Tổn thương người thầy

14/11/2018 - 17:25

PNO - Khi chúng tôi đang ngồi ở phòng giáo viên chuẩn bị vào tiết học thì một phụ huynh xộc vào hỏi: “Các cô cho hỏi ông thầy giáo ốm ốm ở trường này tên là gì vậy?”.

“Có gì không vậy chị?”, một trong số đồng nghiệp của tôi lên tiếng.
“Thì ông thầy đó dạy con tui nhưng tui không biết tên nên hỏi cho biết”, phụ huynh giải thích.

Hỏi rõ thông tin học sinh học lớp nào, chúng tôi cho biết tên thầy giáo. Chỉ cần có vậy, phụ huynh quay lưng bước ra khỏi phòng giáo viên và ném về chúng tôi cái nhìn không thiện cảm. Chúng tôi nhìn nhau ngao ngán. Trong cuộc đời đi dạy, thỉnh thoảng cũng gặp những chuyện trớ trêu, nhưng thầy dạy con mình mà mình không biết tên thì đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp.

Tưởng sự việc chỉ dừng lại ở đó. Ai ngờ, chỉ hai tiết học sau, trường chúng tôi đột ngột đón tiếp đoàn kiểm tra từ phòng GD-ĐT đến xác minh đơn tố cáo của một phụ huynh.

Ton thuong nguoi thay
Truyền thống "tôn sư trọng đạo của người Việt" không chấp nhận những hành vi tùy tiện xúc phạm hình ảnh người thầy

Nội dung đơn tố cáo viết rằng: “Thầy giáo dạy mà nói to quá khiến học sinh sợ”. Thầy giáo bị tố chính là “thầy ốm ốm” và người tố cáo chính là vị phụ huynh đã hỏi tên thầy.

Buổi chiều cùng ngày, đơn tố cáo đã lên đến sở GD-ĐT. Trong đơn, có thêm nội dung “thầy đánh học trò 30 roi”. Không chỉ riêng “thầy ốm ốm” mà cả chúng tôi cũng ngơ ngác trước tội “bạo hành” từ trên trời rơi xuống. Ai cũng biết đây là chuyện đơm đặt vì “thầy ốm ốm” xưa nay nổi tiếng hiền lành và là một thầy giáo có tâm.

Trong buổi đối chất theo yêu cầu của thanh tra sở, phụ huynh yêu cầu con xác nhận chuyện bị thầy đánh. Cậu học trò ngơ ngác trả lời “không có”, rồi co người sợ sệt trước ánh mắt tức giận của người mẹ. Hơn bốn mươi học sinh trong lớp cũng xác nhận không biết gì về việc bạn bị đánh 30 roi.

Sự thật được phơi bày, nhưng phụ huynh không nhận sai, cũng không xin lỗi. Cậu học trò bị phụ huynh cho chuyển trường vì sợ giáo viên đì. Còn người thầy thì phải ôm lấy những tổn thương và tiếp tục đứng lớp.

Học bạ của cậu học trò nhỏ thể hiện mỗi năm một trường cho chúng tôi biết: không chỉ riêng “thầy ốm ốm” làm chủ nhiệm em, mà có lẽ nhiều giáo viên khác cũng đã phải chịu thương tổn. Và những vị phụ huynh thế này, không phải chỉ có một. Thậm chí, có trường hợp đồng nghiệp to tiếng nhắc nhở học sinh thì tối về nhà nhận ngay cuộc điện thoại: “Sao, cô muốn ăn dao hay ăn mã tấu?”.

Bao nhiêu chuẩn mực đặt ra cho giáo viên đồng nghĩa với việc mỗi hành động của chúng tôi, dù vô tình hay cố ý đều bị quy trách nhiệm. Có khi, đó là cái án đeo mang cả đời. Còn trong tình huống ngược lại, không ai có trách nhiệm với những tổn thương về tinh thần của chúng tôi. Chúng tôi phải vượt qua bằng tình yêu với nghề, với học trò. 

Nguyệt Minh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI