Phấn đấu 2 năm nữa có 40% học sinh chọn học cao đẳng: Không tưởng!

23/05/2018 - 07:10

PNO - Đề án Thủ tướng phê duyệt rồi còn nhiều thách thức phía trước, nên có thể quá sớm để nói về khả năng “bịt lỗ hổng” trong giáo dục hướng nghiệp.

Đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, 30% học sinh tốt nghiệp THCS theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp là những tham vọng tại đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - đã có cuộc trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM.

Phan dau 2 nam nua co 40% hoc sinh chon hoc cao dang: Khong tuong!
 

Đề án có đặt ra một số mục tiêu chia làm hai giai đoạn với 7 giải pháp, nhìn tổng thể thì các giải pháp khá chi tiết. Tuy nhiên, cần phải làm rõ giáo dục hướng nghiệp (GDHN) là gì? Nếu không cẩn thận sẽ nhầm lẫn sang giáo dục nghề nghiệp GDNN). Ngay các giải pháp của đề án dường như đã có sự lẫn lộn giữa GDHN và GDNN khi đề cập câu chuyện tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị cho trường phổ thông, cho các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và trung tâm giáo dục thường xuyên-GDNN cấp quận, huyện. 

Phóng viên: Thưa tiến sĩ, mục tiêu của đề án này có vẻ bình thường so với các nước nhưng lại lý tưởng ở Việt Nam. Chúng ta đã thực hiện việc phân luồng từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa hiệu quả. Ông đánh giá mục tiêu lần này có khả thi không?

GDHN về bản chất là giúp cho học sinh (HS) xác định được khả năng, động cơ, mối quan tâm, trí tuệ và năng khiếu để các em thấy được những khả năng đi theo con đường học đại học hoặc đi học nghề và kết quả cuối cùng là HS có được quyết định phù hợp với các đặc trưng và môi trường sống của mình. Đối với GDNN thì học xong người học phải có được kỹ năng lao động trong một lĩnh vực nghề nghiệp hoặc một nghề nào đó, đòi hỏi phải vừa học vừa hành (thực tập) trên trang thiết bị và ở doanh nghiệp. 

Cho nên, tôi băn khăn về mục tiêu tạo ra sự đột phá về  “chất lượng GDHN ở trường phổ thông” vì khái niệm này chưa rõ. Thế nào là chất lượng hướng nghiệp, trong khi các mục tiêu cụ thể toàn là mục tiêu định lượng. Với mục tiêu ấy, trong vòng 2,5 năm nữa chúng ta phải đào tạo trên 7.000 giáo viên hướng nghiệp và mỗi năm phải đào tạo trên 2.000 người có đủ năng lực tư vấn hướng nghiệp là một thách thức.

Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển GDHN ở vùng kinh tế khó khăn tỷ lệ phân luồng thấp hơn khoảng 5% các chỉ tiêu có lẽ hơi ngược, vì ở vùng kinh tế khó khăn (theo kinh nghiệm về GDNN thế giới) HS có nguy cơ bỏ học nhiều thì rất cần hướng nghiệp và phân luồng sớm để các cháu có kỹ năng lao động sớm, để có việc làm nuôi sống bản thân. 

Phan dau 2 nam nua co 40% hoc sinh chon hoc cao dang: Khong tuong!
Giờ học điện tại trường cao đẳng nghề TP.HCM

* Chuyện học là tự nguyện, học theo nhu cầu. Liệu chúng ta có đủ sức để phân luồng người học vào trung cấp, cao đẳng? 

- Tôi muốn dùng từ “khơi luồng” sẽ hợp lý hơn. Phân luồng có phần nào mang tính áp đặt, còn khơi luồng sẽ rõ hơn và vai trò của Chính phủ rất lớn trong việc này. Câu hỏi làm thế nào để hài hòa 3 dòng chảy của giáo dục phổ thông, GDNN và giáo dục đại học với cơ chế nào để đảm bảo chúng ta không lãng phí nguồn nhân lực, đảm bảo sự phát triển cân đối hài hòa các trình độ và ngành nghề, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang đến gần.

Vấn đề ở đây là quy hoạch cơ sở giáo dục, đào tạo là công cụ để điều tiết cân đối trình độ. Ở Singapore chẳng hạn, Bộ Nhân lực xác định luôn tỷ lệ HS đi theo các con đường GDNN khác nhau sau 10 năm học. Ví dụ, Viện Giáo dục kỹ thuật (ITE) hằng năm nhận khoảng 25%, Polytechnic 40%, và trường trung cấp (Junior College 2 năm) là 30%. Sau khi tốt nghiệp có thể đi làm hoặc học tiếp lên đại học.

Vì thế, để đảm bảo tính đồng bộ rất cần quy hoạch lại cơ sở giáo dục, đào tạo, đánh giá số HS tốt nghiệp THCS hoặc bỏ học ở THCS, THPT để có giải pháp hợp lý về phương diện quản lý nhà nước kết hợp với hệ thống đánh giá năng lực HS chuẩn xác để đưa ra các khuyến cáo. Hiện nay, cả nước mỗi năm có khoảng trên 200.000 HS tốt nghiệp hoặc bỏ học ở THCS không tham gia học tập ở cơ sở GDNN là một vấn nạn rất lớn. Đề án cần quan tâm giải quyết các đối tượng này.

* Nhìn vào các kỳ tuyển sinh có thể thấy vai trò của GDHN gần như… không có. Tiến sĩ có cho rằng, các giải pháp trong đề án lần này có thật sự bịt được lỗ hổng?

- GDHN chưa làm tốt chức năng chủ yếu nằm ở nhận thức của các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương. Điều kiện biên chế ngặt nghèo, chúng ta thiếu đội ngũ giáo viên tư vấn hướng nghiệp được đào tạo chuyên nghiệp cũng như ít có nghiên cứu về vấn đề này, nên dẫn đến sự nhầm lẫn giữa GDHN với GDNN.

Chương trình được thiết kế không hợp lý và mục đích của GDHN là để cộng điểm thi tốt nghiệp nên hỏng ngay từ đầu. Kỹ năng nghề nghiệp của HS chẳng có mà nhận thức về nghề nghiệp cũng lơ mơ.

Để có thể đạt được mục tiêu về phân luồng như Chỉ thị số 10/CT-TƯ của Bộ Chính trị năm 2011, thì rất cần có một sự điều phối của Chính phủ, phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng quy hoạch, chia sẻ nguồn lực, quy hoạch mạng lưới, chuyển một số trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên - GDNN ở cấp huyện sang trường trung học kỹ thuật hoặc Trung học nghề để phân luồng tại chỗ như hầu hết các quốc gia châu Âu, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN đang làm.

Đề án Thủ tướng phê duyệt rồi còn nhiều thách thức phía trước, nên có thể quá sớm để nói về khả năng “bịt lỗ hổng” trong GDHN. 

(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI