Nỗi buồn ngày Nhà giáo

20/11/2015 - 14:18

PNO - Nhận một bó hoa trong ngày Nhà giáo mà lòng ngổn ngang, biết đâu rồi mai kia, người ta sẽ nói cả hoa cũng sẽ không được tặng…

Ngày 20/11 được mặc định là ngày vui đối với những ai làm nghề dạy học, là ngày tôn vinh các nhà giáo, ngày của thầy và trò. Nói đến nỗi buồn trong ngày này, dễ chạnh lòng, dễ bị coi là lạc loài, tị hiềm hay mặc cảm.

Nhưng nỗi buồn ấy không phải không có, cũng không thể không nói ra. Nhất là khi thời tuổi trẻ bồng bột qua đi, khi mình bắt đầu phải làm phụ huynh của các con mình, nhìn thấy nghề giáo từ cả hai góc khác biệt.

Noi buon ngay Nha giao
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Năm nay, báo chí đăng tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thông báo chủ trương không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở cơ quan Bộ và cơ quan đại diện của Bộ tại TP.HCM.

Trên tinh thần thân ái và tiết kiệm, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã thông báo nhận thiệp điện tử chúc mừng. Gần hơn, cụ thể hơn, trường của con mình thông báo: “Để không là gánh nặng của quý phụ huynh, nhà trường xin không nhận bất cứ quà cáp nào dưới mọi hình thức”.

Thông báo nhỏ, nhưng mục tiêu thì lớn: “để không là gánh nặng…”. Từ bao giờ, những món quà nhỏ của học trò trở thành gánh nặng cho gia đình, cho phụ huynh của các em?

Chẳng biết ở những cơ quan khác có thông báo về việc nhận quà như ở đây không, nhưng cứ nhìn vào tờ thông báo này, thì việc tặng quà cho các thầy cô đã trở thành việc không được phép. Còn “quyết liệt” hơn vậy nữa, một trường phổ thông khác quy định: Nếu bị bắt gặp tặng quà, nhận quà, cả học sinh lẫn giáo viên đều sẽ bị kỷ luật!

Để bảo vệ “danh dự nhà giáo”, để tỏ sự đồng tình với chủ trương một cách sốt sắng, có vẻ như người ta đã dùng đến những biện pháp hành chính nặng nề, mà nghĩ cho cùng, đó là một tổn thương tinh thần không nhỏ đối với những người thầy đang đứng trên bục giảng.

Việc làm sai, việc phi pháp, thì mới bị “cấm”, mới bị đe dọa kỷ luật. Tặng một món quà nhỏ tỏ tấm lòng biết ơn với những người đã chăm nom dạy dỗ mình, là việc làm sai, việc phi pháp ư? Đành rằng, có những người đã lợi dụng việc ấy, như lợi dụng ngày Nhà giáo Việt Nam để quà cáp phong bì, nhiều giáo viên bị mang tiếng.

Nhưng nghĩ mà thương, mà tội nghiệp những món quà tặng nhiều khi “chẳng đâu vào đâu” của đám học trò nhỏ dại. Nếu đâu đó sai, phải tìm cách để hạn chế cái sai, cũng như chỉ cho người ta biết cách làm tốt, cách làm đúng, cách làm văn hóa, chứ tại sao lại “cấm”, tại sao nhà trường lại phải tỏ một thái độ phòng thủ, giữ kẽ với phụ huynh, với học trò của mình?

Trong suốt cuộc đời dài, có không ít lần người ta tặng quà, được nhận quà từ người khác. Để cho con trẻ học được bài học về văn hóa của món quà, về “của cho không bằng cách cho”, chẳng ai khác ngoài chính các thầy cô phải dạy điều này ở trường, cha mẹ phải dạy điều này ở nhà.

Nhớ lại thời sinh viên trong trường đại học sư phạm, mình không được học điều này. Kinh nghiệm sống, sự quan sát học hỏi từ những người xung quanh đã cho mình biết phải trân trọng tấm lòng của người ta đối với mình, phải cảm ơn khi được nhận quà, dù đó là cánh phượng vĩ ép khô để dành tặng thầy, hay xấp vải may áo phụ huynh nhờ con mang đến cho thầy nhân ngày Nhà giáo.

Không bạc bẽo với lộc của đời, không “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”, nhưng cũng không coi đó là nguồn lợi để khai thác, để tận thu; không vì giá trị của món quà mà bẻ cong cây thước của nghề dạy học…

Có phải vì người ta sẵn có trong lòng cái định kiến rằng nghề giáo nghèo, lương thấp, bổng lộc không có, nên trong câu chuyện về tặng quà nhân ngày Nhà giáo, đã có sẵn luôn cái hệ quả được suy ra dễ dàng rằng quà tặng đó là một hình thức bù đắp cho cái nghèo của nghề giáo? Nếu vậy thì chua chát quá, nếu vậy cái thanh bạch của nghề đã trở thành một mặc cảm chung, áp đặt và không thể thoát, không thể khác rồi.

Xã hội tôn vinh nghề giáo vì cái tâm với học trò, tôn vinh những người đã chọn nghề vì thế hệ trẻ, vì sự tiếp nối, truyền đạt dòng tri thức, văn hóa của dân tộc, của nhân loại, chứ không phải vì quyền lợi vật chất.

Xã hội mong muốn tôn vinh nghề giáo, ngày Nhà giáo Việt Nam đã thành truyền thống tốt đẹp không chỉ trong nhà trường. Việc chọn hình thức tôn vinh nào, làm sao để khuyến khích trò bày tỏ lòng biết ơn thầy một cách chân thành và không vụ lợi, là việc cần suy nghĩ, chứ không cần “cấm”.

Nhận một bó hoa trong ngày Nhà giáo mà lòng ngổn ngang, biết đâu rồi mai kia, người ta sẽ nói cả hoa cũng sẽ không được tặng…

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI