Quan trọng là cô có muốn vì trò?

13/10/2018 - 06:00

PNO - Vất vả xin cho hai con gái vào được lớp Một trường điểm xong, chị D.T. hối hận vì cô giáo là nỗi ám ảnh của hai con.

Quan trong la co co muon vi tro?
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Tây Ninh

Cô thường xuyên đưa ra những lời nhận xét như phang thẳng vào học trò, chẳng hạn: “cô không thể chấp nhận em viết chữ xấu như vậy”, “cô không thể chấp nhận con gái mà ngồi để chân lên ghế”, “thấy cô khó thì về Q.8 mà học”… 

Cạnh tấm bảng lớn là tấm bảng nhỏ, trên đó ghi lỗi của học sinh, số lần học sinh xin đi vệ sinh trong buổi học. Chị T. chia sẻ: “Khi nhìn thấy “bảng phong thần” đó, tôi nghĩ mấy đứa nhỏ mà biết đọc chữ chắc sẽ xấu hổ lắm. Đọc những lời phê thiếu tính xây dựng của cô, tôi thật sự choáng váng và thất vọng. Thay vì động viên để học sinh sửa lỗi, cô thường nói lẫy khiến chúng bị tổn thương. Cô luôn nói lớp học đông như vậy, cô không có thời gian rèn chữ từng bé nên phụ huynh phải tự rèn cho con…”.

Cũng mới vào lớp Một nhưng con anh Trí (Q.7, TP.HCM) lại bước vào môi trường hoàn toàn khác biệt. Con anh học trường ngoài công lập, chương trình song ngữ. Anh kể con anh không bị hội chứng sợ đi học như con của bạn bè. Mỗi ngày tới trường, thầy cô ra tận cổng đón và trong suốt hai tháng học vừa qua, hầu như không có chuyện phê bình khi học trò làm sai. “Tôi chắc chắn là con tôi không học quá giỏi nhưng sẽ không bị mặc cảm thua thiệt. Ngày nào làm bài sai hay gặp vấn đề, cô sẽ cho mặt cười kèm theo đó là nhận xét để phụ huynh biết cách phối hợp giúp con vượt qua khó khăn. Có em giỏi thì được khen thưởng bằng cách cho làm lớp trưởng trong tuần tới. Nếu con học yếu, thầy cô sẽ đưa ra nhiều giải pháp để cùng phụ huynh lựa chọn”. Giáo viên cố gắng chọn ra điểm tốt của học trò để phát huy chứ không chỉ duy nhất chuyện học tập. Như với con anh Trí là kỹ năng vận động.

Tất nhiên, môi trường quốc tế hoặc tư thục học phí cao bao giờ cũng có thuận lợi về sĩ số, điều kiện cơ sở vật chất để thầy cô chăm chút cho học trò. Nhưng mọi điều kiện, xét đến cùng, cũng chỉ là yếu tố phụ. Điều quan trọng là thầy cô có muốn chăm chút cho học trò của mình hay không. 

Cũng là trường công lập đông học sinh, nhưng cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM) đã có nhiều sáng kiến trong giáo dục được phụ huynh, học sinh ái mộ. “Ăn sáng cùng hiệu trưởng” đang là hoạt động “hot” thúc đẩy học sinh thi đua học tập. Theo đó, những học sinh xuất sắc nhất hoặc có hoạt động nổi trội nhất tuần sẽ nhận được thư mời ăn sáng từ cô hiệu trưởng.

Đúng 6g30 sáng thứ ba hằng tuần, nhân vật đặc biệt trong tuần đó có thể đến một mình hoặc mời bạn đồng hành là cha mẹ đi cùng. Cùng ăn tại căng-tin, vườn trường, cô và trò sẽ nói với nhau về mọi chuyện bằng tiếng Anh. Nếu mời cha mẹ, các em phải kiêm luôn vai trò phiên dịch. Còn học sinh cá biệt thì tham gia một chương trình khác với hiệu trưởng để cùng tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề… 

Không chỉ khiến các em được mời tự hào, khuyến khích những em khác cố gắng mà hoạt động này còn tạo sự gần gũi giữa hiệu trưởng với học sinh. Từ đây, hiệu trưởng có thể nắm bắt tâm tư học sinh, còn học sinh có thể đề xuất nhà trường thay đổi để phục vụ chuyện học, giải trí của học sinh tốt hơn… 

 Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI