Thi vào lớp 10 công lập còn căng hơn thi vào đại học

26/04/2017 - 08:25

PNO - Ở kỳ tuyển sinh năm nay, áp lực càng cao hơn khi có đến 81.000 HS lớp 9 cạnh tranh vào khoảng 63.000 chỉ tiêu. Để không trở thành “người thua cuộc”, cả HS và nhà trường phải cùng gồng mình ôn tập, luyện thi.

Gần 20.000 học sinh (HS) lớp 9 tại TP.HCM sẽ không đậu vào lớp 10 của trường công lập. Viễn cảnh này buộc các trường trung học cơ sở (THCS) và phụ huynh HS phải cân nhắc để tư vấn cho con em chọn nguyện vọng (NV) an toàn, né những trường tốp đầu thu hút nhiều thí sinh.

Thi vao lop 10 cong lap con cang hon thi vao dai hoc
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) trao đổi trực tuyến về đăng ký NV thi vào lớp 10

Cân nhắc từng li 

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM cho biết, hạn chót để HS nộp hồ sơ đăng ký NV là ngày 29/4 nhưng đến thời điểm này, hầu hết HS lớp 9 đã hoàn tất việc lựa chọn trường dự thi. “Chiến thuật” chung của các trường THCS năm nay là tập trung cho mục tiêu an toàn. Trong thời điểm then chốt này, nhà trường phải tư vấn, định hướng cho từng phụ huynh, HS, cân đo từng điểm một để chắc suất vào lớp 10 công lập. 

Trường THCS Hoàng Lê Kha (Q.6) chủ yếu định hướng cho HS đăng ký vào các trường THPT trên địa bàn quận nhưng phải “né” trường “nổi” nhất quận là THPT Mạc Đĩnh Chi. Trong số 230 HS lớp 9, có khoảng 80% đăng ký thi tuyển vào lớp 10 công lập, số còn lại chủ động  đi theo hướng nghề phù hợp với điều kiện kinh tế và sức học của mình.

Thầy Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: HS đăng ký nhiều nhất vào các trường THPT Nguyễn Tất Thành, Bình Phú và Phạm Phú Thứ; rất hiếm HS đăng ký vào THPT Mạc Đĩnh Chi và các trường tốp đầu, trường chuyên vì năm nay, khả năng rớt rất nhiều nên phải lượng sức. Nhà trường và gia đình phải tư vấn cho HS thi vào trường vừa sức, không dám định hướng vào trường tốp đầu, để tránh “nguy hiểm”. Trường THPT Mạc Đĩnh Chi thuộc trường tốp đầu khu vực Q.6 và Q.11 nên tính cạnh tranh rất cao.

Thầy Vũ Vạn Xuân, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) cho biết, trong gần 700 HS lớp 9 của trường, đa số chọn vào trường THPT Lê Quý Đôn, những em học lực không khá lắm thì chọn vào trường THPT Marie Curie, số ít còn lại chọn vào trường chuyên, lớp chuyên, trường tốp đầu như THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Thị Xuân.

Do học lực của HS đa dạng nên trường có kế hoạch tuyển riêng, hướng dẫn đến từng phụ huynh cách chọn trường dựa trên học lực của từng HS. Thậm chí, trường phải tổ chức hai lần họp phụ huynh  để hướng dẫn về tuyển sinh lớp 10 với công thức: lấy tổng điểm văn, toán (hệ số 2) và tiếng Anh rồi trừ 2-3 điểm để đưa ra NV1 vừa sức. 

Với trường hợp HS thích một trường vượt quá khả năng, nhà trường vẫn để các em chọn NV1 nhưng chỉ được quá sức tối đa 2 điểm thôi, và chọn NV2 vào trường có điểm chuẩn thấp hơn 5 điểm cho chắc. Trường còn tư vấn cho HS chọn trường theo địa bàn nơi bố mẹ làm việc, hoặc theo người thân ở khu vực ngoại thành. Những HS không đủ sức vào trường trung tâm có điểm chuẩn cao thì buộc phải đi xa… 

Với áp lực phải bảo đảm tỷ lệ đậu cao, cả nhà trường lẫn người học đều phải căng mình tính toán chi li đến từng điểm, từng phẩy để đảm bảo cơ hội vào lớp 10, dù đó có thể là trường xa nhà, trường không yêu thích nhất…

Thi vao lop 10 cong lap con cang hon thi vao dai hoc
 

Ở Q.1 và Q.3 có các trường THPT tốp trên lấy điểm chuẩn rất cao nên chỉ những HS học thật giỏi, có điểm tổng kết học kỳ I các môn từ 9 điểm trở lên mới chọn vào. Những em đạt từ 8,5 - dưới 9 điểm có thể chọn trường ở tốp 2 như  THPT Trưng Vương, Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh. Những HS trung bình, khá, buộc phải chọn trường ở tốp thấp hơn. 

Tỷ lệ chọi gần như không dự đoán được

Với cuộc thi tuyển sinh vào lớp 10, các trường THCS đều phải cử giáo viên có nhiều năm cọ xát cuộc đua này đảm nhiệm việc tính toán, phân tích dữ liệu điểm chuẩn - tỷ lệ chọi để đưa ra “chiến thuật” cho HS.

Nhiều năm hướng dẫn HS chinh chiến tại đấu trường tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM, hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1 so sánh: “Áp lực của cuộc thi tuyển lớp 10 rất căng thẳng, so với thi vào đại học thì các em HS lớp 9 rõ ràng vất vả, căng thẳng hơn nhiều. Các em phải đăng ký NV trước khi thi nên mông lung lắm, điểm số học kỳ chỉ là một dữ liệu tham khảo thôi, không chắc chắn đâu. Tỷ lệ chọi gần như không dự đoán được. Hơn nữa, phụ huynh không dễ chấp nhận việc con mình rớt lớp 10. Bởi vậy, ngoài tính toán việc chọn trường, các trường phải ra sức ôn luyện cho HS từ rất sớm”. 

Ở kỳ tuyển sinh năm nay, áp lực càng cao hơn khi có đến 81.000 HS lớp 9 cạnh tranh vào khoảng 63.000 chỉ tiêu. Để không trở thành “người thua cuộc”, cả HS và nhà trường phải cùng gồng mình ôn tập, luyện thi. Một số trường lên kế hoạch ôn tập cho HS trong suốt học kỳ II, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra với cấu trúc đề như thi vào lớp 10 để phân loại HS. 

Ngoài đảm bảo dạy theo chương trình chính khóa, vào buổi chiều, Trường THCS Lạc Hồng (Q.10), tăng cường ôn tập để HS nắm vững kiến thức, bám sát chủ trương ra đề theo hướng mới. Trường THCS Lê Quý Đôn đã tăng tiết cho hai môn văn và toán từ đầu học kỳ; sau thi học kỳ II, trường sẽ căn cứ vào kết quả để xem xét lịch tăng tiết ba môn thi cho phù hợp. Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh) cũng tăng tiết phụ đạo cho khoảng 20% HS lớp 9 có học lực yếu.

Theo thông báo của Sở GD-ĐT TP.HCM, đến ngày 5/5, sở sẽ công bố số liệu thống kê ban đầu về các NV, phụ huynh và HS có thể điều chỉnh NV ưu tiên. Do đó, hiện nay, các trường cũng vừa ôn tập vừa nghe ngóng thông tin để hướng dẫn HS điều chỉnh NV.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI