ra ngoài và sơ tán tất cả các cháu trong lớp ra khỏi phòng.

Riêng cháu Nguyễn Thị Thu T. bỏng nhẹ, các cô đã sơ cứu và gia đình đến đón về nhà. Còn lại 3 trẻ, gia đình và chủ nhóm, lớp đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.

Do vết bỏng của trẻ lan rộng nên 3 trẻ đã phải chuyển lên Bệnh viện Bỏng quốc gia để điều trị ngay trong ngày. Hiện nay, các cháu vẫn đang vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Bỏng quốc gia.

Vu 3 tre mam non bi bong: Dung hoat dong Nhom tre mam non tu thuc Tuoi Tho
3 trẻ bị bỏng vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Bỏng quốc gia

Cũng theo Sở GD-ĐT Hà Nam, việc tổ chức lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong các hoạt động hằng ngày, nhằm giúp trẻ có kỹ năng biết kêu cứu và chạy khỏi nơi nguy hiểm, là một nội dung trong Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi (chỉ số 25), là một trong những kết quả mong đợi của trẻ trong chương trình giáo dục mầm non.

Cụ thể, yêu cầu đối với trẻ Nhà trẻ ở mục 3.1: Biết tránh một số vật dụng, nơi nguy hiểm như: bếp đang đun, phích nước nóng, xô nước, giếng khi được nhắc nhở. Đối với trẻ Mẫu giáo: Mục 4.1: Biết gọi người lớn khi gặp trường hợp khẩn cấp: cháy, có bạn/người rơi xuống nước...

Với sự việc trên, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam và Phòng GD-ĐT huyện Duy Tiên không chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện việc rèn kỹ năng sống cho trẻ như các cô giáo ở nhóm trẻ Tuổi Thơ.

Được biết, nhóm trẻ Tuổi Thơ thành lập ngày 28/5/2019. Tại thời điểm ngày 9/8, nhóm trẻ này có 2 nhóm, lớp với tổng số 25 trẻ.

B.Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI