Sở GD-ĐT làm trái quy định của Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM

05/10/2018 - 05:00

PNO - Sở GD-ĐT TP.HCM dùng quyền lực để độc quyền kinh doanh các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 28/9 có đăng bài Tiết học ngoài nhà trường: Sở GD-ĐT TP.HCM đang muốn độc quyền?. Đây là vấn đề mà cán bộ, giáo viên các trường THCS, THPT đang bức xúc. Sở dùng quyền lực để độc quyền kinh doanh các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Trong khi đây là việc của các trường và họ đang làm rất tốt. Việc làm này cũng trái quy định của Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM. 

So GD-DT lam trai quy dinh cua Bo GD-DT va UBND TP.HCM
Học sinh phổ thông tại TP.HCM tham gia hoạt động học tập thực tế

Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở GD-ĐT TP.HCM được ban hành kèm Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 22/02/2017 của UBND TP.HCM, “Sở GD-ĐT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương theo quy định của pháp luật”.

Còn theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/05/2006 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông thì việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm thuộc về các trường và giáo viên bộ môn.

Sở có đủ năng lực tổ chức thực hiện hay lại bán thầu?

Văn bản 3245/GDĐT-TrH và tại cổng thông tin http://hoatdongtrainghiem.hcm.edu.vn là không đầy đủ, thiếu sự rõ ràng về nội dung, phương pháp, người thực hiện... thiếu thông tin về học phí (bao nhiêu, nộp cho ai, cho những công việc cụ thể nào, đi lại, ăn uống, giáo viên, người quản lý…).

Thành phố hiện có khoảng 450 trường THCS và THPT với bảy khối lớp. Nếu mỗi khối lớp có ít nhất hai hoạt động trong năm học, thì mỗi năm học sẽ có ít nhất 6.300 lượt hoạt động (450x7x2). Nếu chỉ tính 240 ngày làm việc trong năm thì mỗi ngày sở phải tổ chức hơn 26 lượt hoạt động. Thử hỏi sở có đủ năng lực thực hiện không hay lại bán thầu cho các đơn vị khác? Nếu sự thật như thế thì việc quản lý chất lượng sẽ như thế nào? 

Phương Mai

Cụ thể, chương trình nêu: “Nội dung, hình thức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp phải phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của học sinh, với điều kiện cụ thể của từng trường, từng địa phương; xuất phát từ quyền trẻ em để xác định nội dung và lựa chọn hình thức hoạt động cho phù hợp”, “Giáo viên chủ động lựa chọn, vận dụng các phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục cho phù hợp với nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể”. 

Ngày 27/8/2018, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản số 2941/GDĐT-TrH về hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ và các hoạt động trải nghiệm trong trường trung học năm học 2018-2019, như sau: “Việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cần chuyển mạnh sang hướng hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm sáng tạo”.

Thoạt nhìn, chỉ đạo này rất đúng đắn. Nhưng sau đó, vào ngày 19/9/2018, sở lại ký văn bản số 3245/GDĐT-TrH hướng dẫn thực hiện chương trình “Tiết học ngoài nhà trường” năm học 2018-2019 với ý đồ gom các hoạt động giáo dục ngoại khóa và trải nghiệm của tất cả các trường THCS, THPT để độc quyền kinh doanh. Như vậy, Sở GD-ĐT đã không khách quan, vô tư.  

Văn bản số 3245/GDĐT-TrH nói trên sai trái, vì: thứ nhất, chức năng tổ chức các hoạt động giáo dục là của các trường. Còn chức năng của sở là “tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương theo quy định của pháp luật”. Do vậy, việc sở triển khai tổ chức các chương trình giáo dục ngoài giờ bằng hình thức học tập trải nghiệm “Tiết học ngoài nhà trường” là không đúng chức năng theo quy định tại Quyết định 09/2017/QĐ-UBND.  

Thứ hai, việc sở yêu cầu “các trường muốn kết hợp riêng với các đơn vị lữ hành phải gửi toàn bộ kế hoạch thực hiện bao gồm đánh giá kết quả về sở trước 30 ngày thực hiện” cũng không đúng chức năng và trái với Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT.

Quyết định này nêu rõ: “Học sinh là chủ thể của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Vì vậy, các em có quyền và cần được tham gia vào mọi khâu của quá trình hoạt động: từ khâu chuẩn bị đến tiến hành hoạt động và đánh giá kết quả hoạt động. Giáo viên là người cố vấn, giúp đỡ, định hướng học sinh hoạt động có hiệu quả” và “Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đòi hỏi phải có sự phối hợp tham gia của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, trong đó nhà trường giữ vai trò chủ đạo”.

Thứ ba, công văn số 2372/BGDĐT-GDTrH ngày 11/04/2013 của Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ: “Giáo viên có thể sử dụng sách tham khảo để hỗ trợ thiết kế bài dạy, thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nghiên cứu khoa học…” và “Giáo viên, học sinh khi sử dụng sách tham khảo nếu gặp tình huống có cách hiểu khác nhau về một nội dung nào đó giữa sách tham khảo và sách giáo khoa thì phải lấy sách giáo khoa làm căn cứ để giảng dạy, học tập”.

Có thể thấy, quy định này đã cho phép giáo viên được chủ động rất cao trong việc tìm kiếm và sử dụng tài liệu để thiết kế bài giảng, kiểm tra, đánh giá... Cho nên, khi sở ra văn bản 3245/GDĐT-TrH buộc các trường: muốn sử dụng tài liệu hỗ trợ trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp phải thông qua sự thẩm định của sở là không đúng thẩm quyền. 

Hãy để ban giám hiệu và giáo viên phát huy trí tuệ

Ai cũng biết, việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm thuộc trách nhiệm của các trường. Theo đó, tùy điều kiện, các trường sẽ lập kế hoạch cho từng bài hoặc nhiều bài, từng môn hoặc liên môn, đi chỗ nào, gần hay xa… sao cho đạt hiệu quả nhất.

Quy định này, tự thân cũng cho thấy: với những trường không có khả năng lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, phải nhờ cậy sở thì sở phải lập dự án với đầy đủ kế hoạch, nội dung và phương thức thực hiện để các trường xem xét có phù hợp không.

Tôi rất hoan nghênh khi sở muốn kiểm tra việc thực hiện những hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm của các trường. Nhưng muốn vậy thì sở phải cử cán bộ tham gia vào hoạt động của trường rồi đánh giá cho khách quan.

Việc ra văn bản yêu cầu các trường phải thay đổi cách tổ chức những hoạt động này theo hướng phụ thuộc vào sở mà không căn cứ vào các cơ sở pháp lý là áp đặt, phi thực tế.

Hãy để ban giám hiệu và giáo viên các trường phát huy trí tuệ, sở đừng ôm hết về mình. Nếu vấn đề được tranh luận thẳng thắn, tôi tin là sở không có đủ lý lẽ. 

Hồng Nga

Việc rèn luyện những kỹ năng để hòa nhập, giao tiếp, làm việc tập thể tốt… rất được nhà trường chú trọng. Hằng tuần, ngoài giờ học chúng tôi được tham gia nhiều sân chơi theo chủ đề, có sự tích hợp các kiến thức của nhiều môn học. Trong năm học, trường cũng tổ chức nhiều lễ hội để học sinh vừa chơi vừa học như: giỗ tổ Hùng Vương, Halloween, 20/11, Trung thu, lễ hội mùa xuân… Mỗi lễ hội có phong cách riêng không trùng lắp. Đó cũng là lúc mà tính cách và khả năng sáng tạo của học sinh chúng tôi được bộc lộ và phát huy.

Nhà trường rất quan tâm đến việc học phải gắn liền với thực tế kết hợp vui chơi. Trong quá trình học, chúng tôi được tham quan - học tập - khám phá nhiều nơi khắp ba miền đất nước. Trước mỗi chuyến đi dài ngày, theo kế hoạch chương trình, chúng tôi phải tìm hiểu, chuẩn bị trước rất nhiều tư liệu để phục vụ các bài học tích hợp của rất nhiều môn như văn học, lịch sử, địa lý, vật lý, sinh học, hóa học và cả toán học. 

Đến thăm một nhà thờ, dựa vào bóng nắng thầy cô yêu cầu chúng tôi tính chiều cao của tháp chuông. Lên Tây Bắc đồi núi điệp trùng, chúng tôi được học những bài văn, lịch sử và địa lý say đắm lòng người. Vào đập thủy điện Hòa Bình, chúng tôi học các bài học về điện. Đến cánh đồng muối, chúng tôi học về hóa. Ra tỉnh Ninh Bình, chúng tôi học về địa lý… 

Những bài học qua thực tế đó khiến chúng tôi hiểu sâu và nhớ rất lâu. Mỗi chuyến đi là dịp chúng tôi khám phá biết bao vùng đất mới với những điều mới mẻ, thú vị. Qua đó, chúng tôi biết làm việc tập thể, biết đoàn kết yêu thương nhau và càng thêm yêu đất nước… 

Chu Thành Đạt 
(học sinh Trường THCS - THPT Thái Bình, Q.Tân Bình)

Luynh Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI