Trò đặc biệt, dạy cách cá biệt

18/11/2019 - 10:37

PNO - Tôi trăn trở, nếu mình nhắc nhở khiến em khó chịu, sao không thử làm cách ngược lại. Cuối cùng, chọn cách không để ý đến em nữa và khi em giơ tay phát biểu tôi cũng không mời em trả lời...

Nghề dạy học được ví như nghề đưa đò. Mỗi chuyến đò qua sông an toàn là niềm hạnh phúc của người thầy. Tôi ra trường năm 1992, nhận công tác ở trường tiểu học gần nhà.

Đến nay, tôi đã gắn bó với mái trường này gần một phần tư thế kỷ. Đối với tôi, mỗi chuyến đò đều để lại những kỷ niệm đẹp nhưng có lẽ chuyến đò thứ 27 mang nhiều ấn tượng nhất, bởi một cậu học trò đặc biệt.

Tro dac biet, day cach ca biet
Có những cách cá biệt để "đối phó" với học trò đặc biệt. Ảnh minh họa

Năm học 2018-2019, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 5D. Lớp có 36 học sinh, trong đó có Thành - người gây sự chú ý cho tôi ngay từ ngày đầu nhận lớp. Khi các bạn xếp hàng vào lớp thì em bỏ ra ngoài đi bằng lối khác.

Vào lớp, em có đủ trò nghịch ngợm như giấu sách vở, giày dép của bạn, gõ vào đầu bạn, thậm chí tự do đi lại trong lớp. Em còn nói leo theo giáo viên, không thèm chép bài.

Tôi nhắc nhở Thành nhưng em khó chịu ra mặt. Em thể hiện sự không bằng lòng với tôi ở cả hành động lẫn lời nói.

Dù có kinh nghiệm nhiều năm nhưng cách cư xử của Thành khiến tôi khá bế tắc. Ngày 20/10, Thành mang một bó hoa đến lớp, có lẽ mẹ đã mua bảo em đem đến tặng cô. Nhưng suốt cả buổi, em để hoa dưới gầm bàn rồi đem về. Có lẽ sự quan tâm của tôi đã làm em ghét mình và với em, tôi không xứng đáng để nhận bó hoa đó.

Tôi trăn trở, nếu mình nhắc nhở khiến em khó chịu, sao không thử làm cách ngược lại. Cuối cùng, tôi gọi điện về cho mẹ em trao đổi về biện pháp mà tôi sẽ áp dụng. Đó là khi lên lớp, tôi không để ý đến em nữa và khi em giơ tay phát biểu tôi cũng không mời em trả lời.

Không ngờ, một ngày kia, khi được mẹ hỏi: “Hôm nay ở trường thế nào?”, Thành buồn bã trả lời: “Con giơ tay phát biểu mà cô không gọi và không nói gì tới con nữa”. Mẹ hỏi tiếp: “Vậy con có buồn không?”. Em trả lời: “Con rất buồn”. Nghe vậy, tôi rất mừng vì cách tôi áp dụng với em bước đầu hiệu quả.

Dự định sẽ áp dụng một tuần nhưng chỉ được ba ngày, nhìn nét mặt buồn bã của em khi không được gọi trả lời, tôi quyết định dừng lại.

Từ đó, tôi ưu ái để em được trả lời nhiều câu hỏi hơn rồi khen ngợi em trước lớp. Thời điểm này, Thành bị gãy chân phải bó bột do đùa nghịch trong một lần đi học về. Em phải đến lớp với cái nạng gỗ.

Có lẽ, vì nhìn thấy tôi giúp em mỗi lần đi vệ sinh mà em cũng bớt những trò nghịch ngợm và bắt đầu nhận ra lời nhắc nhở của tôi về hậu quả của những trò tai quái em gây ra không phải không có cơ sở. Sau đó, em bớt tự do tùy tiện. Em cũng không còn “ghét” tôi như trước nữa.

Gần ngày 20/11, tôi để ý suốt giờ chơi em hí hoáy vẽ, hình như đang làm một tấm thiệp. Cuối giờ học, khi tôi đang đứng ở nhà xe chuẩn bị ra về, em ngập ngừng chạy tới đưa cho tôi tấm thiệp và nói: “Em chúc cô ngày 20/11 vui vẻ và hạnh phúc”.

Mở tấm thiệp tự tay em làm với những dòng chữ nắn nót, thật sự, không có hạnh phúc nào bằng. 

Bây giờ, Thành đã bước vào mái trường THCS với nhiều thay đổi và trưởng thành hơn. Ai đó đã nói: “Dạy học là một nghệ thuật mà người thầy là nghệ sĩ”. Đúng vậy, nghề giáo ngoài có tâm còn cần linh hoạt, khéo léo trong giáo dục học sinh. 

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI