Thực phẩm bẩn bao vây trường học: Học sinh phải... tự cứu mình?

29/11/2016 - 06:44

PNO - Hàng chục học sinh tại huyện Nhà Bè, TP.HCM nôn ói, đau bụng, nghi bị ngộ độc do uống một loại sữa trái cây được phát miễn phí ngoài cổng trường.

Hàng chục học sinh tại huyện Nhà Bè, TP.HCM nôn ói, đau bụng, nghi bị ngộ độc do uống một loại sữa trái cây được phát miễn phí ngoài cổng trường. Vụ việc một lần nữa khiến phụ huynh và nhà trường giật mình với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngoài cổng trường.

Thoải mái bán, vô tư phát 

Anh Nguyễn Tuấn - phụ huynh học sinh (HS) lớp 6/3, Trường THCS Phước Lộc (số 423/2 Đào Sư Tích, ấp 3, xã Phước Lộc, H.Nhà Bè, TP.HCM) cho biết: Vào giờ ra chơi chiều 25/11, con anh cùng bạn bè được một nhóm nhân viên tiếp thị ngoài cổng trường phát không chai sữa trái cây màu cam. “Con gái tôi còn cầm chai sữa trên tay, chưa kịp uống hết thì đã đau bụng, ói, nhức đầu. Bạn của cháu còn bị sốt, tiêu chảy”, anh Tuấn nói và kể rằng, khi nhận được tin báo của nhà trường, anh lập tức tới đưa con vào bệnh viện huyện.

Thuc pham ban bao vay truong hoc: Hoc sinh phai... tu cuu minh?
Chai sữa mà anh Nguyễn Tuấn - phụ huynh học sinh lớp 6/3, trường THCS Phước Lộc - cho rằng con anh đã uống khi được phát miễn phí trước cổng trường - Ảnh do nhân vật cung cấp

Anh Tuấn cũng cho chúng tôi xem chai sữa con anh đã uống. Anh bức xúc: “Tôi không thể chấp nhận cách làm ăn của công ty sữa này. Những chai sữa họ phát không hề ghi hạn sử dụng là thấy làm ăn dối rồi. Cơ quan chức năng phải vào cuộc để bảo vệ sức khỏe HS”.

Khu vực gần các trường học luôn là địa bàn màu mỡ để các đơn vị kinh doanh thực phẩm tiếp thị sản phẩm. Trước đó, tại cổng trường THCS Hồng Bàng (Q.5), chúng tôi bắt gặp cảnh nhân viên tiếp thị trà bí đao đang phát nước uống cho HS. Hàng trăm HS nhanh chóng ùa ra, thay phiên nhau dùng thử. Nước trà bí đao được đựng trong những chai nhựa loại 1,5 lít không có nhãn mác và được ướp lạnh trong một thùng xốp lớn. Nhân viên tiếp thị rót từ chai vào ly nhựa cho các em.

Trò chuyện với chúng tôi, một nhân viên tiếp thị tiết lộ: “Cửa hàng của tụi em ở gần đây. Tụi em mới kinh doanh sản phẩm này nên mang cho HS dùng thử để các em mua. Nước do cửa hàng tự làm nên rất an toàn và tốt cho sức khỏe”. Việc tiếp thị diễn ra ở bên ngoài trường nên không cần xin phép nhà trường.

Không chỉ các cửa hàng nhỏ, nhiều doanh nghiệp lớn khi ra mắt hoặc quảng bá sản phẩm cũng tìm đến các trường học. Doanh nghiệp còn tranh thủ “đẩy” những sản phẩm gần hết hạn sử dụng để tiếp thị, xem như một cách “xả hàng”.

Chị Kim Huệ (có con đang theo học tại trường THCS Diên Hồng, Q.10) bức xúc: “Cách đây hơn một tháng con trai tôi mang ba hộp sữa về nhà. Tôi hỏi thì con cho biết số sữa trên nhận được từ các cô chú tiếp thị phát ở cổng trường. Tôi kiểm tra thử thì phát hiện số sữa trên có nhãn hiệu rất lạ và gần hết hạn sử dụng. Không hiểu sao người ta lại đem một sản phẩm gần hết hạn tiếp thị cho HS”.

Ngày 27/11, chúng tôi đến một điểm bán hàng ăn uống bên ngoài trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10). Tại đây, loại trái cây sấy khô đóng gói được rất nhiều HS ưa thích. Theo tiết lộ của chủ quán thì mỗi ngày cửa hàng này bán được hàng trăm túi trái cây sấy khô.

Người chủ bán hàng khẳng định, đây là những loại thực phẩm an toàn vì có bao bì và nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, khi chúng tôi mua thử một vài loại sản phẩm sấy khô sau đó dùng smartphone kiểm tra mã vạch của những sản phẩm này thì không hiển thị nguồn gốc.

Thuc pham ban bao vay truong hoc: Hoc sinh phai... tu cuu minh?
Học sinh thích thú với gánh hàng rong gần trường Lê Chí Trực, Q.3

Xui thì... chịu!

Anh Nguyễn Văn Khoa, người chuyên phân phối các mặt hàng quà vặt vào trường học ở khu vực Q.Gò Vấp và Q.Bình Thạnh tiết lộ: “Bán mấy món đồ ăn vặt cho tụi nhỏ , tiếng là lượm bạc cắc nhưng “khó ăn” lắm. Hàng cần đáp ứng hai yếu tố cơ bản: rẻ và ngon. HS không có nhiều tiền, chỉ quan tâm đến đồ ăn, thức uống giá rẻ. HS cũng chưa có trải nghiệm nên không nhận diện được nguy cơ mất an toàn thực phẩm bằng cảm nhận thông thường, chỉ thấy màu bắt mắt, vị thật ngọt, thật chua hoặc thật cay là mua. Ăn uống mấy thứ đó , HS nếu xui thì ... phải chịu thôi”.

Cả gia đình sống bằng nghề chế biến quà ăn vặt bán ở trường học, chị Đỗ Thị Mười (ngụ Q.Phú Nhuận) chia sẻ: “Nước đóng chai của các hãng nổi tiếng khó bán, nhưng những loại nước ngọt, sirô “nhà làm”, bán mỗi ly 5.000đ thì hút hàng. Sirô được pha từ hương liệu mua từ chợ hóa chất, trà sữa trân châu thì được pha từ nguyên liệu Trung Quốc. Giờ ra chơi bán qua khe cửa, giờ ra về thì bán không xuể. Trẻ con đi học thường đua nhau mua những món ăn vặt rẻ tiền. Tôi nói thật, bán đồ cho trẻ con là dễ nhất vì chúng chẳng bao giờ săm soi”.

Thực tế cho thấy, Ban giám hiệu các trường hầu như buông việc kiểm soát việc buôn bán, hoạt động tiếp thị sản phẩm ngoài cổng trường. Ngay như sự việc ngộ độc nghiêm trọng xảy ra ở cổng trường THCS Phước Lộc, hiệu trưởng nhà trường cũng “lơ mơ”.

Ông Cao Văn Võ Kiêm Toàn - Hiệu trưởng trường THCS Phước Lộc cho biết, sau giờ nghỉ trưa ngày 25/11, 18 HS của trường chỉ có dấu hiệu bị đau bụng chứ không nôn ói, nhức đầu, hay sốt, tiêu chảy (?). Trong khi đó, thực tế các phụ huynh phản ánh, nhiều em nôn ói và phải vào phòng y tế xin thuốc uống? Ông Toàn cho biết thêm, nhà trường cũng đã làm việc với đại diện công ty sữa, đồng thời báo cáo lên Phòng Y tế và Phòng Giáo dục - Đào tạo H.Nhà Bè. Công an xã Phước Lộc cũng đã đến lập biên bản.

Chiều 27/11, chúng tôi liên hệ với BS Đỗ Thái Bình - Trưởng phòng Y tế H.Nhà Bè và được ông xác nhận, “Sữa trái cây hương cam” của Công ty cổ phần Sữa Quốc Tế chính là sản phẩm đã phát miễn phí cho HS trường THCS Phước Lộc uống vào ngày 25/11 khiến 18 HS bị đau bụng.

“Chưa thể kết luận mà chỉ nghi ngờ đây là một vụ ngộ độc do sữa. Chúng tôi đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế TP.HCM điều tra, lấy mẫu sữa đưa đi kiểm nghiệm, phải chờ khoảng một tuần mới có kết quả”, ông Bình nói.

Thuc pham ban bao vay truong hoc: Hoc sinh phai... tu cuu minh?
Học sinh một trường tiểu học tại TP.HCM mua quà vặt trong giờ ra chơi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài phát sữa miễn phí cho HS trường THCS Phước Lộc, nhóm tiếp thị còn phát cho các hộ dân xung quanh. Giải thích việc phát những chai sữa không có nắp, nhân viên công ty nói với một cơ quan báo chí rằng, họ muốn giữ nắp lại để làm cơ sở dữ liệu đánh giá và muốn chắc chắn việc phát sữa là để uống chứ không mang đi làm việc khác.

Cô Nguyễn Kim M., phó hiệu trưởng một trường cấp II ở Q.Bình Thạnh chia sẻ: “Trường chúng tôi tận dụng các cơ hội tiếp xúc phụ huynh để nhắn nhủ họ chỉ dẫn con em cách nhận biết thực phẩm độc hại, tránh xa những thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, với những loại thực phẩm được phát miễn phí ở cổng trường, HS cần xem rõ xuất xứ, thành phần và hạn sử dụng. Trường khó quản hết được, chủ yếu là HS tự cứu mình thôi”.

N.Anh - S.Vinh - T.Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI