Vì sao dùng bằng cấp III của chị gái vẫn lọt cửa đại học?

14/10/2019 - 07:22

PNO - Sự việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa dùng bằng THPT của chị gái để học trung cấp, đại học và thạc sĩ, rồi lên chức, khiến dư luận băn khoăn vì sao thí sinh mạo danh lọt qua cửa đầu vào và cả đầu ra.

Nữ trưởng phòng Quản trị (Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) bà Trần Thị Ngọc Ái Sa bị tố cáo sử dụng bằng phổ thông trung học (PTTH) của chị gái để thăng tiến. Theo đơn tố cáo, bà Sa có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1975). Quá trình xác minh còn có thêm tên Trần Thị Ngọc Thêm. Đáng nói, nữ trưởng phòng “ba trong một” này đã dùng bằng PTTH của chị gái để học lên trung cấp, đại học, thạc sĩ. 

Vi sao dung bang cap III cua chi gai  van lot cua dai hoc?
Nữ trưởng phòng Quản trị (Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) dùng bằng cấp III của chị gái để học lên trung cấp, đại học

Theo xác minh, bà Sa là học viên chuyên ngành kế toán của hệ đào tạo thường xuyên thuộc Trung tâm Đào tạo thường xuyên của Đại học Đà Nẵng. Hồ sơ người học có chứng minh nhân dân, giấy tờ tên Trần Thị Ngọc Ái Sa. Học viên này có bằng tốt nghiệp PTTH do giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng cấp. 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo thường xuyên Đại học Đà Nẵng, cho biết: bà Trần Thị Ngọc Ái Sa được cấp bằng đại học chuyên ngành kế toán hệ đào tạo từ xa. “Từ đầu đến cuối đều là Trần Thị Ngọc Ái Sa. Còn việc người đó là Trần Thị Ngọc Thảo hay Trần Thị Ngọc Thêm hay Trần Thị Ngọc Ái Sa chúng tôi không thể xác định ai là ai được”, ông Hiển cho biết thêm.

Liên quan vấn đề này, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho hay: “Nếu quy trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục trong việc so chứng minh nhân dân với con người thật để phát hiện giả mạo, sai sót là rất khó. Nhất là trong trường hợp vị này cố tình giả mạo toàn bộ giấy tờ. Chỉ có điều quá trình dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá trong nhà trường đáng lẽ phải kiểm soát thật chặt mà để xảy ra sai sót như vậy chứng tỏ họ cũng có vấn đề trong kiểm tra, đánh giá”. 

Đồng quan điểm này, tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho hay: “Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này dưới hai khía cạnh: trong trường hợp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa học thực và đảm bảo chuẩn đào tạo của các cơ sở đào tạo thì tôi “kính phục” vị này.

Bởi lẽ, vị này có khả năng tự học rất tốt, bổ sung được hẳn kiến thức còn thiếu trong ba năm học THPT. Khía cạnh thứ hai là phải xem lại chương trình đào tạo đại học, đào tạo thạc sĩ thế nào mà những người không cần bằng tốt nghiệp PTTH vẫn có thể hoàn thành?”.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh: “Đây là bài học cảnh tỉnh cho các cơ sở giáo dục đào tạo trong việc kiểm soát hồ sơ đầu vào, siết chặt chất lượng trong quá trình dạy, tận tâm và cầm cân nảy mực. Bởi lẽ, nếu không có nền tảng bên dưới thì làm sao học được cao hơn nữa”. Nhất là hiện nay, Bộ GD-ĐT đang trình dự thảo về việc không ghi hình thức đào tạo trong văn bằng thì cơ sở giáo dục phải cầm cân nảy mực, phải đảm bảo công bằng và niềm tin cho xã hội. 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết: “Đào tạo từ xa là xu hướng chung của thế giới và được nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến khuyến khích. Tuy nhiên, việc tổ chức phải thế nào để thực sự đảm bảo chất lượng. Làm sao chương trình của hệ từ xa phải giống đào tạo chính quy và cả hai hệ đào tạo phải đảm bảo chuẩn trong đánh giá. Hiện nay, tôi nghĩ thực tế tùy theo từng cơ sở đào tạo để có đánh giá đào tạo từ xa và hệ chính quy có ngang bằng hay không”.  

Trở lại câu chuyện dùng bằng PTTH của chị gái để thăng tiến của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, các cơ sở giáo dục phải quản lý chặt chẽ hoạt động đào tạo của mình và Bộ GD-ĐT phải giám sát chặt chẽ hoạt động của các trường, không để tình trạng đào tạo “ồ ạt”, tạo kẽ hở cho người gian dối có thể “lách luật”. 

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI