Sáp nhập trường cao đẳng sư phạm, có quá vội vàng?

21/10/2019 - 07:16

PNO - Đã có danh sách 13 trường cao đẳng sư phạm nằm trong kế hoạch sáp nhập vào trường đại học trong số 40 trường. Vấn đề đặt ra là sáp nhập có làm tăng khả năng thu hút sinh viên cho các trường đại học sư phạm không?

Đã có danh sách 13 trường cao đẳng sư phạm nằm trong kế hoạch sáp nhập vào trường đại học trong tổng số 40 trường cao đẳng địa phương và trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vấn đề đặt ra là việc sáp nhập có làm tăng khả năng thu hút sinh viên cho các trường đại học sư phạm không?   

Những con số đáng suy ngẫm

Hiện nay, nhu cầu giáo viên (GV) cần bổ sung hằng năm thay thế cho số nghỉ hưu là 37.000 người. Trong đó, GV mầm non cần tuyển mới mỗi năm khoảng 9.000 người; GV tiểu học khoảng 13.000 người, GV THCS khoảng 10.000 và GV THPT khoảng 5.000. 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), số học sinh mẫu giáo tăng bình quân hằng năm khoảng 300.000 cháu, tương đương 10.000 lớp (30 cháu/lớp) và 20.000 GV (2 GV/lớp). Số học sinh tiểu học tăng bình quân hằng năm khoảng 100.000 em, tương đương 3.300 lớp (30 em/lớp) và 5.000 GV…

Có thể thấy, nhu cầu đào tạo GV mầm non, tiểu học, THCS tại các trường sư phạm (chủ yếu là cao đẳng sư phạm) để bổ sung số nghỉ hưu và đáp ứng nhu cầu phát triển trường, lớp hằng năm tương đối lớn. Việc nâng cao trình độ GV đối với bậc tiểu học, THCS là yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng giảng dạy. 

Sap nhap truong cao dang su pham, co qua voi vang?
Các trường cao đẳng sư phạm sẽ sáp nhập hoặc thành vệ tinh của các trường đại học sư phạm

Theo Luật giáo dục sửa đổi (2019), GV các cấp phải đạt trình độ đại học, chỉ GV mầm non là ở trình độ cao đẳng (CĐ). Việc sáp nhập các trường CĐ sư phạm được xem là một trong những phương án trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo GV. 
Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế, việc sáp nhập các trường CĐ sư phạm nên tiến hành ngay hay cần phải có một lộ trình? 

Chỉ sáp nhập khi giải đáp được các câu hỏi

Các chuyên gia giáo dục đặt câu hỏi: có phải chỉ riêng các trường CĐ sư phạm địa phương đang rơi vào tình trạng không tuyển được sinh viên hay kể cả các trường đại học sư phạm cũng đang nơi vào tình trạng đó? Căn cứ vào đâu để giải thể các trường sư phạm, hoặc căn cứ vào đâu để buộc các trường CĐ sư phạm địa phương phải sáp nhập vào trường đại học sư phạm? 

Việc sáp nhập các trường CĐ sư phạm vào các trường đại học sư phạm có làm tăng thêm năng lực cạnh tranh, tăng thêm khả năng thu hút sinh viên cho các trường đại học sư phạm hay không? Thạc sĩ Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Nghệ An, cho rằng, việc sáp nhập chỉ nên tiến hành khi Bộ GD-ĐT giải đáp được hết các câu hỏi đó. 

“Bởi các địa phương phải mất hàng chục năm và mất rất nhiều công sức, tiền của để xây dựng đội ngũ GV, đầu tư cơ sở vật chất, nên phải có một phương án khoa học, phải có bước đi và sự tính toán một cách hết sức thận trọng cho việc sáp nhập”, thạc sĩ Nguyễn Đình Anh nhấn mạnh.

Hơn nữa, phần lớn các trường CĐ sư phạm trực thuộc các tỉnh, nên Bộ GD-ĐT không thể tự đưa ra chủ trương quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm mà cần phải có sự lựa chọn của chính quyền địa phương đối với các phương án liên quan tới việc giải quyết sứ mạng của các trường. Ví như Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị có 10 tiến sĩ - đều là những người tốt nghiệp ở nước ngoài về, có 72 thạc sĩ, và trong 5 năm qua đã có đến 50 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế…

Theo thạc sĩ Nguyễn Đình Anh, để các tỉnh tự quyết định “số phận” trường CĐ sư phạm của tỉnh cũng là phương án tránh lãng phí ngân sách, nguồn lực mà các tỉnh đã đầu tư cũng như đáp ứng được nhu cầu GV của tỉnh nhà.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI