Thiếu hàng chục ngàn giáo viên đứng lớp: Vì sao?

05/09/2018 - 06:39

PNO - Vừa bước vào năm học mới, thống kê chưa đầy đủ ở 43 tỉnh, thành đã thiếu khoảng 76.000 giáo viên. Không thể đổ lỗi do dân số tăng nhanh mà do chính sách dự báo nguồn nhân lực có vấn đề, thiếu tầm nhìn quy hoạch...

Cấp học nào cũng thiếu

Trong số 76.000 giáo viên (GV) đang thiếu thì bậc mầm non (MN) thiếu trên 43.000 người, tiểu học thiếu gần 19.000 người. Riêng bậc THCS và THPT xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ. Bậc THCS thiếu 10.000 người nhưng đồng thời cũng lại thừa 12.000 người. Bậc THPT thiếu trên 3.000 người. Thống kê này chưa đầy đủ nhưng đã cho ra con số rất kinh khủng.

Thieu hang chuc ngan giao vien dung lop: Vi sao?
Ngành giáo dục cho rằng thiếu giáo viên còn do tăng dân số

Hiện tại, rất nhiều địa phương thiếu GV MN, trầm trọng nhất là ở Điện Biên và đồng bằng sông Cửu Long. Tại tỉnh Hà Tĩnh, do thiếu 800 GV MN nên hơn 1.000 trẻ không được đến trường. Tại Phú Quốc, năm học mới có gần 2.000 học sinh tăng thêm nhưng các trường không thể tách thêm lớp vì còn thiếu 156 GV. 

Tại tỉnh Trà Vinh có gần 27.000 trẻ MN, trong đó có hơn 10.000 trẻ năm tuổi, nhưng chỉ có hơn 1.200 GV, thiếu khoảng 566 GV. 

Đào tạo thừa nhưng sao vẫn tuyển thiếu?

Cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp có đào tạo GV (trong đó 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm. Với từng ấy đơn vị đào tạo, mỗi năm không dưới vài chục ngàn GV ra trường. Cho nên về lý thuyết GV sẽ thừa rất nhiều chứ không thiếu.

Tại TP.HCM, nơi tập trung nhiều trường đào tạo GV, thế nhưng chuyện tuyển GV ở các cấp học cũng không dễ dàng. Đầu năm 2018, Q.Tân Phú cần tuyển 44 GV tiếng Anh nhưng chỉ có khoảng 10 hồ sơ ứng tuyển. Tương tự, Q.Bình Tân và nhiều quận, huyện khác cũng đau đầu vì thiếu GV tiếng Anh bậc tiểu học.

Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc sở, lên tiếng: thành phố dù rất phát triển về dạy ngoại ngữ nhưng gặp khó khăn khi muốn giữ chân và bổ sung chế độ cho đội ngũ GV tiếng Anh, nhất là GV tiếng Anh dạy tiểu học. Theo quy định mới nhất của Bộ GD-ĐT, GV tiếng Anh bậc tiểu học phải hoàn thành đủ định mức 23 tiết dạy/tuần mới được hưởng phụ cấp phụ trội. Quy định này không những thiếu tính thu hút mà còn khiến số lượng GV tiếng Anh bỏ việc nhiều.  

Nhiều nhà giáo dục cho rằng, thiếu GV là thực tế được dự báo trước. PGS-TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM - nói: “Cách đây 5-7 năm, ngành giáo dục TP.HCM đã đặt hàng trường sư phạm đào tạo khoảng 7.000 GV MN. Tính ra, trên bình diện cả nước vào thời điểm đó có lẽ phải thiếu tầm 70.000. Mấy năm qua cố gắng đào tạo bù cũng không đủ, bây giờ còn thiếu khoảng 40.000 là không nhiều. Với lại, cách tính thiếu hiện nay là đang tính trên sĩ số đông. Nếu tính theo sĩ số chuẩn thì số GV còn thiếu trầm trọng hơn. Chính sách dự báo nguồn nhân lực ở ta có vấn đề, thiếu tầm nhìn quy hoạch. Đổ thừa dân số tăng nhanh là không đúng, vì nhìn vào cấu trúc dân số sẽ thấy tỷ lệ sinh đâu có tăng”. 

Cán cân cung - cầu không khớp

Vấn đề thiếu GV có lẽ bắt nguồn từ khâu sau đào tạo, đó là tuyển dụng và sử dụng. Nhiều người khẳng định, đây là khâu có quá nhiều lỗi, mà toàn là… lỗi hệ thống. Người ta vẫn truyền tai nhau về chuyện để trở thành GV biên chế ở trường công thường phải tế nhị, biết chuyện “đầu tiên”, chứ không hẳn phụ thuộc vào yếu tố năng lực.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng đặt vấn đề: ai là người tuyển dụng khi mà bộ trưởng từng nói, ông có được quyền tuyển một GV nào đâu? Ở địa phương thì đã có sở nội vụ, sở GD-ĐT. GV phải thi tuyển, ngoài chuyên môn còn phải vượt qua kỳ thi công chức. Đó là chưa kể rào cản khác như hộ khẩu. Rồi chính sách định biên cũng đang gây khó khăn cho cả người muốn làm GV và đơn vị cần tuyển GV, bởi những người làm ra chính sách thường không trực tiếp làm giáo dục nên chưa hiểu hết hoạt động của cơ sở giáo dục.

Chẳng hạn, với GV tiếng Anh bậc tiểu học, khi chưa có Thông tư 28, họ được trả 50.000 đồng/tiết, tính từ tiết đầu tiên, dạy bao nhiêu tiết hưởng bấy nhiêu tiền. Nhưng khi áp dụng Thông tư 28, định mức tiết dạy nghĩa vụ của GV tiếng Anh trong một tuần phải là 23 tiết và không được thù lao tiết dạy trong khi đây là chương trình học có thu thêm học phí (80.000 đồng/tháng/học sinh) khiến GV mất một phần thu nhập không nhỏ.

Thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ rõ chuyện thiếu GV là do chính sách tuyển dụng, bố trí sử dụng người chưa thực sự hiệu quả; chế độ đãi ngộ sau khi tuyển có vấn đề. Thu nhập không đảm bảo cuộc sống tối thiểu thì kể cả đã học xong sư phạm, nhiều người vẫn né trở thành thầy cô giáo. Cán cân cung - cầu của đào tạo sư phạm không khớp, môn thì quá thiếu người dạy, môn thì học xong ra tìm mãi không có việc làm. Có nhiều GV mới ra trường phải kiêm nhiệm làm giám thị hoặc công tác khác để chờ ngày được dạy… chính môn. Những nguyên nhân này không mới nhưng đến nay vẫn chưa thể gỡ được. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI