Sản phẩm lỗi của giáo dục

13/04/2018 - 20:00

PNO - Điều quan trọng nhất là ngành sẽ đối diện, khắc phục lỗi hay che giấu lỗi? Ứng xử của giáo dục, đối với thế hệ trẻ tiếp theo, là đang giáo dục cách ứng xử.

Một lần nữa dư luận lại rất bức xúc với việc những đứa trẻ mầm non bị bạo hành ngay tại trường học bởi cô giáo của các con. Những từ ngữ thô lỗ, những tiếng mắng chửi nặng nề sẽ không để lại vết thương trên cơ thể. Nhưng bao lâu, nỗi đau đó mới lành?

Phản ứng của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM lần này rất nhanh, khi yêu cầu tạm đình chỉ cô giáo đó. Điều đáng ngạc nhiên nhất là có vị mang tiếng là đại diện phụ huynh, lại chống lại việc những sai phạm của cô giáo này bị đưa ra ánh sáng. 

San pham loi cua giao duc

Học sinh trường Mầm non 30-4

Giáo dục, vốn là một ngành đặc biệt. Sản phẩm của nó là con người. Những người thầy, người cô vừa là “nhân công” của ngành giáo dục, nhưng cũng từng là sản phẩm của ngành giáo dục. Và, như một vòng quay, những thầy cô giáo đó lại tạo tiếp ra sản phẩm - loại sản phẩm quan trọng nhất - cho đất nước.  

Tất nhiên, với hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước, việc ngành giáo dục có những “sản phẩm lỗi”, là khó tránh khỏi. Trong vài tuần qua, rất nhiều sản phẩm lỗi của ngành giáo dục được - hoặc bị - đưa lên mặt báo. 

Đó là những vấn đề rất bức xúc. Đáng bi quan hay không? Tôi cho rằng, phát hiện sản phẩm lỗi, mang được ra ánh sáng để những sản phẩm lỗi đó được điều chỉnh tốt hơn, là may mắn cho giáo dục. 

Những sản phẩm lỗi của giáo dục trong các vụ việc vừa rồi, may thay, là những lỗi chưa mang tính đồng loạt. Hãng Samsung năm 2016 phải thu hồi khoảng 2,5 triệu chiếc điện thoại đời mới nhất của họ bán ra trên toàn cầu vì nguy cơ cháy nổ. 

Hãng Toyota năm 2016 cho đến 2019 đã, đang và sẽ phải thu hồi cả triệu chiếc xe để khắc phục lỗi túi khí. Những đơn vị đó đối mặt thẳng với sản phẩm lỗi của họ, khắc phục chúng và tiếp tục đi đầu trong lĩnh vực của mình. Dù việc thu hồi sản phẩm lỗi lên đến hàng triệu chiếc... 

Nếu còn phải băn khoăn về hậu quả của những lỗi sản phẩm đơn lẻ, liệu chúng ta đủ can đảm để “thu hồi”, khắc phục “lỗi sản phẩm” mang tính hệ thống? Bác Hồ dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Tất nhiên, vì lợi ích trăm năm, yêu cầu đối với “chất lượng sản phẩm”, buộc phải là yêu cầu càng nghiêm ngặt. 

Rất nhiều bức xúc của giáo dục trong những ngày qua đã tồn tại lâu rồi. Tức là, dù phát hiện bây giờ hay lúc nào đó mới phát hiện, thì đó đã là sản phẩm lỗi. Là lỗi ở “sản phẩm cái”, nơi có nhiệm vụ tạo ra những “sản phẩm con”. Thật may, những lỗi còn mang tính cá nhân đó chưa tạo thành lỗi hệ thống.

Nhân tiện nói về lỗi hệ thống, phát biểu trên báo, có người cho rằng, việc phát hiện lỗi ở trong nhà trường này “là hành vi mang tính phá hoại”. Quan điểm đó liệu có phải cũng là một loại sản phẩm chưa tối ưu của ngành giáo dục? 

Với hàng triệu giáo viên, với hàng chục triệu học sinh, chúng tôi tin, giáo dục không có phép lạ để không có những “sản phẩm lỗi”. Chúng tôi cũng không tin các sản phẩm lỗi trong giáo dục không thể khắc phục, không thể sửa chữa. 

Thậm chí, chúng tôi cũng tin rằng, giáo dục, vì lợi ích trăm năm, yêu cầu một chất lượng cao đến mức mà sản phẩm lỗi của ngành này, chưa hẳn là sản phẩm lỗi so với yêu cầu của xã hội. 

Nhưng, điều quan trọng nhất là ngành sẽ đối diện, khắc phục lỗi hay che giấu lỗi? Ứng xử của giáo dục, đối với thế hệ trẻ tiếp theo, là đang giáo dục cách ứng xử. 

Vụ bạo hành ở Trường mầm non 30-4

UBND TP.HCM yêu cầu quận 1 báo cáo khẩn, sở đề xuất giải pháp chấn chỉnh

Ngày 11/4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đã có văn bản khẩn chỉ đạo UBND Q.1 báo cáo cụ thể về sự việc xảy ra tại Trường mầm non 30-4 liên quan đến việc bạo hành trẻ tại lớp Lá 1 mà Báo Phụ Nữ đã phản ánh trong bài “Ác mẫu” ở Trường mầm non 30-4: “Mày là con người hay thú” và Báo Tuổi Trẻ trong bài Cô giáo bạo hành trẻ tại trường mầm non 30-4.

San pham loi cua giao duc

Hiệu trưởng trường Mầm non 30-4 tại buổi làm việc với Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh 

Theo đề nghị của bà Thu, báo cáo trên phải được thực hiện và gửi đến Thường trực UBND thành phố nội trong 2 ngày làm việc. Đồng thời, bà Thu cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi, kiểm tra tiến độ xử lý vụ việc, có báo cáo kết quả xử lý cho UBND thành phố. Sở cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, tham mưu cho UBND thành phố nhằm chấn chỉnh và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “bạo hành” trong môi trường giáo dục.

Ngày 12/4, UBND TP.HCM cũng đã có báo cáo khẩn về thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Theo đó, thành phố xác định công tác truyền thông, phổ biến pháp luật là một nhiệm vụ trọng tâm giữ vai trò quyết định đối với hiệu quả công tác triển khai chỉ thị của Thủ tướng, góp phần đưa luật vào thực tiễn. Do đó, các sở, ngành, đoàn thể thành phố đầu tư khá tốt trong việc tiếp cận, tác động đến nhiều đối tượng.

Tuy nhiên, còn khó khăn là lực lượng cán bộ phường, xã, thị trấn (không chuyên trách) biến động thường xuyên nên chưa cập nhật kịp thời các kỹ năng, kiến thức cơ bản phục vụ công tác. Bên cạnh đó, do đặc thù tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn nhất cả nước, TP.HCM là đô thị có sự gia tăng về số lượng người dân tạm cư ngày càng đông, thường xuyên thay đổi chỗ ở… nên công tác truyền thông đến các đối tượng này còn hạn chế. 

Ngoài ra, các hình thức tuyên truyền pháp luật còn chậm đổi mới, nội dung đôi lúc chưa thiết thực, kinh phí triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vì vậy, ít nhiều đã tác động đến tính bền vững trong hiệu quả công tác truyền thông về bảo vệ chăm sóc trẻ em. 

 Quốc Ngọc

Hồ Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI