Trường THPT Nguyễn Thị Diệu: Hiệu trưởng bị khiển trách, trường bị kiện ra tòa

24/07/2019 - 07:19

PNO - Những lùm xùm ở Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) vẫn chưa thể lắng xuống khi mới đây, nguyên phó hiệu trưởng trường này quyết định kiện trường ra tòa vì hiệu trưởng đã “bắt” ông xuống làm giáo viên dạy thể dục sai quy định.

Những lùm xùm ở Trường THPT Nguyễn Thị Diệu  vẫn chưa thể lắng xuống khi mới đây, nguyên phó hiệu trưởng trường này quyết định kiện trường ra tòa vì hiệu trưởng đã “bắt” ông xuống làm giáo viên dạy thể dục sai quy định. Cùng thời điểm, hiệu trưởng trường này phải nhận kỷ luật khiển trách do sai sót trong quản lý.

Bị kỷ luật nhưng hiệu trưởng vẫn xếp thi đua loại A?

Ngày 13/5, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn đã ký Quyết định 1058/QĐ-GDĐT-TC về việc xử lý kỷ luật ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Theo đó, xét nội dung, tính chất và mức độ vi phạm của ông Đảo về việc thực hiện nghĩa vụ của một cán bộ, công chức, đồng thời dựa vào tờ trình của hội đồng kỷ luật được ký ngày 6/5, giám đốc sở thi hành kỷ luật khiển trách với ông Đỗ Đình Đảo. Thời hạn thi hành kỷ luật là 12 tháng, tính từ ngày 16/5.

Nguyên nhân là do ông Đảo vi phạm trong công tác quản lý của hiệu trưởng; có thiếu sót trong công tác quản lý hành chính, tài chính, tài sản; công tác tổ chức thực hiện chế độ chính sách, quản lý chuyên môn.

Truong THPT Nguyen Thi Dieu: Hieu truong bi khien trach, truong bi kien ra toa

Trước đó, ngày 25/3, giám đốc sở cũng đã ký kết luận thanh tra số 948/GDĐT-TTr, thông báo kết quả thanh tra đột xuất tại trường này, qua đơn của công dân. Nội dung của kết luận thanh tra ghi rõ hiệu trưởng không công khai tài chính đầy đủ từ năm 2016 tới 2018, trường không ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công do đơn vị quản lý…

Đối với việc chuyển trường của học sinh, kết luận nêu rõ, nhà trường tiếp nhận học sinh chuyển trường khi chưa có ý kiến của sở là chưa đúng với Quyết định 51/2002 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Ngoài ra, với cương vị là hiệu trưởng, ông Đảo còn để cho ông Cấn Kim Tuyến, nhân viên kỹ thuật, bảo trì máy vi tính, đứng lớp dạy môn tin học. Ông Tuyến tốt nghiệp cao đẳng công nghệ thông tin, lại dạy lớp 11 là chưa phù hợp với trình độ chuẩn chuyên môn cấp học.

Giám đốc sở đã chỉ đạo Phòng Tổ chức cán bộ tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của ông Đảo trong công tác quản lý tài chính, hành chính, tài sản, công tác tổ chức thực hiện chế độ chính sách, quản lý chuyên môn tại đơn vị.

Thế nhưng, trong bảng tổng hợp kết quả thi đua năm học 2018-2019 được ký ngày 31/5, ông Đảo vẫn được xếp loại A và đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Giáo viên của trường bức xúc: cả trường 106 lao động, có 97 người xếp loại A, một nghỉ bệnh và chỉ có 8 người xếp loại B. Hiệu trưởng sai phạm nhưng vẫn xếp loại A và danh hiệu Lao động tiên tiến, còn người tố cáo tiêu cực thì bị xếp loại B. Như vậy có thỏa đáng? 

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại chiều 23/7, ông Đỗ Đình Đảo cho biết: “Kết quả thi đua trên là từ thống kê, tổng hợp của văn phòng, công đoàn. Trong ngày 27/6, tại cuộc họp liên tịch mở rộng, trường đã thông báo công khai quyết định kỷ luật đối với tôi. Tôi đã nhận trách nhiệm về các sai sót và gửi lời xin lỗi đến hội đồng sư phạm. Đồng thời căn cứ vào quy định, tôi cũng nhận mình xếp thi đua loại C và không nhận danh hiệu Lao động tiên tiến”.

Xem ra, lời giải thích của ông chưa thỏa đáng, bởi quyết định kỷ luật đã được sở ban hành từ giữa tháng Năm nhưng đến cuối tháng Năm, ông Đảo vẫn ký duyệt mình đạt Lao động tiên tiến và xếp thi đua loại A. Theo Nghị định 91/2017, không xét tặng danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua đối với trường hợp nhận kỷ luật từ mức khiển trách. Phải chăng ông tạm thời... “quên” khi quyết định kỷ luật chưa được công khai trước trường? 

Nguyên phó hiệu trưởng kiện trường ra tòa

Cũng trong thời gian này, ông Trần Minh Luân, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu đã nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân Q.3. Đơn vị bị kiện là Trường THPT Nguyễn Thị Diệu.

Theo nội dung khởi kiện, ông Luân được tuyển dụng, công nhận kết quả thi tuyển công chức ngạch giáo viên trung học, có quyết định năm 1999 của Ban Tổ chức chính quyền thành phố. Tháng 12/2012, ông được lãnh đạo Q.3 bổ nhiệm lại giữ chức vụ phó hiệu trưởng trường này thời hạn 5 năm. Hết thời hạn này, ông nhiều lần báo cáo lãnh đạo trường nhưng vẫn bị làm ngơ, không làm thủ tục tái bổ nhiệm.

Tháng 8/2018, ông Luân báo lên sở và được hướng dẫn về đơn vị làm thủ tục tái bổ nhiệm.

Ngày 20/12/2018, giám đốc sở đã có công văn 4483/GDĐT-TC về gia hạn thời gian giữ chức vụ phó hiệu trưởng đối với ông Luân trong khi đang thực hiện quy trình tái bổ nhiệm, cho đến khi có quyết định mới. Thế nhưng, bất ngờ là ngày 18/2, hiệu trưởng trường này lại phân công ông Luân xuống làm giáo viên thể dục. 

Theo đơn kiện, việc hiệu trưởng ban hành quyết định phân công ông Luân làm giáo viên thể dục, cắt chế độ phụ cấp chức vụ từ tháng 1/2019 trở đi và tự cho rằng ông đã bị miễn nhiệm chức vụ là trái với các quy định của pháp luật về quy trình bổ nhiệm lại cán bộ. 

Ông Luân yêu cầu hiệu trưởng phải thu hồi quyết định phân công trái luật, đền bù thiệt hại danh dự, nhân phẩm cùng với đền bù khoản phụ cấp chức vụ từ tháng Một đến tháng 4/2019 mà ông Luân bị cắt, với số tiền gần 70 triệu đồng. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI