Ước mơ 'kỳ lạ' của nữ sinh lớp Tám

12/08/2019 - 07:39

PNO - Ước mơ nhỏ bé được cha mẹ đi họp phụ huynh nhưng nữ sinh lớp Tám Nguyễn Thị Minh Trang (Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, Đắk Lắk) chưa một lần có được. Vậy mà, suốt tám năm qua, em chưa một lần vì nó mà ngừng cố gắng…

Trong con hẻm Nguyễn Gia Thiều, Q.3, TP.HCM là căn nhà thuê của người cô ruột, gia đình bốn người của anh Nguyễn Minh Cảnh và chị Hoàng Thị Nguyên hạnh phúc nhìn nhau. Lâu lắm rồi, họ mới có cơ hội đoàn tụ nhờ chuyến xe đêm nối liền Tây Nguyên và thành phố. Niềm vui của gia đình nhỏ diễn ra trong thinh lặng, bất chấp cơn mưa đang ầm ào, xối xả trút xuống thành phố. 

Những yêu thương cũng tranh thủ gửi trao, bởi bốn người họ cũng chỉ có được một ngày ngắn ngủi bên nhau. Sau hôm đó, chị Nguyên phải tất tả đưa con rời thành phố để trở về với công việc đồng áng đang chờ chị nơi rừng núi. Cũng để kịp cho Nguyễn Thị Minh Trang (học sinh lớp Tám Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, tỉnh Đắk Lắk) chuẩn bị bước vào năm học mới.

Cô bé ấy là con lớn của anh Cảnh và chị Nguyên. Anh Cảnh bị câm điếc bẩm sinh nên dù ngấp nghé tuổi 50, anh vẫn chưa thể dứt khỏi sự cưu mang của chị em trong gia đình. Chị Nguyên cũng phải chịu cảnh khuyết tật như chồng bởi ảnh hưởng chất độc da cam khi còn trong bụng mẹ. 

Uoc mo 'ky la' cua nu sinh lop Tam

Học sinh Nguyễn Thị Minh Trang

Từ nhỏ, cả nhà Trang sống nhờ trong ngôi nhà của người cô ruột, là chị gái ba. Năm 2015, gia đình Trang đón thêm một thành viên mới. Tiếng cười rộn ràng hơn trong ngôi nhà chật hẹp, đồng nghĩa với những lo toan về kinh tế cũng từ đó mà nhiều hơn. Bởi những khiếm khuyết trên cơ thể khiến công việc phụ hồ của ba Trang không ổn định, trong khi mẹ Trang không thể làm gì khác để kiếm thêm thu nhập ngoài việc phụ giúp người thân của mình những công việc dọn dẹp lặt vặt. 

Trong khi, cuộc sống chi tiêu đắt đỏ ở mảnh đất Sài Gòn khiến ba mẹ Trang ngày càng đuối dần, không gồng gánh nổi để lo cho hai đứa con. Họ bàn bạc rồi thống nhất với nhau: ba Trang ở lại TP.HCM tiếp tục làm phụ hồ, nương nhờ nhà nội; mẹ Trang đưa hai con về Đắk Lắk để vừa có thể dựa vào ruộng vườn, chăn nuôi để kiếm tiền, vừa để giảm bớt chi phí nuôi con.

Đó là lý do vừa học xong năm lớp Ba tại Trường tiểu học Bình Lợi Trung (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Trang phải theo mẹ chuyển về Đắk Lắk sinh sống. Những khó khăn khi chuyển đến một ngôi trường mới cũng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian đầu.

Thương ba mẹ, Trang nhanh chóng bắt nhịp với trường lớp mới để duy trì kết quả học tập tốt. Nhờ đó, suốt tám năm liền, Trang đều đạt học sinh giỏi, nằm trong top đầu của lớp. Cô bé nổi tiếng học giỏi môn Anh văn khi thành tích cuối năm lớp Tám của em đạt đến 9,5.

Đó là kết quả những nỗ lực của bản thân Trang, bởi ba mẹ đều không nghe, nói được, cũng không thể hỗ trợ Trang trong việc học hành. Không những thế, những tâm tư, tình cảm của cô bé đang tuổi lớn dường như giấu kín trong lòng, khó mà giãi bày bởi giao tiếp thường ngày của em với gia đình phần nào hạn chế khi chỉ có thể thông qua ngôn ngữ ký hiệu.

Do đó, mới lớp Tám nhưng Trang ra vẻ là “người lớn” khi có những suy nghĩ hết sức chững chạc vì em đã quen với việc phải làm một người trưởng thành ngay khi còn rất nhỏ.

“Tuy không bình thường như người ta nhưng ba mẹ yêu thương và lo cho con lắm. Con thấy vậy là đủ rồi”, Trang tâm sự. Trang chưa bao giờ đòi hỏi, cũng không oán trách hoàn cảnh khó khăn. Nhưng thẳm sâu bên trong trái tim cô bé, đôi khi, những ước muốn nhỏ nhoi lại gợn lên, khi một khoảnh khắc nào đó chứng kiến cảnh các bạn cùng lứa quấn quýt bên cha mẹ trong những ngày vui của tuổi học trò.

Đó là: “Được ba hoặc mẹ đến trường họp phụ huynh cho em hoặc có mặt vui cùng em trong ngày tổng kết năm học; để biết rằng em biết ơn ba mẹ, em sẽ vì tình yêu thương của ba mẹ mà cố gắng nhiều hơn…”. 

Ước mơ giản đơn thế thôi, nhưng cô nữ sinh lớp Tám chưa một lần có được. Vậy mà, suốt tám năm qua, em chưa một lần nào vì nó mà ngừng cố gắng… 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI