Phát hiện hàng loạt trường liên kết đào tạo 'chui'

10/06/2015 - 14:26

PNO - PN - Các chương trình đào tạo đại học không chính quy như hệ vừa học vừa làm (VHVL), đào tạo từ xa (ĐTTX), liên thông từ TCCN, CĐ lên ĐH được thả nổi đang trở thành ‘miếng mồi” béo bở cho các trường. Thời gian gần đây, hàng...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Nở nồi” đào tạo chui

Ngày 4/6, lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai… ngỡ ngàng khi phát hiện Phân viện Miền Nam của Học viện thanh thiếu niên VN ra thông báo tuyển sinh liên thông ngành xét nghiệm y học của trường. Cùng ngày, Trường ĐH Công nghệ Miền Đông cũng “giật mình” khi bị phân viện này “mượn tên” để tuyển sinh. Cả hai trường ĐH đều khẳng định không hề có liên kết đào tạo nào với Phân viện Miền Nam, đồng thời cũng không liên kết với Trường TC Y Dược Hà Nam.

Ngày 8/6, khi làm việc với Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM về thông báo tuyển sinh liên kết đào tạo này, ông Phạm Văn Duyên, Giám đốc Phân viện Miền Nam thừa nhận: “Tôi ký thông báo tuyển sinh theo đề nghị của Trường TC Y Dược Hà Nam. Phân viện không có chức năng đào tạo nên việc phát hành thông báo tuyển sinh là sai so với quy định của Bộ GD-ĐT về liên thông, liên kết đào tạo. Phân viện cho Trường TC Y Dược Hà Nam thuê cơ sở để đào tạo và hai bên có hợp đồng liên kết đào tạo. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là giúp Trường TC Y Dược Hà Nam mà không nghĩ đến những thiếu sót. Trường TC Y Dược Hà Nam đã mạo danh phân viện bằng cách photo cắt dán chữ ký của tôi. Phân viện không có trung tâm liên kết đào tạo, cũng như không phát hành thông báo tuyển sinh”.

Trước “sự đã rồi” này, ông Hà Hữu Phúc, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM yêu cầu phân viện phải gỡ ngay thông báo tuyển sinh “mượn” danh này, đồng thời phải có đính chính xin lỗi trên mạng và có công văn xin lỗi hai trường ĐH bị “mượn tên”.

Mới đây, Trường CĐ Cần Thơ thông báo tuyển sinh 22 ngành trình độ ĐH từ khoa học cơ bản đến kinh tế, năng khiếu… Hàng loạt trường “đàn anh” tên tuổi như: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Đà Nẵng... đều có tên trong danh sách liên kết đào tạo với Trường CĐ Cần Thơ. Tuy nhiên, đây là những chương trình không có giấy phép của Bộ GD-ĐT.

Trường CĐ nghề Đồng Tháp cũng liên kết với nhiều trường như ĐH Cần Thơ, ĐH Lao động -Xã hội cơ sở 2 tại TP.HCM và ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Đáng nói hơn là đơn vị này còn liên kết mở lớp đào tạo bồi dưỡng sau ĐH cho các chuyên ngành: kỹ thuật điện tử, kỹ thuật điện, kỹ thuật cơ khí động lực, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp. Theo quảng bá của Trường CĐ nghề Đồng Tháp, trường sẽ hợp tác với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM “mở lớp đào tạo trình độ đại học có thời gian học từ tháng 9/2014 đến tháng 6/2015, các lớp học đặt tại Trường CĐ nghề Đồng Tháp. Học viên sau khi hoàn tất môn học và thi đạt từ 5 điểm trở lên sẽ được cấp chứng chỉ môn học đó và được bảo lưu trong 5 năm kể từ ngày cấp chứng chỉ, mức học phí mỗi học viên là 9,5 triệu đồng/học kỳ”. Tuy nhiên, người học hoàn toàn không biết những chương trình liên kết này đều không xin phép Bộ GD-ĐT.

Trung tâm ĐH Mở thuộc Viện ĐH Mở Hà Nội thành lập tại TP. Đà Nẵng đã tuyển sinh và đào tạo khoảng 22 khóa với trên 10.000 sinh viên, chủ yếu là ĐTTX và tại chức. Dù “quy mô” đào tạo lên đến hàng chục nghìn sinh viên nhưng ít người học nào ngờ được trung tâm này không có chức năng tuyển sinh và đào tạo. Đặc biệt, đơn vị này còn “cả gan” tuyển sinh đào tạo luôn ba khóa hệ ĐH chính quy tập trung cho hơn 1.000 sinh viên.

Phat hien hang loat truong lien ket dao tao 'chui'

Trường ĐH Công Nghệ Vạn Xuân tổ chức thi liên thông “chui” tại Trung tâm Dạy nghề Q.Bình Tân, bị đoàn kiểm tra Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM phát hiện

Thả nổi liên thông

Mới đây, trước tình hình đào tạo liên thông, liên kết rầm rộ của tỉnh, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước đã thành lập đoàn thanh tra công tác tuyển sinh ĐH, CĐ trên toàn tỉnh. Kết quả bất ngờ, từ trường CĐ cho tới trường TC, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh đều “ôm” liên kết đào tạo với hàng loạt trường ĐH từ Bắc vào Nam như: ĐH Công đoàn, ĐH Tây Nguyên, ĐH Giao thông - Vận tải TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sư phạm TP.HCM… Trung tâm GDTX của tỉnh liên kết đào tạo ngành luật với Trường ĐH Đà Lạt cho 120 sinh viên.

Đáng nói nhất là Trường CĐ Sư phạm Bình Phước đã “bắt tay” với các trường ĐH tên tuổi tại TP.HCM. Trong thời gian từ năm 2011 đến nay, đơn vị này đã liên kết đào tạo 683 sinh viên các ngành sư phạm mầm non, kế toán, sư phạm toán, lý, hóa và ngành luật với các trường ĐH Sài Gòn, ĐH Tây nguyên, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Công đoàn.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giai đoạn 2012-2014 liên kết với 21 trường để chiêu sinh, tổ chức đào tạo hệ VHVL trình độ ĐH 76 lớp với 7.822 sinh viên dù chưa được Bộ GD-ĐT cho phép. Để mở các lớp này, trường liên kết với rất nhiều trường từ CĐ đến ĐH như: Trường ĐH Đồng Nai, Trường ĐH Tiền Giang, Trường CĐ Bách Việt, Trường CĐ Sư phạm Bình Phước, Trường CĐ Cần Thơ. Trường ĐH Sư phạm TPHCM còn liên kết với các trường bồi dưỡng giáo dục tại Củ Chi, Hóc Môn, Q.Thủ Đức, Q.5, Q.8, Q.10, Q.12 để tuyển sinh đào tạo hệ VHVL, trong khi theo quy định, các lớp đào tạo hệ VHVL trình độ ĐH-CĐ phải được mở lớp tại các trường ĐH, CĐ, TCCN hoặc trung tâm GDTX cấp tỉnh.

Miếng mồi béo bở

Giảng viên một trường ĐH tại TP.HCM cho biết, sở dĩ các trường ra sức “nở nồi” chỉ tiêu không chính quy, mở các lớp hệ VHVL, ĐTTX, liên thông… khắp nơi vì đó là nguồn thu rất lớn. Nếu hệ chính quy vừa bị “siết’ nhiều mặt thì đào tạo hệ không chính quy dễ dãi hơn, các trường vừa có thể thu học phí cao, vừa được liên kết đặt lớp đào tạo ở một đơn vị khác. Đối với các trường công lập chưa được tự chủ tài chính, “mô hình” liên kết không phép này quả là miếng mồi ngon.

Và vì quá… ngon nên các trường thi nhau “lách luật” liên kết khắp nơi để mở rộng các lớp VHVL, ĐTTX, liên thông để thu lợi “khủng”. Trường TC Kinh tế - kỹ thuật Bình Phước liên kết với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sài Gòn để chiêu sinh đào tạo lớp VHVL. Chỉ tính từ năm 2011-2013, số tiền thu về từ những lớp này gần 13 tỷ đồng, trong đó, Trường TC Kinh tế - kỹ thuật Bình Phước được trích lại gần bốn tỷ đồng.

Trung tâm GDTX tỉnh Bình Phước và Trường ĐH Đà Lạt cùng “bắt tay” đào tạo “chui” và số học phí thu được từ hoạt động này trong khoản thời gian gần ba năm (từ năm 2011 đến tháng 3-2014) là hơn 16 tỷ đồng. Tương tự, Trường CĐ Công nghiệp cao su Bình Phước cũng liên kết tuyển sinh và đào tạo 994 sinh viên hệ VHVL kiếm được hơn 16 tỷ đồng từ nguồn thu học phí và trường được giữ lại hơn năm tỷ đồng…

Một cán bộ tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cho biết, tất cả những trường muốn liên kết đào tạo đều phải theo đúng quy định của bộ, Quy định về liên kết đào tạo trình độ TCCN, CĐ, ĐH (gọi tắt là Quyết định 42) và Quy chế tuyển ĐH và CĐ hình thức VHVL (gọi tắt là Quyết định 62)… Các trường muốn mở lớp tuyển sinh, đào tạo đều phải báo cáo và được Bộ GD-ĐT cấp phép. Những trường nào không báo cáo bộ mà tuyển sinh đào tạo “chui” gây ảnh hưởng đến người học sẽ bị kiểm tra và xử lý.

Kiểm tra xử lý đào tạo “chui” là việc tất nhiên phải làm của cơ quan quản lý nhưng việc xử phạt hành chính chỉ mang tính “tượng trưng”, không đủ sức răn đe những đơn vị sai phạm. Bởi thế, các trường vì lợi trước mắt, âm thầm bắt tay nhau mở đủ thứ các lớp đào tạo liên thông từ TC, CĐ lên ĐH, rồi hệ VHVL, ĐTTX… bất chấp quyền lợi người học. Chọn phải chương trình “chui”, chưa được thẩm định và cấp phép, người học lãnh đủ hậu quả về điều kiện học tập, chất lượng học tập và bằng cấp… trong khi họ phải bỏ tiền bạc, thời gian và công sức để theo đuổi. Thiệt thòi, mất mát của người học, ai chịu trách nhiệm?

GIA TUỆ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI