Nữ sinh bị đánh hội đồng vì can ngăn ẩu đả

08/10/2016 - 17:28

PNO - L. thấy nhóm nữ sinh đánh một bạn khác nên tới can ngăn. Tuy nhiên, nhóm này lại quay sang tấn công cả L. Rất nhiều thanh niên chứng kiến vụ việc đã đứng nhìn như không có chuyện gì xảy ra.

Chiều ngày 8/10, trao đổi với Phụ nữ TP. HCM, ông Đặng Phương Bắc - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết, đang chờ kết quả điều tra của công an huyện Thái Thụy để có hình thức xử phạt đích đáng với nhóm nữ học sinh tấn công hội đồng một nữ học sinh khác trên địa bàn huyện Thái Thụy vào ngày 4/10.

Theo đó, nạn nhân được xác định là em Tống Thị Mỹ L. (hiện đang học tại trường THPT Tây Thụy Anh). Vào khoảng 11h40 ngày 4/10, khi em L. đang trên đường đi học về thì chứng kiến một nhóm nữ sinh 6 người mặc đồng phục trường THPT Diêm Điền đánh một nữ giới khác.

L. thấy bất bình nên có vào can ngăn thì bị nhóm nữ sinh này quay ra tấn công rồi dùng điện thoại quay lại, tung lên mạng xã hội. Nội dung đoạn băng ghi hình cho thấy, L. bị nhóm nữ sinh túm tóc giật mạnh, dùng chân đá, dẫm vào mặt, vào đầu.

Nu sinh bi danh hoi dong vi can ngan au da
Hình ảnh L bị nhóm nữ sinh đánh hội đồng vào ngày 4/10 (Ảnh cắt từ clip).

Đặc biệt, một trong số những nữ sinh này còn có biểu hiện của việc cố tình hủy hoại tài sản khi lấy chiếc điện thoại của L. đập mạnh xuống đường.

Liên quan đến vụ việc, có rất nhiều thanh niên chứng kiến nhưng không ai vào căn ngăn. Một số người dân đi qua có vào khuyên nhủ nhưng nhóm nữ sinh chỉ dừng lại một lúc, đến khi người dân đi thì lại tiếp tục lao vào đánh L.

Cũng vào đầu tháng 10/2016, một em học sinh lớp 8 tại TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã tự tử khi bị bạn cùng trường nhờ người đánh do có mâu thuẫn từ trước đó. Hay những vụ bạo lực gây bức xúc trong dư luận xảy ra ở Hà Tĩnh, Trà Vinh, Thừa Thiện - Huế.... xảy ra liên tiếp.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất thì trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (trung bình 5 vụ/ngày). Khoảng hơn 5.200 học sinh thì có 1 vụ đánh nhau, hơn 11.000 học sinh  thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

TS Lê Thục Anh - Công tác tại Khoa Giáo dục, trường Đại học Vinh chia sẻ với Công an Nghệ An, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường được xét trên 3 yếu tố: Thứ nhất là sự phát triển của chính bản thân trẻ, trẻ đang trong giai đoạn hoàn thiện về tâm sinh lý nên thiếu hụt về cách ứng xử, thường có những hành động bột phát, cảm tính, thiếu kiểm soát.

Clip L. bị nhóm nữ sinh đánh đập, kèm theo những lời chửi tục tĩu:

Thứ hai, phương pháp giáo dục của gia đình và nhà trường hiện nay còn nhiều bất cập. Cha mẹ mải mê làm ăn, không có thời gian chăm sóc, chia sẻ tâm tư, tình cảm của con cái nên không thể nắm bắt được tâm lý của các em.

Việc phải chứng kiến cảnh cha mẹ mâu thuẫn, đổ vỡ đã làm cho các em nảy sinh tâm lý buồn chán và thích sống buông thả. Bên cạnh đó, ở các trường học hiện nay chủ yếu chú trọng vào việc dạy chữ. Mỗi tuần chỉ có rất ít tiết Giáo dục công dân nên việc dạy các kỹ năng mềm như ứng xử, đạo đức lối sống chưa thực sự mang lại chiều sâu, chưa định hướng được lối sống đúng đắn, lành mạnh cho các em.

Thứ ba, trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, trẻ có điều kiện tiếp xúc với Internet từ rất sớm, lại thiếu sự giám sát, quản lý của người lớn nên việc các em xem những bộ phim, chơi các trò chơi mang tính bạo lực là điều không thể tránh khỏi. Việc này vô tình làm lệch lạc nhận thức còn non nớt của trẻ, từ đó các em sẽ có những hành động sai trái.

Văn Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI