Những nhà giáo đứng bên lề

20/11/2013 - 19:34

PNO - PN - Học sư phạm, công tác trong ngành giáo dục và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người, nhưng nhiều người trong số này lại đứng bên lề sự quan tâm của chính sách dành cho nhà giáo. Không chỉ bị thiệt thòi bởi sự bất cập...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thiệt thòi vì làm… quản lý

“Tôi sẽ xem như mình không hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu ngành GD-ĐT Kiên Giang nếu không đấu tranh cho thầy Ba Vẹn được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (NGƯT)”, ThS Nguyễn Thị Minh Giang, GĐ Sở GD-ĐT Kiên Giang nói. Thầy Ba Vẹn, tức Trương Hoàng Vẹn, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Kiên Giang, người đã có gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người nhưng mãi đến lúc sắp nghỉ hưu, vẫn nằm “ngoài vùng phủ sóng” dành cho nhà giáo chỉ vì sớm bộc lộ… năng lực.

 Tốt nghiệp sư phạm năm 1974, sau hai năm trực tiếp đứng lớp, do có năng lực, thầy Vẹn (SN 1954) được đề bạt làm lãnh đạo trường rồi lãnh đạo Phòng GD huyện An Biên (Kiên Giang) trước khi về làm Chánh thanh tra Sở GD-ĐT từ năm 1992 đến nay. Thăng tiến nhưng thầy Vẹn lại chịu… thiệt thòi so với đồng nghiệp. Ngoài việc mất trên 50% lương mỗi tháng (do chỉ được hưởng phụ cấp công chức 25%/tháng so với mức gần 40% thâm niên và 40% phụ cấp đứng lớp) việc sớm được đề bạt còn khiến thầy Vẹn mất cơ hội được xét phong tặng danh hiệu NGƯT vì không đạt tiêu chí cơ bản là số năm trực tiếp giảng dạy theo quy định là 15 năm.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, đây là một bất cập mà các cơ quan chức năng cần xem xét lại. Nếu không sớm khắc phục, sẽ dẫn đến việc nhiều nhà giáo che giấu năng lực thật sự để “phòng ngừa” việc được đề bạt, gián tiếp làm thui chột nhà giáo giỏi ngay từ trứng nước.

Đây cũng là lý do khiến nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long khó tuyển được người có năng lực làm công tác quản lý. Mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã phải ngưng tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý ngành giáo dục vì quá ít ứng viên tham gia. “Nếu không có những điều chỉnh hợp lý, ngành giáo dục sẽ khó tuyển được người có năng lực, có đạo đức tham gia công tác quản lý, làm đầu tàu cho hoạt động giáo dục”, ông Phan Văn Tiếu, PGĐ Sở Nội vụ Đồng Tháp lo lắng.

Theo ThS Nguyễn Thị Minh Giang, không chỉ có đội ngũ cán bộ quản lý mà còn các đối tượng như cán bộ thiết bị dạy học, cán bộ thư viện, văn thư, kế toán tại các trường phổ thông cũng bị thiệt thòi: không được hưởng chế độ phụ cấp công vụ và các chế độ như viên chức ngành GD-ĐT. Thực tế, do hoàn cảnh lịch sử, phần lớn cán bộ này vốn là giáo viên và công việc họ đang làm cũng là hỗ trợ cho thầy cô giáo đứng lớp.

Nhung nha giao dung ben le

Thầy Trương Hoàng Vẹn ở Kiên Giang

Càng cao cấp càng mất quyền lợi

Tạm gọi đại học là môi trường giáo dục “cao cấp” trong hệ thống GD-ĐT nhưng những người công tác trong môi trường này xem ra còn bị thiệt thòi hơn những nhà giáo ở bậc phổ thông. Nói cách khác, càng học cao và làm việc trong môi trường cao cấp, thì càng mất quyền lợi.

Ông Phan Văn Tiếu phân tích: “Theo quy định hiện hành, ở trường đại học, trừ hiệu trưởng, các cán bộ quản lý khác đều không được xếp ngạch công chức, chính xác hơn là các thầy, cô ở đó chỉ là viên chức. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phó hiệu trưởng trường đại học vẫn “thấp” hơn chuyên viên đang công tác tại Sở GD-ĐT, không có cả chế độ phụ cấp công vụ 25% mỗi tháng. Riêng cán bộ là lãnh đạo các phòng, ban không trực tiếp tham gia giảng dạy thì một mặt không được hưởng phụ cấp công vụ, mặt khác còn không được hưởng các phụ cấp như viên chức mà các đồng nghiệp đang giảng dạy ở bậc phổ thông đang hưởng".

PGS-TS Nguyễn Văn Đệ chia sẻ: Nhiều sinh viên giỏi, được giữ lại trường để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, do nhu cầu công việc, được bổ nhiệm làm lãnh đạo các phòng, ban… thì lập tức thu nhập bị giảm vì chỉ gói gọn trong khung lương. Thật vô lý!”. Điển hình như trường hợp ThS Nguyễn Văn Nghiêm, Phó trưởng phòng Hành chính - tổng hợp ĐH Đồng Tháp. Sau khi tốt nghiệp ĐH, Nghiêm được giữ lại Trường ĐH Đồng Tháp, đi học lấy bằng thạc sĩ rồi được bổ nhiệm làm phó phòng. Tuy nhiên, thu nhập của Nghiêm lại đi ngược lại sự thành đạt đó, trở nên thấp hơn so với nhiều đồng nghiệp cùng khóa học chỉ có trình độ cử nhân. Tổng thu nhập của vị thạc sĩ này không hơn bốn triệu đồng/tháng!

Ở ĐH An Giang, theo Phó hiệu trưởng Hoàng Xuân Quảng, dù đã nỗ lực nhiều cách, nhưng mỗi tháng nhà trường cũng chỉ có thể hỗ trợ thêm cho các đối tượng này 25% quỹ lương, tức chỉ tương đương với mức phụ cấp dành cho công chức. Và rất khó có cơ sở để khẳng định mức thu này sẽ ổn định trong thời gian tới. Những bất hợp lý này biết đến bao giờ mới được điều chỉnh?

Tùng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI