Quy trình viết sách giáo khoa trên thế giới ra sao?

26/09/2018 - 06:17

PNO - Sách giáo khoa do ai viết, mức độ cần thiết duy trì sách giáo khoa đến đâu và ưu, nhược điểm của một bộ sách giáo khoa được nhìn nhận ra sao ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển?

Câu trả lời mở ra nhiều vấn đề không chỉ gói gọn chuyện nên có một hay nhiều bộ sách giáo khoa được tranh luận nhiều trong thời gian qua.

Quy trinh viet sach giao khoa tren the gioi ra sao?
Tiết học ngoài trời của học sinh tiểu học tại Anh

Sách giáo khoa không phải kiến thức “chết”

Ở Anh, Bộ Giáo dục nước này không tham gia vào quy trình biên soạn hay xuất bản sách. Bộ chỉ đưa ra những tiêu chí, yêu cầu về nội dung kiến thức mà học sinh từng cấp lớp cần nhận thức, lĩnh hội. Các nhà xuất bản sẽ là nơi tự vận động để cho ra đời bộ sách hữu ích, thiết thực nhất theo đánh giá từ trường học, giáo viên, những người quan tâm chương trình giáo dục.

Những đối tượng này với chuyên môn cụ thể sẽ là người chọn bộ sách giáo khoa (SGK) phù hợp cho học sinh. SGK không bó buộc trong số lượng cứng nhắc, số bài, số tiết mà luôn có “khoảng mở”, là phần nội dung mà giáo viên cân nhắc thêm vào, giúp bài giảng thêm phong phú. 

Các nhà quản lý giáo dục ở Anh cũng đã có những thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế. Từ tháng 9/2014, chương trình giáo dục mới ở tiểu học và trung học tập trung vào trải nghiệm của học sinh và kết quả các em gặt hái được đóng góp vào tư liệu giảng dạy của chính giáo viên. 

Ở Anh hiện có xu hướng dạy học không sử dụng SGK. Nguyên nhân là vì bản thân giáo viên dựa theo những tiêu chuẩn Bộ Giáo dục đưa ra tự thiết kế bài giảng cho mình. Ông Nick Gibb, Bộ trưởng Các trường học ở Anh cho biết, điều mà nền giáo dục ở Anh cần điều chỉnh là làm sao có những bộ SGK cập nhật kiến thức mới để không còn tình trạng chỉ 10% giáo viên Anh áp dụng nội dung giảng dạy theo đúng SGK (trong khi con số này ở Singapore là 70%).

Ở thời điểm hai mươi năm trước, giáo viên chỉ dạy thông qua SGK vì họ không có nhiều phương tiện hoặc thiếu nguồn thông tin xác đáng cập nhật kiến thức cho học sinh. 

Giáo viên, học sinh là người viết sách

Quy trinh viet sach giao khoa tren the gioi ra sao?
Sách giáo khoa môn toán của học sinh tiểu học Phần Lan

Tiến sĩ toán học Naomi Normna từng tham gia viết hơn 50 bộ sách dạy học toán cũng như các chương trình giáo dục ở Anh chia sẻ: “Giáo viên là người dành phần lớn thời gian để trải nghiệm và kiến tạo nên kiến thức mới từ nội dung kiến thức nền tảng nên họ không bao giờ dừng lại quá trình tự trau dồi. Nguồn kiến thức tích lũy cùng khung bài giảng họ tự thiết kế sao cho phù hợp với họ và trình độ học sinh là tài sản quý giá mà bất cứ việc đóng khung cứng nhắc nào từ bên ngoài cũng sẽ giảm hiệu quả của quá trình giảng dạy”.

Trong phạm trù toán học, tiến sĩ Naomi Normna cho biết, việc tồn tại SGK, những quyển SGK mới là cần thiết vì toán học không chỉ dừng lại ở việc tính toán mà còn giúp học sinh học được cách giải quyết vấn đề có những tính toán con số cụ thể áp dụng trong thực tế.

Ở Phần Lan, quốc gia nổi tiếng là nơi có nền giáo tục sáng tạo, được chú ý bậc nhất hiện nay, người viết SGK chính là các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy. Vì sao lại là những giáo viên? Trước tiên, Phần Lan là nơi có đầu vào đào tạo giáo viên vô cùng khắt khe với chỉ 120 sinh viên được nhận vào ngành sư phạm Helsinki mỗi năm. Họ phải học sáu năm, được trang bị đầy đủ kỹ năng sư phạm, tư duy giáo dục trước khi chính thức nhận lớp.

Để tham gia nhóm viết SGK, giáo viên phải là người có kinh nghiệm, có quá trình giảng dạy uy tín và đang phụ trách cấp lớp tương ứng với cấp lớp mà họ đang viết SGK. Nội dung sách sẽ dựa vào khung tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục nhưng phải đảm bảo là nội dung học sinh cần, thay vì nội dung mà những chuyên gia giáo dục cần theo quan điểm cá nhân. 

Bản thảo SGK phải qua nhiều khâu “xét duyệt” từ giáo viên, các nhà nghiên cứu và cả học sinh để nhận ý kiến đóng góp, phản biện. Nhóm tác giả sẽ thu thập những phản hồi này để hoàn thiện bộ sách với mục tiêu cuối cùng là phục vụ học sinh, vì nhu cầu thực tế của các em chứ không vì bất cứ nhu cầu hay lợi ích của tổ chức, cá nhân nào. 

Ở Đức từng tồn tại một bộ SGK duy nhất nhưng vì nhu cầu thực tế kiến thức mới luôn được mở rộng và phương pháp giảng dạy khác nhau nên sau này, Đức áp dụng nhiều bộ SGK. Mỗi bang được quyền tự chọn bộ SGK phù hợp và có trường học một môn học có nhiều bộ SGK được áp dụng. Đức có hơn 20 nhà xuất bản cung cấp SGK nhưng thực tế chứng minh, những quyển sách hữu ích nhất sẽ tồn tại theo đúng quy luật chọn lọc. 

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI