TP.HCM: Dân số không ngừng tăng, giáo dục gặp khó

08/08/2018 - 06:07

PNO - Sáng 7/8, đoàn công tác Trung ương khảo sát kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã có buổi làm việc tại TP.HCM.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: TP.HCM đang gặp khó ở chỗ số học sinh hằng năm tăng, các trường cố gắng giữ được chuẩn quốc gia, để sĩ số không vượt chuẩn cũng như đảm bảo bố trí học hai buổi/ngày nên gặp nhiều áp lực. Các quận như: 12, Gò Vấp, Bình Tân, số học sinh tăng lên rất nhiều, nhất là ở bậc tiểu học. Để đảm bảo đủ chỗ học cũng là một bài toán khó. Vì vậy, một số quận phải chấp nhận sĩ số 45-50 học sinh/lớp, giảm lớp hai buổi/ngày. 

TP.HCM: Dan so khong ngung tang, giao duc gap kho
 

Số trường chuẩn quốc gia hay trường đạt chuẩn kiểm định của TP.HCM cũng đều thấp. Nếu căn cứ vào đội ngũ, trang thiết bị, chất lượng giáo dục TP.HCM đều có thể đạt được, nhưng nếu căn cứ theo điều kiện tiêu chuẩn (quy định số lớp/trường, số m²/học sinh ở các trường) thì thành phố sẽ không bao giờ đạt được, nhất là ở các trường nội thành. Do đó, thành phố cũng tiến hành kiểm định công nhận các trường đạt chuẩn nhưng đa phần là ở ngoại thành.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: đặc thù của TP.HCM là dân số không ngừng tăng nên quy mô giáo dục tăng hằng năm rất lớn. Năm năm gần đây, dân số tăng bình quân 1 triệu người, vì vậy toàn bộ hệ thống trường lớp cũng phải đi kèm.

Cũng trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm thành phố xây thêm 55 trường học, trong đó số trường công lập là 13 trường. Bình quân TP.HCM mỗi năm tăng 47.000 học sinh, các trường công lập gánh 69% số này. Chỉ tính từ năm 2013-2017, hơn 80% học sinh phổ thông học ở hệ thống công lập. Do trường lớp ít nên hiện nay sĩ số ở bậc tiểu học là 44 học sinh/lớp. 

Về chuẩn nhà trường, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nên chăng xem lại tiêu chí về đất đai, diện tích. Bởi tất cả chỉ là công cụ, trong khi đó chất lượng học sinh mới là tiêu chí quan trọng nhất. 

Ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - đánh giá: qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, các chỉ tiêu về phát triển giáo dục của TP.HCM luôn ở mức cao và là một trong số ít địa phương đứng đầu cả nước. TP.HCM cũng chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá các bậc học; coi trọng giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phẩm chất công dân, lý tưởng cách mạng với nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn, hiệu quả thu hút học sinh tham gia tương đối đông, được phụ huynh và xã hội đồng tình ủng hộ. 

Theo ông Võ Văn Thưởng, TP.HCM đã xác định tầm nhìn và quyết tâm cao, xây dựng thành trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Làm sao để TP.HCM không chỉ là nơi để cho con em ở các vùng miền trên cả nước về học, mà ngay cả sinh viên quốc tế cũng đến học.  

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI