Tăng lương giáo viên, miễn học phí THCS: Hãy chứng minh tính khả thi

24/11/2017 - 07:45

PNO - "Đề xuất tăng lương cho GV không phải mới. 20 năm nay chúng ta luôn muốn làm nhưng không thể. Khó lắm! Tiền đâu mà tăng?"

Học sinh (HS) bậc THCS sẽ được miễn học phí; lương giáo viên (GV) sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương… là những đề xuất đang gây chú ý của Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa trình Chính phủ.

Phải thừa nhận, đây là những ý tưởng tốt, một tiến bộ lớn trong chính sách giáo dục, nếu được Chính phủ đồng ý và Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, mục đích tốt và tính khả thi lại là hai chuyện không đồng nhất.

Dư luận vẫn lo, những đề xuất của Bộ GD- ĐT một lần nữa cũng sẽ đi vào ngõ cụt. Bởi, lấy tiền đâu để tăng lương và miễn học phí? Ngân sách sẽ “ngắt véo” khoản nào để “gánh” thêm 2 khoản này? Đây là câu hỏi cần có câu trả lời cụ thể trước khi đề ra chủ trương nói trên.

Một nhà nghiên cứu giáo dục thở dài: “Đề xuất tăng lương cho GV không phải mới. 20 năm nay chúng ta luôn muốn làm nhưng không thể. Khó lắm! Tiền đâu mà tăng? Niềm tin với lời hứa để GV sống được bằng lương đã là “món nợ” khó đòi. Lần này cũng đừng để người thầy hy vọng rồi lại thất vọng”.

Ông chỉ ra, cái khó là GV quá đông, tăng lương cho GV nghĩa là “miếng bánh” ngân sách dành cho giáo dục sẽ rất lớn, trong khi việc cấp thêm ngân sách trong bối cảnh khó khăn hiện tại là rất khó. “Khi hô hào ưu đãi GV sẽ không ai phản đối, nhưng nếu bảo cắt một phần lương của họ để tăng lương cho GV thì chắc chắn không mấy người đồng ý” - vị này nói.

Tang luong giao vien, mien hoc phi THCS: Hay chung minh tinh kha thi
“miễn học phí” rồi sẽ “đẻ” ra hàng lô “phí con, cháu, chắt...”?

Vấn đề thứ hai là miễn học phí cho HS THCS. Lẽ ra, phụ huynh phải vui trước thông tin này, nhưng thực tế thì ngược lại, không ít người càng lo thêm.

Phụ huynh đã “luyện” được cái nhìn rất sòng phẳng đối với chuyện học hành của con cái mình. Họ lo “miễn học phí” rồi sẽ “đẻ” ra hàng lô “phí con, cháu, chắt...” khác trong trường học.

Thật ra, học phí bậc THCS (hơn 100.000đ/tháng/HS) chưa bao giờ là gánh nặng của phụ huynh. Gánh nặng thật sự nằm ở các khoản phụ thu có tên và không tên. Do vậy, miễn học phí mà những khoản “phụ thu” không bị triệt tiêu thì cũng chẳng giảm được gánh nặng cho phụ huynh là bao. Điều quan trọng vẫn là sự minh bạch các khoản thu được phép của nhà trường - điều mà hình như các trường mãi không muốn làm.

Phải nhìn cho đúng là ngân sách dành cho giáo dục trong tương quan với các ngành khác không hề khiêm tốn. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đã đầu tư quá dàn trải và kém hiệu quả.

Mọi bậc học, từ mầm non cho đến tiến sĩ, cũng đều được đầu tư, cho nên chẳng bậc học nào được đầu tư hiệu quả. Trường đại học lẽ ra phải tự chủ (và họ cũng đã đòi tự chủ suốt bấy lâu) thì cơ quan quản lý là Bộ GD-ĐT vẫn “ôm”. Các nước “nhà giàu” thậm chí còn không dám nhưng mình thì cứ “nuôi”.

Thực tế đó đã khiến hàng trăm trường đại học chẳng có trường nào thật sự bứt phá mà cứ làng nhàng như nhau; HS bậc học phổ cập (THCS) vẫn phải đóng học phí; đồng lương của người thầy thì thấp đến... không tưởng; chất lượng đào tạo (từ phổ thông cho đến tiến sĩ) vẫn cứ bèo nhèo.

Ngành GD-ĐT Việt Nam đang rất cần một tư duy thật sự bứt phá chứ không phải một vài thay đổi nghe có vẻ hấp dẫn nhưng chưa chứng minh được tính khả thi! 

 Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI