Trẻ Đức và bài học để trở thành chính mình

06/10/2019 - 07:00

PNO - Một trong những điểm phân biệt trẻ em Đức với những đứa trẻ khác là thái độ độc lập, tự tin của các em. Đấy chính là “quả ngọt” của hành trình giáo dục con tự lực mà cha mẹ Đức chú trọng khi đồng hành cùng con.

Khi nhắc đến bố mẹ người Đức, không ít người cho rằng họ là những người cứng nhắc nhưng ẩn sau đó chính là bài học về tình yêu thương con, là lời nhắc nhở rằng trẻ cũng cần có khung trời tự do để được lớn lên, trở thành phiên bản chính mình mong ước.

Sara Zaske là tác giả người Mỹ, quyển sách mới nhất cô viết là về triết lý dạy con tự lực của cha mẹ Đức. Chứng kiến nhiều ông bố bà mẹ Mỹ chuộng cách “làm cha mẹ kiểu trực thăng” (thường xuyên dò xét và can thiệp cuộc sống của con), Sara ngỡ ngàng trước những gì cô quan sát được khi chuyển đến Berlin sống vài năm gần đây.

Một lần, Sara tham gia tổ chức cắm trại cùng nhóm phụ huynh ở Berlin. Trong khi những đứa trẻ của một cặp đôi chạy đến sân chơi phía sau bức tường nơi các bố mẹ ngồi thì con gái của Sara cũng muốn tham gia. Sara toan đi theo trông chừng cô thì một người mẹ đã ngăn cô lại.

Tre Duc va bai hoc de tro thanh chinh minh
Phụ huynh Đức không can thiệp khi những đứa trẻ chơi với nhau

Ở Đức, phụ huynh không có thói quen dán chặt mắt vào các hoạt động của con khi con chơi đùa. Với họ, chơi chính là học cách để lớn lên. Trong quá trình, trẻ cần thể hiện sự độc lập và khả năng tự xoay xở. Sự xuất hiện, lời nói hay hành động can thiệp của phụ huynh sẽ phá vỡ tiến trình ấy của trẻ.

Để có thói quen trên, phụ huynh Đức đã chuẩn bị từ khi trẻ chỉ là đứa bé sơ sinh. Trước khi bé ngủ, cha mẹ sẽ để trẻ chơi tự do cho đến lúc con không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ. Tuyệt đối không hát ru, không rung nôi hay tạo bất kỳ thói quen nào để trẻ ỉ lại.

Dĩ nhiên mọi thứ không dễ dàng từ đầu, và điều quan trọng là bố mẹ Đức đã học cách nói không và dạy cho con hiểu ý nghĩa của việc nói không là gì. Trong năm đầu tiên, con trai của Sara gặp nhiều khó khăn khi chuẩn bị ngủ và thường có thái độ vòi vĩnh mẹ.

Sara đã tìm gặp bác sĩ người Đức và họ khuyên cô đừng quá bối rối sau khi nói không với con, cũng đừng trở nên nghiêm khắc hơn mà cứ giữ thái độ bình tĩnh. Trẻ sẽ hiểu không là không.

Đó là bài học quan trọng trẻ phải học để hiểu về những giới hạn. Trẻ em Đức không có thói quen miễn cưỡng chiều theo ý ai và luôn nhận thức rõ mình muốn gì. Vì thế, các em dễ dàng nói từ chối, khước từ một cách khi mình không thoải mái, không sẵn sàng.

Phụ huynh Đức rất hào hứng khi tìm trường mẫu giáo cho con. Không phải chỉ là để họ rảnh rang tập trung cho công việc mà là họ hiểu đã đến lúc con phải bước vào giai đoạn tạo dựng các mối quan hệ xã hội ngoài quan hệ với người thân.

Những mối quan hệ mới sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng và khám phá thế giới bên ngoài, khám phá bản thân mình tường tận hơn. Phụ huynh cũng sẽ không quá lo lắng về những rắc rối, thậm chí là xung đột trẻ gặp phải ở trường.

Ở Đức, người dân quen thuộc với mô hình trường mẫu giáo “kita” với rất ít nội quy do nhà trường ban hành. Thay vào đó, sinh hoạt của trẻ sẽ do trẻ quy định, trong đó có cả những quy định ứng xử khi có xung đột.

Nhiệm vụ của giáo viên chỉ là giải thích mối quan hệ nguyên nhân-hệ quả cho trẻ và người quyết định “luật chơi” chính là những đứa trẻ ấy. Một khi những đứa trẻ tự quyết định được những gì liên quan đến mình, đứa trẻ ấy khi lớn lên sẽ biết cách lên tiếng, có hành động bảo vệ chính bản thân khi cần thiết.

Cha mẹ không phải là những siêu nhân biết tuốt. Đó chính là cách tạo cơ hội cho trẻ lớn lên. Trẻ sẽ hỏi những câu khó nhằn còn nhiệm vụ của phụ huynh không phải là giải đáp tất cả.

Ở Đức, phụ huynh được khuyến khích phản hồi câu hỏi của trẻ bằng một câu hỏi: “Con nghĩ thế nào về điều ấy?”. Câu hỏi đơn giản nhưng lại khơi gợi trẻ tư duy và đó chính là yếu tố cốt lõi để trẻ được thể hiện chính mình.

Thiên Như 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI