TP. HCM bước vào năm học mới: Lấy học trò làm trung tâm

05/09/2015 - 10:57

PNO - TP HCM quyết tâm đổi mới mạnh mẽ việc dạy và học, chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, lấy người học làm trung tâm...

TP. HCM buoc vao nam hoc moi: Lay hoc tro lam trung tam
Chờ phụ huynh đón, học sinh Trường Trần Văn Ơn (Q.1) được đọc sách từ tủ sách di động - ẢNH: PHÙNG HUY

1.Tiết học sử của lớp 12A3 Trường THPT Lê Quý Đôn bỗng biến thành một buổi họp báo "quốc tế". Đó là cuộc họp báo hậu chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Gần 40 HS trở thành những "phóng viên quốc tế", liên tục đặt câu hỏi về diễn biến và ý nghĩa của trận đánh này… Vị chủ tọa có nhiệm vụ giải đáp mọi thắc mắc của các “nhà báo” chính là thầy giáo Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên (GV) môn sử

“Trước khi vào giờ học, tôi đưa ra giả định tình huống về buổi họp báo công bố sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 để biến giờ học bình thường trở nên sinh động, lôi kéo HS.

Các em muốn đặt được câu hỏi phải nắm vấn đề, phải tự tìm tài liệu về sự kiện trước. Khi lên lớp, HS mang những vấn đề chưa thỏa mãn ra hỏi, tôi có nhiệm vụ giải đáp, định hướng thông tin cho chính xác. Để HS tự tìm tòi và trải nghiệm, tự khắc các em sẽ hiểu sâu và nhớ lâu”, thầy Đăng Du chia sẻ.

“Dạy sử không phải để HS thuộc lòng, mà dạy để các em biết cách nhớ”, là “câu thần chú” của thầy Nguyễn Viết Đăng Du. Dạy thế nào để HS có thể nhớ vô số sự kiện từ sử ta đến sử thế giới? Làm sao để các em không nhầm lẫn hàng đống số liệu giữa các sự kiện lịch sử san sát nhau? Làm cách nào để HS thôi “chê” sử?

Những câu hỏi ấy cứ nung nấu trong đầu người thầy giáo dạy sử này. Theo thầy, cách duy nhất là phải đổi mới phương pháp, dạy theo chủ đề bằng nhiều hình thức khác nhau như cho HS đóng kịch, thảo luận, thuyết trình, thậm chí sân khấu hóa lớp học thành muôn hình vạn trạng hấp dẫn.

Mỗi bài học sẽ có cách riêng để đi vào lòng HS. Để HS tiếp thu được kiến thức, thầy Du chấp nhận có những bài giảng mà thời gian chuẩn bị nhiều gấp mấy chục lần thời gian lên lớp, chấp nhận những tiết “cháy giáo án”… chỉ nhằm phát huy năng lực của HS.

Thay vì tự mình thuyết trình những con số khô khan về Nhật Bản, thầy Đăng Du nghĩ ra tình huống cho HS đi trên một chuyến bay đến Nhật, đột nhiên máy bay gặp sự cố và đưa tất cả trở lại Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2 - năm 1945.

Từ đó, HS hình dung và trình bày những khó khăn mà đất nước này trải qua sau chiến tranh và con đường tái thiết để trở thành nền kinh tế siêu cường của thế giới…

Khi những em HS lớp 10 bước vào bài học về đất nước Ấn Độ, thầy Du để các em tự do cảm nhận về đất nước này qua sách báo, phim ảnh rồi tự chia thành các nhóm thuyết trình về phong tục, tín ngưỡng, văn hóa, ẩm thực… của Ấn Độ.

Thậm chí, có lớp còn nấu cà ri Ấn Độ để giới thiệu văn hóa ẩm thực của người Ấn đến các bạn học. Ở tiết học tích cực, GV chỉ đưa ra cái sườn, còn cách thể hiện là do HS chủ động.

Không chỉ đổi mới cách dạy, thầy Đăng Du còn “lấy lòng” HS bằng cách kiểm tra không cần học thuộc lòng. Thay vì phải nhớ những sự kiện, người học được viết cảm nhận, vẽ biểu đồ, xem phim và so sánh với bài học.

“Tôi luôn tâm niệm phải biến những giờ học sử thành những giờ HS được thoải mái thể hiện mình. Kể cả khi làm kiểm tra, các em được tự do dùng tài liệu để vẽ sơ đồ tư duy đúc kết bài học. Tôi không lo các em đối phó vì có hiểu mới làm được sơ đồ, càng rút ngắn sự diễn giải càng chứng tỏ các em nắm được trọng tâm vấn đề. Đến bài kiểm tra một tiết về Sài Gòn, tôi thậm chí cho các nhóm tự làm tờ báo để giới thiệu về văn hóa, địa chí của Sài Gòn xưa và nay… Tôi không cần các em thuộc bài, chỉ cần các em hiểu” - thầy Du bộc bạch.

2. Môn hóa học với những lọ hóa chất, phương trình phản ứng đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ nên lớp học của cô Tô Thụy Diễm Quyên, GV Trường THCS Đức Trí (Q.1) không thể có những giờ đóng kịch sinh động.

“Chiêu” để cô Quyên thu hút HS là vận dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Cô dùng các công cụ đa phương tiện như video, trình chiếu powerpoint để giảng bài, cô trò trao đổi bài tập về nhà thông qua chat, email, facebook… như những người bạn.

Cô Diễm Quyên còn cùng các HS thực hiện dự án “Ích lợi và tác hại của hóa chất lên cây trồng và con người. Các biện pháp bảo vệ thực vật nhiễm hóa chất - bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.

HS phải đóng rất nhiều vai khác nhau để hoàn thành chuỗi hoạt động của dự án, phải nắm được phân bón là gì; phải đưa ra các thông số chứng minh sự có mặt của dư lượng phân bón, thuốc tăng trưởng thực vật, thuốc kích thích, thuốc bảo quản cây xanh…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI