Thí sinh 'bị' sửa điểm im lặng, thêm lỗ hổng của ngành giáo dục

19/04/2019 - 08:37

PNO - Tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho con cháu mình, gây bất công với người khác cũng chính là hành vi bạo lực học đường mà những bậc phụ huynh đã giáng xuống cho con em mình.

Trong vụ việc này, sự im lặng của các thí sinh “bị” sửa điểm lại cho thấy thêm một lỗ hổng nữa của ngành giáo dục hiện nay.

Trong cơn địa chấn gian lận điểm thi tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang có phải những thí sinh “bị” sửa điểm là nạn nhân của vụ việc?

Thi sinh 'bi' sua diem im lang, them lo hong cua nganh giao duc

Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT thực hiện nhiệm vụ tại Hà Giang

Trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: "Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc tại tất cả điểm thi trên toàn quốc. Đến nay, kỳ thi đạt được mục tiêu đề ra, an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng, được nhân dân ở các địa phương đặc biệt ủng hộ. Kỳ thi được đánh giá thành công tốt đẹp...". 

Sau phát biểu của ông được vài ngày thì những bê bối của kỳ thi lần lượt lộ ra. Các điểm thi bị “cưỡng bức” một cách thô bạo. Có những thí sinh chỉ vỏn vẹn 1 điểm/3 môn đã được hô biến thành 27,5 điểm/3 môn, nhưng các em lại chẳng hề hay biết hay chính các em đang đồng lõa để được hưởng lợi từ việc “chạy điểm” của các bậc phụ huynh, từ sự tiếp tay của những cán bộ chủ chốt, trong đó có cả Phó Giám đốc Sở GD - ĐT. Thậm chí đến nước này người ta vẫn còn thấy sự “nhân văn” của Bộ GD - ĐT khi vẫn còn lấp lửng trong việc có cho phép các thí sinh này tiếp tục cơ hội đăng ký dự thi ở năm sau, vẫn được tiếp tục học đại học nếu điểm bị giảm ở những môn không thuộc tổ hợp xét tuyển. Đó là sự tắc trách của Bộ GD - ĐT khi không có mục nào trong quy chế thi THPT năm 2018 quy định xử lý thí sinh gian lận điểm thi tại khâu chấm thi.

Hiện nhiều cán bộ trực tiếp liên quan vụ gian lận đã bị truy tố, còn lãnh đạo ngành thì vẫn ung dung ngồi rút kinh nghiệm. Gian lận sửa điểm thi chưa bao giờ nhiều và dễ dàng đến thế. Vì lòng tham con người hay vì quy trình chấm thi có quá nhiều kẽ hở? Vì gian lận quá tinh vi hay do sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của người đứng đầu?

Trước phản ánh của dư luận rằng số thí sinh đạt trên 27 điểm trên tổng 3 môn xét tuyển của riêng 3 tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chiếm 1/3 cả nước, Sở GD - ĐT tỉnh Hòa Bình nhanh nhảu tuyên bố “kết quả thi là điểm thực của thí sinh” sau khi tỉnh này chấm thẩm định ngày 11/7/2018. Sau đó, ngày 23/7/2018 Bộ GD - ĐT chấm thẩm định tiếp và thông tin bài thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình là “100% bài thi giữ nguyên kết quả”. Ngành giáo dục tự đánh mất niềm tin ngay trên sân nhà, chỉ đến khi Cơ quan Cảnh sát điều tra vào cuộc thì sự thật mới lộ ra. Kết quả có đến 64 thí sinh của tỉnh Hòa Bình, 44 thí sinh của tỉnh Sơn La bị phát hiện có gian lận điểm thi, đang còn học tại nhiều trường đại học trong cả nước, đã khiến cho Bộ GD - ĐT lúng túng giải quyết.

Ông bà ta có câu “mũi dại lái chịu đòn” để nói về trách nhiệm của cha mẹ với con cái, trách nhiệm của cấp trên với cấp dưới. Nhưng ở đây lại có những cha mẹ xin đi tù thay để con vẫn được học đại học, có nhiều lãnh đạo vẫn giữ thái độ “vô can”, dung túng, bao che cho những cái sai của cấp dưới, người đứng đầu phủi tay trách nhiệm.

Thi sinh 'bi' sua diem im lang, them lo hong cua nganh giao duc
 

Chính những người trong ngành giáo dục đang dạy hư thế hệ trẻ, khi tạo ra đặc quyền đặc lợi cho con cháu của họ, gây bất công với những thí sinh khác giỏi hơn. Điều này có khác gì bạo lực học đường. Nguy hiểm hơn, việc “mua điểm” cho con chẳng khác gì quả bom nổ chậm đang được hẹn giờ, để sau này chính các em sẽ hành xử với gia đình, với xã hội như một món hàng đổi chác, thuận mua vừa bán, không chút xấu hổ, ray rứt lương tâm.

Biết xấu hổ là biểu hiện của một người có lòng tự trọng, có nhận thức đúng đắn về giá trị bản thân. Con trẻ cần được dạy cách tự vệ và lòng tự trọng từ nhỏ, không cho phép bất kỳ ai đụng chạm đến nhân phẩm, danh sự của mình, cho dù người đó ở chức vụ nào, có mối quan hệ thân thiết ra sao.

Sự im lặng của các thí sinh “bị” sửa điểm chính là lỗ hổng rất lớn của ngành giáo dục hiện nay.

Lâm Vũ Công Chính

(Giáo viên trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI