Sinh viên dài cổ chờ bằng vì trường còn phải... rà soát

30/08/2019 - 07:30

PNO - Nhiều cựu sinh viên ngành dược sĩ của Trường cao đẳng Kỹ nghệ II (Q.9, TP.HCM) cho biết, đang mòn mỏi chờ bằng tốt nghiệp nhưng trường hứa hẹn đến tận tháng 3/2020 dù đã tốt nghiệp từ năm 2018.

Dù đã tốt nghiệp từ năm 2018 nhưng đến nay nhiều sinh viên ngành dược sĩ của Trường cao đẳng Kỹ nghệ II vẫn phải mòn mỏi đợi cấp bằng để xin việc làm theo đúng ngành học.

Không có việc làm ổn định 

Sinh viên H.T.T.T. bức xúc: “Trường nói học kỹ thuật dược sẽ mở được quầy thuốc hoặc ít nhất cũng đứng bán thuốc được. Nhưng khi tôi tốt nghiệp vào năm 2016, xin phép mở quầy thuốc không được, mà ngay cả đăng ký chứng chỉ hành nghề với Sở Y tế cũng không thể. Sau đó, trường lại tư vấn học lớp dược sĩ chuyển đổi, học phí 15 triệu đồng. Chúng tôi tốt nghiệp năm 2018 đến nay cũng chưa nhận được tấm bằng chính thức. Nhiều lần lên trường nhưng lại được hứa hẹn đến tháng 3/2020 mới có”.

Hiện nay, T. và nhiều bạn cùng lớp khá khó khăn vì không xin được việc làm đúng ngành. T. hiện đang làm nhân viên bán hàng điện tử. 

Tương tự, N.T.Đ. cũng đang phải đi làm nhân viên kinh doanh trong khi chờ nhận bằng. Đ. nói: “Ban đầu, trường nói sau khi ra trường có thể mở quầy thuốc; không được, lại liên thông lên cao đẳng chính quy, giờ đến tấm bằng cũng hứa hẹn”. Còn N.T.H. đã đóng 5 triệu đồng học lớp chuyển đổi từ tháng 12/2016. Sau đó, H. đóng tiếp 10 triệu đồng vào năm 2017. Năm 2018, H. tốt nghiệp nhưng đến nay vẫn không có bằng để đi làm. 

Sinh vien dai co cho bang vi truong con phai... ra soat

Sinh viên chỉ nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời dù đã tốt nghiệp từ năm 2018

Ngày 24/2/2019, nhiều sinh viên đã đến trường hỏi về bằng tốt nghiệp. Bà Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết: cam kết đến tháng 3/2020, trường sẽ phát bằng cho sinh viên. Ngày 9/3/2019, sinh viên đã nhận chứng chỉ tốt nghiệp tạm thời (có giá trị trong 6 tháng). Đến ngày 26/8, trường tiếp tục gia hạn giấy tốt nghiệp tạm thời cho thời gian kế tiếp, tạo điều kiện cho việc học và làm việc của sinh viên đến thời hạn nhận bằng. 

Trong khi đó, theo Thông tư 09/2017 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức trao bằng tốt nghiệp cho người học đủ điều kiện cấp bằng tốt nghiệp trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày người học kết thúc thi môn tốt nghiệp cuối cùng (đối với đào tạo theo niên chế) hoặc kết thúc môn học, mô-đun cuối cùng trong chương trình (đối với đào tạo theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ).

Trường “vượt rào”?

Trả lời vấn đề chưa cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên, ông Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ II, cho biết: vì trường muốn đảm bảo quyền lợi cho người học nên chờ rà soát văn bản chứ không cấp bằng ồ ạt.

Nhưng vì sao phải chờ rà soát từ năm 2018 đến 2020? Vướng điều gì hay phải chờ Bộ LĐ-TB-XH cho phép? Ông Hưng khẳng định: “Chúng tôi chỉ rà soát các điều kiện. Người học hy vọng học dược là được bán thuốc, mở quầy nhưng mình không quyết định được chuyện này. Khi tốt nghiệp kỹ thuật dược 2016, các em có nhu cầu thì mình mở mã ngành cho học. Là do thương sinh viên mới mở nhưng khi làm thì chưa có kinh nghiệm. Chậm lại để đảm bảo về mặt pháp lý của bằng cấp và quyền lợi cho người học. Trường vẫn phải chờ rà soát lại các văn bản mới có thể cấp bằng”.

Năm 2016 và đầu năm 2017, trường này chưa được Tổng cục Dạy nghề (nay là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho phép đào tạo cao đẳng dược sĩ. Tuy nhiên, những sinh viên học lớp chuyển đổi dược sĩ đã trúng tuyển ở thời điểm này. Phải chăng trường đào tạo khi chưa được phê duyệt? Trả lời vấn đề này, ông Hưng cho biết: khi Chính phủ cho trường được thí điểm tự chủ là cho phép được tự mở mã nghề, báo cáo Bộ LĐ-TB-XH và bộ đã có quyết định 1836 phê duyệt trường đào tạo ngành trọng điểm. 

Ông Bùi Văn Hưng nói: “Trong quá trình chưa có kinh nghiệm với nhóm ngành sức khỏe, mở ra thì văn bản bên y tế thế nào sao biết được. Bên giáo dục nghề nghiệp ghi là cấp bằng kỹ sư thực hành, nhưng bên quy định của ngành dược thì kỹ sư thực hành sẽ không được cấp phép mở quầy thuốc và chứng chỉ hành nghề dược. Vì vậy, chúng tôi phải rà soát lại để xem có bỏ chữ kỹ sư thực hành được không”. 

Lật lại sẽ thấy đến giữa tháng 5/2017, trường mới báo cáo lên Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH, Tổng cục Dạy nghề về việc mở mã nghề đào tạo, trong đó có ngành dược với 140 chỉ tiêu cho trình độ cao đẳng. Đến ngày 27/11/2017, Bộ LĐ-TB-XH có quyết định phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Trường cao đẳng Kỹ nghệ II có tám ngành, bao gồm ngành dược. Thế nhưng, sinh viên đã trúng tuyển, đóng học phí trước thời điểm này. 

Chưa kể, trong lớp học này còn có sự lập lờ khó hiểu giữa học chuyển đổi và văn bằng 2. Thông báo tuyển sinh, biên lai thu học phí ghi rõ là hệ cao đẳng dược rồi mở ngoặc ghi thêm “chuyển đổi”. Tuy nhiên, văn bản họp giải quyết với sinh viên lại ghi là lớp văn bằng 2. Về vấn đề này, ông Hưng cho biết: “Chuyển đổi là do mình nói thôi chứ kết thúc văn bằng 1 thì học tiếp văn bằng 2 chứ không phải chuyển đổi”. 

Ngoài ra, cơ sở tại tỉnh Bình Dương của trường cũng đăng tải tuyển sinh ngành dược sĩ trên website và còn “thòng” thêm lời hứa sẽ được nhà trường ký với sinh viên bản cam kết giới thiệu việc làm. Về vấn đề này, ông Hưng cho rằng, Bình Dương là cơ sở hoạt động lâu rồi nhưng không đào tạo ngành dược tại đó, chỉ tuyển sinh rồi đưa lên đây học. Trường chỉ đăng ký đào tạo bốn ngành và không có ngành dược. Việc trang web của cơ sở Bình Dương đăng thì ở đó tự chịu trách nhiệm. Nhưng sau đó, ông cũng thừa nhận, trường tự chủ không thể cứng nhắc, lấy tiền đâu trả lương, ở đó có thiết bị gì có thể dạy được phần nào thì để họ dạy. 

Chúng tôi đã liên hệ và chờ phản hồi từ Vụ Pháp chế của Bộ LĐ-TB-XH về vấn đề này nhằm đảm bảo quyền lợi cho sinh viên. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI