Trẻ Việt vật vã học tiếng… Việt

29/09/2017 - 06:35

PNO - Không thể hình dung được những đứa trẻ Việt, sinh sống và học tập tại Việt Nam, lại có thể không nói và không hiểu được tiếng Việt.

Với mong muốn con giỏi tiếng Anh, nhiều gia đình đã đưa con vào học trong môi trường quốc tế từ mầm non, tiểu học. Khi cha mẹ tự hào rằng con có thể giao tiếp tiếng Anh như người bản xứ, dư sức xuất ngoại du học thì cũng là lúc con hoàn toàn “mất gốc”, không hiểu được tiếng Việt. Những cuộc tìm lại tiếng mẹ đẻ của trẻ thật gian nan.

Tre Viet vat va hoc tieng… Viet
Trường THPT Việt Úc (TP.HCM) là trường quốc tế công lập đầu tiên tại Việt Nam. Trường chỉ nhận HS từ lớp Mười, nhưng sau khi tốt nghiệp HS vẫn được trang bị đủ điều kiện để hội nhập quốc quốc tế - Ảnh: Phùng Huy

Học lớp 9 chưa nói được tên mình

“Ở trong một làng, có một mẹ và một con. Một sáng, mẹ sai bé mang đồ ăn đến cho… mẹ của mẹ bé ở trong rừng…”. Hơn 10 phút trôi qua, Hoàng Việt, học sinh (HS) lớp Mười Trường Quốc tế ABC, chật vật “nặn” được vài chi tiết đầu tiên trong truyện Cô bé quàng khăn đỏ. Cùng lúc, ba bạn học khác cũng căng thẳng lẩm nhẩm câu chuyện mà mình sắp kể bằng tiếng Việt chỉ ở mức vỡ lòng. 

Hoàng Việt được gửi vào học trường quốc tế, môi trường sử dụng tiếng Anh từ bậc mầm non, nên vốn từ vựng tiếng Việt của em là con số 0.

Chị Lê Thị Trâm Anh, mẹ Việt kể: môi trường con chị theo học hội tụ đủ quốc tịch Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Anh, Canada… và rất ít người Việt Nam. Cả ngày Việt đều dùng tiếng Anh để học, giao tiếp với bạn bè, thầy cô nên không có cơ hội để sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Về nhà, cha mẹ bận rộn hoặc thường xuyên đi công tác, nên Việt thường vào phòng chat với bạn, nghe nhạc, học bài...

Vậy cho nên, dù đang sống trên đất Việt, nhưng có lúc Việt ngớ người ra khi ai đó nói một câu tiếng Việt quá dài.

Tại một lớp học tiếng Việt nằm trên đường 9, khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, Nguyễn Nguyên - HS lớp Chín Trường ABC, bập bẹ giới thiệu những việc làm hằng ngày của mình như một người ngoại quốc chính hiệu: “7 giờ tôi “dậy lên” (wake up). Sau đó tôi đến trường. Học rất là mệt nhưng rất là vui. Lúc ở nhà, tôi làm bài tập ở nhà, nghe nhạc. Thỉnh thoảng, tôi “cứu” (help) mẹ lặt rau…”.

Chưa kể, những bài viết của các em chi chít lỗi chính tả và lối diễn đạt ngô nghê: “Năm nay em là 14 tuổi. Em rất là thích môn toán. Em có một chị đi học ở trong nước Mỹ…”. Mỗi câu nói của các em đều được Việt hóa từ văn phong của ngôn ngữ Anh cùng chất giọng lơ lớ chẳng khác nào người nước ngoài đang học nói tiếng Việt.

Trước khi tiếp xúc với những lớp học này, chúng tôi không thể hình dung được những đứa trẻ Việt, sinh sống và học tập tại Việt Nam, lại có thể không nói và không hiểu được tiếng Việt.

Cô Thanh Hằng, giáo viên chuyên dạy tiếng Việt cho HS quốc tế ở quận 7 cho biết: “Đây là thực tế của rất nhiều HS học chương trình quốc tế thuần túy. Năm đầu tiên nhận dạy tiếng Việt cho những trường hợp này, phải chật vật lắm tôi mới có thể lắng nghe và đoán đúng tên của các em. Lớn tồng ngồng nhưng vốn tiếng Việt của các em như trẻ mới tập nói. Đọc tiếng Việt theo thói quen tiếng Anh nên cứ bật âm cuối, kể cả khi nói tên mình. Tên Việt được phát âm thành Việt - thờ; Duy được phát âm thành “Đuy” (trong tiếng Anh, không có âm “d”). Em tên “Đuy Vũ” (Vũ Thanh Duy), Lực thành “Lức- k”… Suốt một năm, tôi phải nắn mãi vẫn không sửa được, cuối cùng đành thỏa thuận với phụ huynh phải chấp nhận các em nói tiếng Việt như người nước ngoài nói tiếng Việt”.  

Cô Hằng kể, đã có lúc cô muốn “chào thua” với những đứa học trò luôn nhìn mình như kẻ thù vì bắt ép chúng học thứ ngôn ngữ không thích. Các em chống đối bằng sự im lặng khi lên lớp. Với tất cả sự hậm hực, một cô học trò lớp 11 trường AIS buông một câu tiếng Anh, đại ý: “Tại sao em phải mất thời gian học tiếng Việt trong khi em không cần phải dùng đến?”.

Nên học trường quốc tế ở tuổi nào?

Tại TP.HCM có ít nhất 10 trường quốc tế dạy hoàn toàn bằng chương trình quốc tế (IB, CIE). Khát khao cho con tiếp cận một nền giáo dục tiên tiến nên một bộ phận phụ huynh chọn cho con học ở những ngôi trường quốc tế thuần túy theo chuẩn của Anh, Mỹ, Canada, Úc… Một số ít trường quốc tế có dạy tiếng Việt với thời lượng 3-5 tiết/tuần, tương đương 1/10 thời lượng học, nhưng bấy nhiêu là không đủ để HS có thể nói thành thạo tiếng Việt, dù là người Việt Nam.

Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Úc (thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết: “Tôi không ủng hộ việc cho phép nhận HS Việt Nam ở mầm non, tiểu học vào học chương trình quốc tế thuần túy, trừ khi gia đình có cha hoặc mẹ là người nước ngoài. Cho một đứa bé tiểu học vào học chương trình nước ngoài thuần túy, không gian giao tiếp chính chỉ có tiếng Anh thì chắc chắn ngôn ngữ và văn hóa mẹ đẻ sẽ mất… Các em y như một đứa trẻ nước ngoài sống tại Việt Nam thôi. Tôi chỉ ủng hộ cho các em học trường quốc tế khi đã có nền tảng về ngôn ngữ và văn hóa cơ bản rồi”.

Nhưng ngược lại, nếu tiếp xúc với ngoại ngữ càng sớm thì khả năng ngoại ngữ của trẻ sau này sẽ càng tốt. Để không “mất gốc”, nên cho trẻ vào trường quốc tế ở độ tuổi nào? Ông Cao Huy Thảo thừa nhận: học ngoại ngữ càng sớm càng có lợi, nhưng cần xác định đâu là tiếng mẹ đẻ và đâu là ngoại ngữ thứ 2, 3…

“Tôi cho rằng lứa tuổi thích hợp cho các cháu học quốc tế nên bắt đầu từ THCS. Điều này không có nghĩa là không cho trẻ học tiếng Anh mà nên cho trẻ học tăng cường tiếng Anh ngay từ lớp Một”- ông Thảo nói. 

Có một thực tế là dù Bộ GD-ĐT có quy định: các trường quốc tế nếu dạy cho trẻ em Việt thì phải dạy một số giờ tiếng Việt và lịch sử bằng tiếng Việt, nhưng phần lớn các trường đều “lách” hoặc dạy lịch sử Việt bằng… tiếng Anh.

“Trường quốc tế thu học phí rất cao, nếu dạy theo quy định của Việt Nam thì ai mà chịu bỏ vài trăm triệu một năm để vào học. Phần lớn phụ huynh cho con học trường quốc tế đều là người có tiền và hướng cho con đi nước ngoài một ngày nào đó. Do vậy, trường học phải đáp ứng nhu cầu của cha mẹ: phải dạy chương trình nhập khẩu, giáo viên người nước ngoài, dạy tiếng Anh là chính. Khi học tập trong môi trường văn hóa quốc tế thuần túy chắc chắn các em sẽ bị hòa tan. Vì thế, cứu cái gốc tiếng Việt cho con mình thế nào còn phụ thuộc vào nhận thức của cha mẹ”- hiệu trưởng một trường quốc tế tại quận 3 khẳng định.

Tất nhiên, chuyện đưa con vào học trường quốc tế để “mất gốc”, rồi sau đó vất vả giành lại tiếng mẹ đẻ là do lỗi của các phụ huynh, nhưng ở góc độ quản lý, ngành giáo dục vẫn nên tạo ra một giới hạn nhất định. Khi giáo dục mở cửa để hội nhập thì các trường quốc tế xuất hiện là tất yếu. Nhưng để vào học những trường này, nhất thiết những đứa trẻ Việt phải có một nền tảng cơ bản về ngôn ngữ mẹ đẻ để tránh hòa tan. 

Thu Lê - Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI