Từ chối làm bài văn về thần tượng, học sinh lớp Sáu phải xin lỗi cô giáo 100 lần

14/11/2019 - 18:33

PNO - Khi cô giáo của học sinh này ra đề bài: “Hãy kể về thần tượng của em”; em đã rất thẳng thắn: Em biết cách làm nhưng em không có thần tượng nào cả, nên em không làm bài.

Trong khi cộng đồng mạng vừa bức xúc, vừa lo lắng trước việc Khá Bảnh lĩnh án hơn 10 năm tù, mà không ít bạn trẻ vẫn vẫy chào như… thần tượng; thì một câu chuyện khác trong nhà trường, cũng về thần tượng, đã khiến nhiều người sửng sốt: Một học sinh lớp Sáu ở Hà Nội từ chối làm bài văn về thần tượng, với lý do em không thần tượng ai; nhưng cuối cùng, cô giáo đã bắt em chép phạt 100 lần câu “em xin lỗi cô, lần sau em không thế nữa”.

Tu choi lam bai van ve than tuong, hoc sinh lop Sau phai xin loi co giao 100 lan
Câu chuyện bị chép phạt vì từ chối làm bài văn về thần tượng được tiến sĩ Tuyết chia sẻ

Câu chuyện đó được cô giáo dạy Văn - tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội) chia sẻ. Em học sinh lớp Sáu là con một đồng nghiệp của cô Tuyết. Khi cô giáo của học sinh này ra đề bài: “Hãy kể về thần tượng của em”; em đã rất thẳng thắn: Em biết cách làm nhưng em không có thần tượng nào cả, nên em không làm bài. Khi được gợi ý: “Hay con cứ coi mẹ là thần tượng cho dễ viết”, thì cháu trả lời: “Mẹ có nhiều cái tốt nhưng cũng không phải là thần tượng của con”.

Thay vì có cái nhìn tích cực về việc em không thần tượng ai và sự thẳng thắn của em, thì cô giáo lại phạt, bắt em chép 100 lần “em xin lỗi cô, lần sau em không thế nữa”. Cô bé lớp Sáu vừa chép phạt vừa khóc, không hiểu vì sao mình lại bị phạt.

Là giáo viên dạy văn nhiều năm, được học trò yêu quý, cô Tuyết phân tích: “Cháu nói biết cách làm bài nhưng không có thần tượng” cho thấy cháu đã tiếp nhận được lý thuyết cô dạy, nắm được phương pháp làm bài. Còn nội dung bài yêu cầu viết về thần tượng, nếu cháu đã phải nói rằng “mẹ có nhiều cái tốt nhưng cũng không phải là thần tượng của con”, tôi nghĩ đó không phải là thách thức giáo viên.

Tu choi lam bai van ve than tuong, hoc sinh lop Sau phai xin loi co giao 100 lan
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết là cô giáo dạy văn được nhiều học trò yêu mến

Với đề bài đặt ra, cô Tuyết cho rằng chưa ổn về kiến thức, kỹ năng. Câu lệnh yêu cầu kể về một đối tượng mà với học trò, có thể không tồn tại, hoặc có thể các em cũng không hiểu khái niệm “thần tượng” là gì. Có nhiều ý kiến cho rằng học sinh cần phải biết tưởng tượng, nhưng bất kỳ tưởng tượng nào cũng phải xuất phát từ căn cứ nhất định. Và tưởng tượng hoàn toàn không phải là bịa đặt.

Cô Tuyết e ngại: Đề bài và hình phạt của cô với trò sau đó đã cho thấy tâm lý nô lệ đáng sợ trong giáo dục con người - khi yêu cầu con người buộc phải có đối tượng để sùng bái. Cô giáo đã làm tổn thương cái tôi cá nhân của học trò khá nặng nề. Câu chép phạt và lời kể “Con vừa chép vừa khóc vì “con không hiểu sao con bị phạt” là minh chứng đau lòng cho sự thất bại thảm hại của giáo dục - xóa bỏ cái tôi tự trọng, trung thực và biến đối tượng giáo dục thành những robot không được phép phản biện.

Chẳng lẽ lần sau con cứ phải sùng bái một ai đó hay phải cố viết những điều giả dối?

Bà khẳng định: “Chúng ta cần dạy học trò biết hoàn thiện bản thân bằng trí tuệ và nhân cách tự trọng, trung thực chứ không phải tưởng tượng để hoàn thiện”.

N.M.T

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI