Trước ngày khai trường: Thầy thiếu, trò thiệt, phụ huynh căng…

31/08/2016 - 09:40

PNO - Chỉ còn vài ngày nữa, học sinh (HS) từ bậc mầm non đến THPT chính thức bước vào năm học mới, nhưng ở TP.HCM, nhiều nơi mọi thứ vẫn còn ngổn ngang.

Nhiều trường thiếu giáo viên (GV) trầm trọng trong đó thiếu nhiều nhất vẫn là GV mầm non. Dù đã nỗ lực mở rộng mạng lưới trường lớp, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu do việc tăng dân số cơ học với tốc độ chóng mặt. Vì thế, sẽ có rất nhiều trẻ không được học hai buổi/ngày, phụ huynh buộc phải nghỉ làm để giữ con.

Mầm non: một cô trông hai cháu

Năm học 2016-2017, Q.Bình Tân cần thêm 592 GV, trong đó bậc tiểu học cần 123 GV, THCS cần 188 GV, bậc mầm non cần tới 253 GV. Mầm non là bậc học rất khó để dạy choàng, dạy thay do ở lứa tuổi này, trẻ không chỉ cần học mà cần được cô trông và chăm sóc. Trớ trêu thay, bậc học này lại ít thu hút ứng viên nhất, danh sách đăng ký dự tuyển đến ngày 25/8 chỉ có 76 người. Ngoài ra, Trường chuyên biệt Bình Tân có nhu cầu tuyển 28 GV, nhưng mới nhận được một hồ sơ đăng ký thuyên chuyển đề nghị xét đặc cách, 11 ứng viên đăng ký dự tuyển (thiếu 16 ứng viên).

Truoc ngay khai truong: Thay thieu, tro thiet, phu huynh cang…
Tại các trường mầm non, một giáo viên phải chăm sóc quá nhiều bé

Q.7 cần tuyển 108 GV, trong đó bậc mầm non là 57 GV, tiểu học 41 GV, THCS 10 GV. Đặc biệt, năm nay, Q.7 đưa trường mầm non mới ở Khu chế xuất Tân Thuận vào sử dụng nên cần gấp GV. Hiện, trường này chỉ mới có 17 GV luân chuyển về. Một GV vừa chuyển nhiệm sở về đây cho hay: “Tạm thời các cô buộc phải choàng gánh trong lúc chờ có thêm GV, nhân viên. GV sẽ vất vả nhưng nếu không choàng thì ai giữ trẻ”.

Nhiều trường mầm non công lập trên địa bàn TP.HCM vẫn chịu cảnh hai GV/ lớp 50 - 56 HS, vượt quá định mức. Đó là chưa kể, nhiều vị trí lao động khác như cấp dưỡng, nhân viên y tế, bảo vệ, dù có quy định trong biên chế song các trường phải hợp đồng thêm bên ngoài mới đảm bảo yêu cầu hoạt động. Nhiều trường hợp, đơn vị phải hợp đồng thêm lao động đã về hưu hoặc chấp nhận tăng phụ cấp để giữ chân người lao động.

Ở mọi bậc học, HS đã đi học được hai tuần, nhưng nhiều quận huyện vẫn còn thiếu GV đứng lớp. Ngày 23/8, Phòng GD- ĐT Q.Thủ Đức phải ra thông báo khẩn tuyển bổ sung viên chức. Hiện quận này đang thiếu 142 GV, trong đó bậc mầm non cần tuyển đến 70 GV.

Q.11 còn thiếu trên 20 GV mầm non, do hồ sơ ứng tuyển quá ít, theo ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11. Q.10 cũng cần tuyển 38 GV mầm non, trong đó có hai GV dạy HS khuyết tật, nhưng quá ít ứng viên. Riêng ở Q.Tân Bình, bậc mầm non cần tuyển thêm 10 nhân viên cấp dưỡng nhưng “chẳng ai đoái hoài”. Nói về phương án giải quyết, đặc biệt là với các trường mầm non mới thành lập, đại diện Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân cho biết, vẫn đón trẻ, khai giảng bình thường và sẽ tuyển thêm dần GV, đồng thời sẽ hợp đồng với những GV có hộ khẩu tạm trú.

Các quận, huyện khác cũng sẽ tuyển GV thỉnh giảng. Ngành GD-ĐT Q.4 đang tính đến phương án liên hệ đến các quận khác, đồng thời mời GV về hưu, GV tạm trú tham gia giảng dạy để giải quyết bài toán thiếu GV.

Rất ít trẻ được học hai buổi/ngày

Năm học 2016-2017, TP.HCM tăng thêm gần 60.000 HS, trong đó Q.Bình Tân tăng cao nhất với gần 6.000 HS, kế đến là H.Bình Chánh tăng 5.381 HS, Q.12 tăng 4.258 HS, huyện Hóc Môn tăng 3.607 HS, huyện Củ Chi tăng 3.214 HS… Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Năm học này, TP đưa vào sử dụng 1.919 phòng học, nhưng con số này chỉ mới đảm bảo chỗ học cho HS, còn việc đáp ứng nhu cầu học hai buổi/ ngày vẫn còn nan giải”.

Năm học này, lượng HS của Q.Tân Phú tăng mạnh nên vấn đề trường lớp, GV đang cực kỳ căng thẳng. Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp thì năm học 2016-2017, các trường tiểu học trên địa bàn quận sẽ tiếp tục duy trì và tăng dần số lớp bán trú, lớp học hai buổi/ngày với tỷ lệ 25% trở lên. Cũng chịu áp lực từ dân nhập cư, nhiều năm nay, Q.Gò Vấp luôn có tỷ lệ HS được học hai buổi/ngày và bán trú rất thấp. Không riêng tiểu học, các trường THCS cũng chịu áp lực về sĩ số. Cô Lê Thị Tuyết Như, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết, sĩ số trung bình các lớp khá cao, xấp xỉ 50 HS/lớp. Năm học trước, lớp 6 còn có được bốn lớp bán trú nhưng năm nay chỉ có được hai lớp bán trú.

Theo lý giải của Sở GD-ĐT, việc tăng dân số cơ học quá nhanh khiến số trường lớp không theo kịp. Cuối năm học rồi, TP có 430/515 trường tiểu học tổ chức học hai buổi/ngày, chiếm 87,6% nhưng tỷ lệ HS được học hai buổi/ngày chỉ đạt 69,05%. Ở bậc THCS, số HS được học hai buổi/ngày cũng thấp hơn rất nhiều, chỉ trên 40%. Để giải quyết được áp lực về sĩ số HS và thực hiện được mục tiêu 100% trẻ học hai buổi/ngày, từ nay đến năm 2020, TP cần hơn 15.000 phòng học mới cho các trường công lập.

Truoc ngay khai truong: Thay thieu, tro thiet, phu huynh cang…
Năm học này, các trường mầm non đang thiếu giáo viên trầm trọng! - Ảnh: Phùng Huy

Phụ huynh "căng như dây đàn"

Trong khi chờ TP có thêm trường lớp đủ để dạy trẻ hai buổi/ngày và bán trú thì rất nhiều phụ huynh lâm vào cảnh khó khăn trong công việc, sinh hoạt hàng ngày do con chỉ được học một buổi. Chị Thu Đào (Q.Tân Bình) đang làm nhân viên văn phòng của một tập đoàn buộc phải nghỉ vì hai đứa con của chị đều “trượt quota” học hai buổi/ngày. “Đứa lớn học buổi chiều, đứa nhỏ học buổi sáng nên mình phải nghỉ làm hẳn để đưa đón, cơm nước cho hai đứa. Căng như dây đàn! Nếu đi làm, tôi không có cách nào đưa đón hai đứa mỗi ngày bốn bận được nên đành phải nghỉ, kinh tế trông hẳn vào chồng”, chị Đào lắc đầu. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.Gò Vấp nhận xét: “Trẻ chỉ học một buổi/ngày vô cùng thiệt thòi, bởi các cháu sẽ không có đủ thời gian để học ngoại khóa, các môn năng khiếu; không kịp giải quyết bài tập trên lớp mà phải ôm về nhà”.

Mùa tựu trường năm nay, thay vì hồ hởi dẫn con đến trường nhập học, chị Nguyễn T. M. và nhiều phụ huynh khác ở trường THCS Tăng Nhơn Phú B (Q.9) đã làm ầm ĩ để phản đối việc thu tiền bảo hiểm. Chị M. có con trai học lớp 8A1. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm vào ngày 26/8, cô giáo chủ nhiệm thông báo “phụ huynh phải đóng bảo hiểm y tế cho HS, mỗi HS đóng 458.000đ/năm, hạn chót là ngày 20/9”. Phụ huynh “kêu trời” bởi năm ngoái họ đã đóng gói bảo hiểm 15 tháng. Theo gói 15 tháng này, đến 30/12 mới hết hạn bảo hiểm, sao họ phải đóng gối đầu hơn ba tháng? Ai hưởng số tiền sinh lợi từ việc đóng bảo hiểm sớm hơn ba tháng?

Ngày 29/8, nhà trường tổ chức họp phụ huynh lần 2 (do chiều 26/8 mưa to, nhiều phụ huynh vắng họp), một phụ huynh không kiềm chế được, đã đứng lên tuyên bố “tôi không đóng, trường muốn làm gì thì làm”. Sự việc khiến GV chủ nhiệm lớp 8A1 phải báo cáo lên ban giám hiệu để cân nhắc lại thời điểm thu tiền bảo hiểm. Một số phụ huynh lớp 8A1 còn không đồng tình vì trong buổi họp đầu năm, cô chủ nhiệm viết lên bảng khoản phải đóng cho quỹ khuyến học của trường là 360.000đ/HS/năm và giải thích một cách thiếu thuyết phục rằng “để bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu”, tức là HS trung bình phải đóng “tiền cống hiến cho HS giỏi và HS yếu”.

Không chỉ khó chịu với cách thu chi của nhà trường, một số phụ huynh còn không đồng tình với cách làm của ban chấp hành (Hội) phụ huynh HS của lớp. Chẳng hạn như ở cuộc họp đầu năm, BCH phụ huynh HS lớp 8A1 thông báo thu tiền quỹ lớp 200.000đ/HS, lại còn thu thêm mỗi người 300.000đ để mua máy chiếu. Chuyện căng thẳng ngay từ đầu năm học không chỉ xảy ra ở trường THCS Tăng Nhơn Phú B. Áp lực tài chính của phụ huynh nghèo kết hợp với cách thu chi tùy tiện của nhà trường và Hội phụ huynh đã tạo nên không khí căng thẳng ở rất nhiều trường khác.

Ngoài việc phải đóng cùng lúc nhiều khoản tiền, một số phụ huynh còn buồn lòng về những chuyện tưởng như nhỏ nhặt. Chị Nguyễn Thị C. có con đang học lớp 3 tại một trường tiểu học có tiếng ở Q.Gò Vấp đã sắm sửa đầy đủ tập, sách, dụng cụ học tập cho con, nhưng cô giáo cho rằng sách thủ công mà chị mua không đúng chủng loại và tập không đúng chuẩn ô ly. Chị buộc phải bỏ một chồng tập và sách thủ công, để mua tập và sách thủ công tại trường để rồi vỡ lẽ, nhà trường có loại tập riêng, bìa tập in tên và hình của ngôi trường và tất nhiên là ô ly đúng chuẩn theo… ý cô giáo.

Năm học mới, ngành GD-ĐT của TP.HCM quả là còn nhiều việc phải làm.

Tiêu Hà - Thanh Thanh - Yên Khê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI