Theo chân học sinh tuổi 60 đi khai giảng

06/09/2019 - 06:40

PNO - Sáng 5/9, cùng với hàng triệu học sinh cả nước, học trò lớp Chín tuổi 60 ấy cũng trật tự đứng xếp hàng, hát quốc ca trong lễ khai giảng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Q.7, TP.HCM.

Học trò đặc biệt ấy là bà Ngô Thị Kim Chi, sống tại tổ 35, khu phố 3, P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM. Ba năm trước, bà Chi quyết định trở lại mái trường thực hiện ước mơ thời niên thiếu. Những người xung quanh nghe tin ai nấy đều giật mình, nhưng ông Nguyễn Văn Phong, chồng bà, thì động viên bà hãy đi học và thực hiện mơ ước của mình. Bởi ông biết, khát khao được học để thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người là niềm đam mê cháy bỏng của bà. 

Ba năm liền đứng nhất lớp

Ham học và học giỏi nhưng vì gia cảnh quá khó khăn, 11 tuổi, người chị cả trong gia đình có 5 anh chị em ấy phải tạm gác sách vở để phụ cha mẹ mưu sinh. Sau này, khi lập gia đình, bà Chi lại tất bật cùng chồng lo cho các con ăn học. Mãi đến khi các con lớn lên và đều thành công trong sự nghiệp, bà Chi mới bày tỏ ước mơ cùng chồng con.

Thế nhưng, đối diện chuyện thực hiện ước mơ, bà Chi gặp không ít lời ra tiếng vào. Các con cũng cản, “mẹ hãy ở nhà nghỉ ngơi”. Những tháng đầu đi học, có người tò mò còn hỏi thẳng: “Chị đi học chung con nít không mắc cỡ à?”, “Già rồi, còn học làm gì?”, “Đi học vậy không thấy ngại, thấy kỳ với mấy thầy cô ở trung tâm nhỏ bằng tuổi con mình sao?”...

Bà Chi mỉm cười, hồi tưởng lại chặng đường đã qua: “Thú thật, tôi cũng từng thấy ngại nhưng càng theo lớp, tôi càng say mê. Cô giáo chủ nhiệm trẻ hơn con mình, nhưng cô có hiểu biết trong môn khoa học đó, am hiểu kiến thức phổ thông hơn mình… Mình không biết thì đi học, có gì mà mắc cỡ”.

Theo chan hoc sinh  tuoi 60 di khai giang
Bà Ngô Thị Kim Chi (thứ hai từ trái qua) cùng các bạn học của mình

Ba năm qua, với sự kiên trì, học trò tuổi 60 ấy đã vượt mọi rào cản để tích lũy dần kiến thức cho mình. Học cùng đám nhỏ, tuổi cỡ cháu ngoại mình nhưng bà Chi vẫn chăm chỉ y hệt các em. Ban đầu, các bạn chung lớp ngại ngùng trước vị lớp trưởng đặc biệt này, rồi dần dần, các em quen cùng học, cùng chơi với “cô Kim Chi” - người bạn lớn tuổi nhất lớp.

Với kinh nghiệm của một người quản lý, (trước đây vợ chồng bà kinh doanh quán ăn lớn tại Q.7), một tổ trưởng phụ nữ ở địa phương lâu năm, nên khi đến lớp, bà Chi sắp xếp việc học của mình bài bản, khoa học.

Trước mỗi giờ lên lớp, bà đều dành thời gian xem trước bài học mới, tìm kiếm tư liệu, ví dụ cho bài học được sinh động, dễ nhớ. Vào lớp, bà ghi chép bài đầy đủ, giơ tay phát biểu một cách nghiêm túc. Mỗi lần đến kỳ thi, bà đều hệ thống kiến thức từng môn học, in ấn, photo và phát tặng các bạn nhỏ trong lớp bài soạn của mình, khích lệ các em cùng học, cùng tiến bộ. 

Em Huỳnh Thị Quyết Tâm tự hào khi nhắc về bạn học đặc biệt của mình: “Cô Chi là số một. Cô học giỏi lắm, nghị lực lắm, cả lớp em đều yêu quý cô. Ba năm liền cô đứng nhất lớp, cả lớp em rất ngưỡng mộ”.

Các em còn khoe nhiều về bạn học Kim Chi, nào là cô giỏi Anh văn, rành vi tính, được trường chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi môn địa lý cấp thành phố… “Bạn học” lớn này đã trở thành niềm tự hào của cả khối Chín ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Q.7, TP.HCM. 

“Hôm nay, tôi đi học”

Cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp của bà Chi, cho biết: “Có cô Chi ở lớp là chúng tôi yên tâm. Ba năm qua, học viên ấy không chỉ học cho mình mà còn giúp đỡ nhiều trẻ được tiếp tục đến trường”. Trong lớp, có bạn nào lỡ bỏ học một buổi là lập tức được bà Chi gọi điện thoại hỏi thăm. Bạn nào vắng quá ba buổi, bà tìm đến nhà trọ hoặc nơi các em làm thêm để tìm hiểu lý do. Biết hoàn cảnh khó khăn, bà Chi tìm cách giúp các em. 

“Tụi nhỏ hầu như em nào cũng khó khăn. Phần đông đều là dân nhập cư hoặc gia đình không có đủ cha hoặc mẹ. Có em sáng đi bán hàng siêu thị theo ca, tối đến trường, giờ giải lao tranh thủ ngủ. Nhìn khát khao học tập của chúng nhớ cảnh mình và em út ngày xưa mà thương, rồi giúp”, bà Chi bộc bạch.

Nói về giấc mơ trở thành bác sĩ, bà Chi cười bẽn lẽn: “Nay tôi thay đổi giấc mơ rồi. Tôi sẽ học để đủ kiến thức giúp những em nhỏ khó khăn khác được tiếp cận tri thức và tìm lối vào đời. Chưa học được nhiều nhưng từ cái mình biết, tôi đã tập trung các em nhỏ đến nhà mình cùng học. Điều đó cũng là cách giúp người, cứu người, cũng không khác gì thầy thuốc”.

Cô Dương Lệ Thúy, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Q.7, kể rằng nhờ bà Kim Chi, trung tâm đã kịp phát hiện và giữ chân hàng chục học trò suýt phải bỏ học giữa chừng. Không kể số tiền học bổng 5 triệu đồng mỗi năm giúp các học sinh khó khăn, bà Chi còn giúp bạn học của mình bằng tập, sách, bút, mực và là nhịp cầu giới thiệu nhà hảo tâm trợ sức các hoạt động cho lớp, cho trường. 

Sáng 5/9, cũng áo sơ-mi trắng, quần tây gọn gàng, bà Chi vui giữa sân trường cùng chúng bạn. Công việc của một tổ trưởng phụ nữ, chi hội trưởng Chi hội khuyến học tại khu phố, rồi công việc ở gia đình mỗi ngày vẫn đầy ắp nhưng tất cả được bà Chi khéo léo sắp xếp. “Phải vén khéo để không việc gì trùng vào giờ học”, bà nói. 
Mấy năm qua, hễ ai mời họp, liên hoan, sinh nhật vào các buổi chiều, bà Chi từ chối ngay: “Không được, hôm nay tôi đi học!”. 

“Theo dõi quá trình học tập, phấn đấu của chị Chi, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bây giờ, kể về chị, tôi chỉ muốn khoe rằng, trung tâm có một tấm gương học tập suốt đời hay tuyệt. Tôi kính phục chị cả về nghị lực trong học tập và lối sống”. Cô Dương Lệ Thúy, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Q.7.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI