Tích hợp Lịch sử: Chuyên gia kiên quyết quan điểm, Bộ GD kêu oan

16/11/2015 - 07:02

PNO - Một cuộc hội thảo chưa từng có về môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông đã diễn ra trong buổi sáng ngày 15/11.

Tich hop Lich su: Chuyen gia kien quyet quan diem, Bo GD keu oan
Hội thảo "Lịch sử trong giáo dục phổ thông"

Ngày 15/11, Hội thảo "Lịch sử trong giáo dục phổ thông" do Hội khoa học Lịch sử Việt Nam được tổ chức đã thu hút đông đảo các vị chuyên gia Lịch sử hàng đầu, nhiều giảng viên của các trường đại học, cao đẳng, giáo viên của một số trường THPT cùng một số sinh viên, người yêu môn Lịch sử tham dự.

Về phía Bộ GD có sự tham gia của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Bộ trưởng GD Phạm Ngũ Luận được mời tham dự, tuy nhiên ông Luận đã gửi lời xin lỗi không thể tham dự vì có buổi làm việc với Thủ tướng NewZealand.

Cuộc tranh luận này đã diễn ra cách đây hơn 3 tháng cho đến tận hôm nay (15/11): Một bên là Bộ GD-ĐT, một bên là các nhà khoa học, đa số các giáo viên Lịch sử khối THPT.

Chuyên gia kiên quyết quan điểm

Đây được đánh giá là cuộc hội thảo khoa học đặc biệt nhất trong Lịch sử GD khi mà mọi quan điểm đều bị dồn về một hướng "Lịch sử phải là môn học cơ bản, bắt buộc và đứng độc lập".

Tich hop Lich su: Chuyen gia kien quyet quan diem, Bo GD keu oan
GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Mở đầu cho quan điểm này là bài phát biểu của GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, Hội sử học sẽ tranh luận đến cùng về việc Lịch sử phải là môn học độc lập.
 
“Chúng tôi cho rằng, trước hết Sử phải là môn học độc lập. Việc nhặt một vài kiến thức lịch sử ghép vào môn Giáo dục công dân và Quốc phòng - an ninh sẽ làm người học hiểu méo mó về lịch sử. Thậm chí không hiểu đúng về lịch sử. Bởi Lịch sử mang tính hệ thống, toàn diện, nó diễn ra như một dòng chảy...", GS Lê nói.

Tiếp đó, trong bài phát biểu của mình, GS Vũ Dương Ninh (ĐHQG Hà Nội) cũng bày tỏ ý kiến: “Từ trước đến nay, chưa bao giờ Bộ GD có một văn bản, một chỉ thị nào coi nhẹ môn Sử hoặc loại bỏ môn Sử cả. Nhưng cuộc sống thực tế hoàn toàn khác, vị trí của môn Sử và một vài môn khác bị đẩy lùi dần thành môn phụ. Trên thực tế và đến nay, nó mất tên chính danh trong chương trình THCS dưới cái vỏ Công dân với tổ quốc.

Nó bị lẫn vào môn Khoa học xã hội (tự chọn) trong chương trình cho học sinh theo phân ban KHTN và chỉ còn là môn học chính thức đối với học sinh chọn phân ban KHXH. Có nghĩa rằng, lớp trí thức trẻ tương lai (trừ số ít chọn ngành KHXH) sẽ không hiểu hoặc hiểu biết lơ mơ về lịch sử của dân tộc mình, về lịch sử của đất nước mình”, GS Ninh nói.

Tich hop Lich su: Chuyen gia kien quyet quan diem, Bo GD keu oan
Cô Nguyễn Thị Minh Hải (giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc) phát biểu tại hội thảo.

Đồng quan điểm phản đối tích hợp môn lịch sử, PGS. TS. Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN) đặt nghi vấn:

"Lịch sử là một bộ môn khoa học, giáo dục lịch sử phải là giáo dục tri thức khoa học. Thế nhưng, một cán bộ có trách nhiệm xây dựng Dự thảo chương trình cho rằng, "môn Lịch sử không thể biến thành khoa học Lịch sử, đây là phần dành cho những nhà nghiên cứu" thì quả là một nhận thức mơ hồ, lệch lạc".

"Nếu như giáo dục Lịch sử không phải là giáo dục những tri thức khoa học thì giáo dục cái gì?", ông Hiển bức xúc.

Tham gia đóng góp ý kiến, GS.TS.Đỗ Thanh Bình (Trường ĐH SPHN) phát biểu: “Chúng tôi nghĩ rằng, có những vấn đề đặt ra mà những người làm chương trình phải tính toán lại, đừng chỉ vì cố hoàn thành dự án mà để lại hậu quả, sẽ tác động không tốt tới xã hội".

Theo đó, GS Bình cho rằng, chương trình vừa mới “thai nghén”đã gặp phải nhiều ý kiến tâm huyết, trái chiều, liệu khi hoàn thành, đưa vào thực tiễn, nó sẽ trụ được bao lâu. "Giáo dục không thể là nơi thí nghiệm", cô nhấn mạnh.

Không chỉ chuyên gia lên tiếng, mà đông đảo các giáo viên dạy Lịch sử ở các trường THPT cũng phát biểu. Cô Nguyễn Thị Minh Hải (GV Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc) cho hay, hơn 20 năm đi dạy cô chưa từng thấy HS quay lưng với môn Sử, nhưng các em không học để đi thi là đúng bởi do hiện nay có quá ít trường tuyển sinh khối C.

So sánh việc để Lịch sử là môn tự chọn, cô Hải đưa ra ví dụ hài hước, nó giống như “Nếu hỏi trẻ con ăn bim bim hay ăn cơm, chơi điện tử, đọc truyện tranh hay học, thì câu trả lời như thế nào đã biết”…

Thứ trưởng GD Nguyễn Vinh Hiển "kêu oan"

Tich hop Lich su: Chuyen gia kien quyet quan diem, Bo GD keu oan
Thứ trưởng GD Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo.

Sau khi nghe các chuyên gia GD phân tích gay gắt, bày tỏ quan điểm và được vỗ tay tán thành thì thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, lý do dẫn đến quan điểm gay gắt về việc tích hợp môn Lịch sử là nhiều người đã chưa nghiên cứu kỹ tài liệu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI