TS lớp 10 tại TP.HCM: HS hào hứng với đề thi Văn đề cao ước mơ và tình yêu thương

11/06/2016 - 17:16

PNO - Sáng nay (11/6), 68.932 học sinh tại TPHCM bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2016-2017.

• Gần 69.000 học sinh TPHCM bước vào thi lớp 10

Sáng nay (11/6), 68.932 học sinh tại TPHCM bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2016-2017. Ở môn thi đầu tiên là Ngữ văn, nhiều thí sinh bày tỏ sự thích thú với đề thi là cơ hội để người học được bày tỏ quan điểm về ước mơ và tình yêu thương.

TS lop 10 tai TP.HCM: HS hao hung voi de thi Van de cao uoc mo va tinh yeu thuong
Nhiều thí sinh bày tỏ sự thích thú trong môn thi đầu tiên

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay có 68.932 thí sinh dự thi, giảm gần 9.000 em so với năm 2015. Trong đó có 62.437 thí sinh thi vào lớp 10 THPT thường và 6.495 em thi vào lớp 10 chuyên. Tổng cộng có 123 hội đồng thi trên toàn thành phố, riêng đó có 10 hội đồng thi chuyên.

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, thí sinh đi trễ quá 15 phút tính từ thời điểm làm bài sẽ không được dự thi dù bất cứ lí do gì. Trường hợp thí sinh đến trễ phải tính từ cổng điểm thi chứ không phải tính từ cửa phòng thi. Thí sinh được phép ra khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài nhưng phải nộp lại đề thi và giấy nháp.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Đề thi môn văn gồm có phần đọc hiểu, nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Phần đọc hiểu văn bản và nghị luận văn học sẽ kiểm tra năng lực cảm thụ văn học, đọc hiểu văn bản. Phần nghị luận xã hội sẽ là phần để TS trình bày suy nghĩ, cảm nhận của mình đối với những vấn đề gần gũi với cuộc sống của các em, qua đó các em sẽ thể hiện ý thức công dân của mình đối với xã hội”.

TS lop 10 tai TP.HCM: HS hao hung voi de thi Van de cao uoc mo va tinh yeu thuong
Thí sinh trao đổi bài làm sau giờ thi

Đề văn hay, học tủ và văn mẫu “bó tay”

Bước ra khỏi phòng thi môn thi đầu tiên, nhiều thí sinh (TS) nhẹ nhõm vì đề Văn năm nay có tính gợi mở cao, gần gũi với lứa tuổi học sinh, đặc biệt là ở câu 1 và câu 2. TS Trà My, tại HĐT Trường THCS Colette (quận 3) cho biết: Đề năm nay mang tính gợi mở cao, nhưng khó hơn đề năm trước. Câu nghị luận xã hội rất gần gũi với cuộc sống, tạo cho em nhiều cảm xúc.

Trái với dự đoán của nhiều TS rằng các vấn đề thời sự nổi cộm sẽ xuất hiện, nhưng đề thi Văn đề cập đến nội dung về hoài bão sống và giá trị sống là tình yêu thương. Trong câu 1, sử dụng đoạn văn trích từ tác phẩm Nếu biết trăm năm là hữu hạn của tác giả Phạm Lữ Ân để kiểm tra khả năng đọc hiểu văn bản của học sinh. Đồng thời, có thêm câu hỏi mở “Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi ước mơ?” dành cho học sinh. Phần nghị luận xã hội hết sức ngắn gọn với câu: “Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?”. Từ đó đề yêu cầu học sinh viết bài văn ngắn khoảng 1 trang giấy trả lời cho câu trên.

TS lop 10 tai TP.HCM: HS hao hung voi de thi Van de cao uoc mo va tinh yeu thuong
Thí sinh hào hứng sau giờ thi

Và phần nghị luận văn học yêu cầu học sinh nêu cảm nhận về nhân vật thanh niên xung phong qua đoạn trích của tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa. Nhiều học sinh đánh giá đề thi dài nên ghi nhận ở các hội đồng thi, các em đều phải tận dụng hết thời gian 120 để xử lý đề. Rất ít thí sinh kết thúc bài làm sớm. Ở phần nghị luận văn học về tình yêu thương, một số học sinh ở hội đồng thi Trường THCS Hà Huy Tập, Bình Thạnh cho hay nội dung đề cập khá lạ nên các em gặp khó khăn trong việc lập luận nội dung ngược.

Đặc biệt đề nêu ra nội dung về giá trị sống chứ không phải là vấn đề hay hiện tượng xã hội thời sự như các em dự đoán. Một số học sinh cũng bày tỏ, các em được ôn luyện khá kỹ phần nghị luận về các vấn đề thời sự, xã hội, các hiện tượng trong đời sống. Nên khi đề Văn đề cập đến tình yêu thương đòi học học sinh vừa có kiến thức văn học vừa lập luận đa chiều về tình cảm con người nên các em không dễ dàng trình bày được hết quan điểm của mình.

Đề thi nghị luận xã hội được nhiều TS thích thú được trích dẫn câu hỏi “Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương? Từ đó đề yêu cầu TS viết bài văn ngắn khoảng 1 trang giấy trả lời câu hỏi trên”. Với câu hỏi này, có TS đồng tình, TS chưa đồng tình với câu hỏi và đã có nhiều phản biện lại rất hay.

Đối với 2 câu còn lại, ngoài những kiến thức đọc hiểu văn bản còn yêu cầu các em trình bày suy nghĩ, cảm nhận của mình. TS Bá Đạt tại HĐT THCS Minh Đức, (quận 1) chia sẻ: Nếu không nắm vững kiến thức trong SGK mà chỉ có kiến thức xã hội, thời sự chắc chắn sẽ không làm tốt bài thi. Đơn cử câu 1 và 2 ngoài việc nói lên suy nghĩ, cảm nhận của mình về việc có phải lúc nào cũng theo đuổi ước mơ hay từ cảm nhận của TS về nhân vật anh thanh niên trong một đoạn trích của truyện ngắn Lặng lẽ Sapa để liên hệ với hình ảnh của thế hệ trẻ trong một tác phẩm văn học khác hoặc trong thực tế đời sống thì chúng em phải nắm những kiến thức cơ bản mới làm được.

Đánh giá ở gốc độ chuyên môn, Cô Phạm Thị Vân Hương, Tổ trưởng môn văn, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cho rằng đề đã định hướng đúng quan điểm đổi mới cách ra đề của Sở, tăng cường câu hỏi mở, đánh giá khả năng vận dụng kiến thức thực tế, để học sinh được bày tỏ quan điểm trước các vấn đề của cuộc sống… Với đề thi này, học sinh khó lòng học tủ, học vẹt và đề thi cũng không theo khuôn mẫu, rất vừa sức với TS.

Theo Cô Hương thì đề này bắt buộc TS phải đọc hiểu văn bản và thể hiện được suy nghĩ của mình. Ví dụ câu 1 kiểm tra kiến thức cơ bản của TS và yêu cầu các em phải hiểu văn bản mới làm được; câu 2 phù hợp với sức học và suy nghĩ, tình cảm, tâm lý lứa tuổi các em về tình yêu thương con người; câu 3 nếu có chất liệu văn chương chắc chắn sẽ làm tốt.

Chiều nay, TS sẽ làm bài thi môn Ngoại ngữ với thời giant hi là 60 phút.

Tiêu Hà- Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI