Tôi đi, trong khúc hát 'xênh xang đò đầy'…

29/05/2017 - 09:38

PNO - Một đời gắn với nghề “đưa đò”, có lẽ nhà giáo làm được nhiều, thật nhiều những điều như chị từng làm,chắc không nhiều. Hiếm có hiệu trưởng nào được học trò, đồng nghiệp yêu thương quý trọng đến vậy!

Những ngày cuối tháng 5/2017 của trường THPT Gia Định (TP.HCM) ngập tràn cảm xúc. Không chỉ là cảm xúc vào hè, cảm xúc chia tay, mà là cảm xúc về sinh nhật lần thứ 55 của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Cúc. 

Toi di, trong khuc hat 'xenh xang do day'…

Cô không chỉ là cô hiệu trưởng…

Học trò yêu thương gọi cô Cúc là “người phụ nữ xinh đẹp nhất, quyền lực nhất ở Gia Định”, là “trái tim” kết nối bao tình cảm ấm áp, yêu thương. Bởi thế, việc cô tạo trang facebook để kết nối, tâm sự với học trò ngay trước sinh nhật đã trở thành một niềm vui đặc biệt với học trò. Và trang cá nhân của cô ngay lập tức đã “dậy sóng”, ngập tràn yêu thương.

Ở đó, có một clip chúc mừng sinh nhật cô được thực hiện vào sáng 25/5 tại sân trường với hàng ngàn quả bong bóng bay đủ màu sắc đồng loạt bay lên từ khắp các dãy phòng học, và cô Cúc đứng giữa sân trường nhận lời chúc mừng của học trò yêu quý. Hẳn nhiên, học trò hiểu sau sinh nhật này, cô sẽ nghỉ hưu, nhưng hàng trăm lời chúc không nói đến chữ “chia tay” bởi không ai muốn thế…

Sáng hôm sau, 26/5, trường tổ chức lễ chia tay HS khối 12 nhưng rất nhiều cựu HS các khóa trước cũng tề tựu, bởi họ có cùng cảm nghĩ sau ngày này sẽ khó có dịp gặp lại cô - người họ kính trọng gọi là “Mẹ hiền”, là “Idol” của bao thế hệ HS Gia Định.

Bài phát biểu của cô chỉ vỏn vẹn 272 chữ nhưng cảm xúc đong đầy. Rồi cô vòng tay ôm từng đứa học trò lớp 12. Trước những nụ cười và nước mắt hạnh phúc, có bạn trai giấu mặt quay đi, có bạn gái đưa khăn chấm vào khóe  mắt.

Trên facebook học trò tràn đầy những lời hay ý đẹp về cô Cúc. “Con nhớ lắm cái cách cô phát biểu ngày tụi con chập chững vào trường và cách cô tiễn tụi con ngày ra trường. Phát biểu chia tay dưới sân rồi cô còn lên tận từng lớp để nói lời tạm biệt” - bạn Trân Ngô, cựu HS của trường viết.

Bạn Trương Hoàng Mi hồi tưởng: “Nhớ nhất lần con nhờ cô viết mấy dòng vào lưu bút của con, cô biết cả tên con khi con chưa kịp nói. Cô viết cảm ơn H. Mi dù học ban D. nhưng đã học tốt môn Hóa của cô”.

HS Phương Nguyên viết: “Cảm ơn cô đã cho chúng con mọi thứ ở ngôi nhà này. Cảm ơn cô đã cho con hành trang và ngọn lửa để con tìm lại đam mê đã 
đánh mất”!

Rất nhiều học trò gọi cô Cúc là người “Mẹ lớn”, là thần tượng tuyệt vời và lớn lao chứ không đơn giản là một hiệu trưởng. Nhờ có cô mà ba năm THPT của các em trở thành ba năm đẹp nhất tuổi học trò và các em  hiểu tại sao các đàn anh đàn chị bảo: Gia Định là Gia Đình! 

Tôi đã sống với những thăng trầm của Gia Định

Cô Cúc nói rằng: “Ngày chia tay, tôi đem theo cho mình thật nhiều cảm xúc lưu luyến, yêu thương… Song điều quý giá nhất trong tôi là niềm tin, tự hào về Gia Định”. Ngôi trường ấy, học trò yêu thương gọi là “ngôi nhà chật hẹp, đông con” nhưng lại là nơi nuôi dưỡng lòng nhân ái, ước mơ, nghị lực.

Chị Ngô Thanh Liên, hiệu trưởng một trường tiểu học, từng có con học ở ngôi trường này nhận định: “Trường nhỏ hẹp nhưng tinh tươm, sạch sẽ đến từng ngóc ngách, đó là dấu ấn của một nữ hiệu trưởng”.

Còn chị Thu Ngọc, có con trai đã tốt nghiệp hai năm trước vẫn xuýt xoa: “Trường đó có những giáo viên (GV) chủ nhiệm rất tốt, quan tâm đến sức khỏe, tình cảm và thái độ học tập lên xuống từng ngày. Ngôi trường ấy cũng chăm chút rất kỹ cho những ước mơ. Vào lớp 10 các em đã được khảo sát kỹ xem muốn làm nghề gì rồi theo dõi xem ước mơ ấy có tương đồng với thực lực. Ngôi trường ấy, được đánh giá có nhiều GV thâm niên giỏi nghề và những GV trẻ không ngừng tiến bộ. Ngôi trường ấy có những thầy cô như những người bạn, người mẹ, người cha thân thiết mà học trò có thể trao đổi mọi chuyện khi cần”.

Ở trong tập thể ấy cô Cúc đã có những đồng nghiệp cùng nhau chia sẻ, gánh vác công việc và xây đắp hình ảnh Gia Định… Và ngược lại, đồng nghiệp cũng có cô - một điểm tựa của niềm tin nghề nghiệp. 

Với 33 năm cống hiến cho ngành giáo dục, 27 năm gắn bó với trường THPT Gia Định, cô Cúc nói: “Tôi đã sống với những thăng trầm của Gia Định”. Nhưng đúng hơn, cô đã sống với những thăng trầm của ngành giáo dục trong suốt thời gian dài. Những lần họp ngành, người ta nhớ những phát biểu thẳng thắn, thực tế và thuyết phục của cô. Trên cương vị là Đại biểu Quốc hội khóa 12 (2007-2011), người ta lại thấy cô đau đáu với những vấn đề của ngành.

Gặp gỡ, cô Cúc ngại nói về bản thân mình mà chỉ muốn nói những chuyện chung của ngành hay nói về ngôi trường THPT Gia Định thân yêu, nơi cô được làm một nhà giáo đúng nghĩa và trọn vẹn; một hình mẫu nhà giáo gần gũi và giàu yêu thương để tự hào ra đi trong khúc hát “xênh xang đò đầy”. 

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc từng là giáo viên dạy Hóa ở trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn) thời tôi làm hiệu trưởng nên tôi biết cô ấy là một người hết sức trách nhiệm, nhiệt tình, gắn bó với trò, với lớp. Khi cô ấy về trường THPT Gia Định, cô ấy vẫn là người tận tâm, tận lực với học trò. Với đồng nghiệp, cô Cúc khéo léo lôi kéo họ cùng vào việc bằng tình cảm và sự nhiệt tìnhcủa chính mình, chứ không phải bằng quyền uy. Một người như thế thì được học trò yêu mến, đồng nghiệp quý trọng cũng là lẽ tất nhiên.

Từng được Sở GD-ĐT đưa vào diện quy hoạch làm Phó giám đốc giai đoạn 2005-2010 và sau đó định đưa về làm Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nhưng cả hai lần cô Cúc đều từ chối chỉ để được gắn bó với Gia Định. 

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM


Tầm Xuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI