Nhọc nhằn gieo chữ ở bản H'Mông

22/11/2017 - 08:59

PNO - Mùa đông tháng giá, cái lạnh núi rừng như cắt da cắt thịt, nhiều em học sinh vẫn đến lớp với bộ quần áo mỏng manh.

Với “bốn không” (không đường, không điện, không chợ và không giấy tờ tùy thân), sự nghiệp “trồng người” của 6 nữ giáo viên và hành trình “tìm con chữ” của gần 160 học sinh tại điểm trường tiểu học thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) luôn là một thử thách khắc nghiệt. 

Nhoc nhan gieo chu o ban H'Mong
Các giáo viên dạy chữ cho học sinh tại điểm trường thôn Ea Rớt

Gian nan sự học

Vượt hàng trăm ki-lô-mét từ TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và hàng chục cây số đường đất hiểm trở, chúng tôi có mặt tại điểm trường thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vào đầu tháng 11 và thấm thía về sự gian nan của các em học sinh (HS) nơi đây trong hành trình đi tìm con chữ. Điểm trường này thuộc Trường tiểu học Cư Pui 2, có 158 HS người H’Mông và 6 giáo viên (GV) đảm nhiệm 6 lớp, từ lớp Một đến lớp Năm.

Trời nắng gay gắt nhưng các HS người H’Mông vẫn đầu trần, chân đất đến trường. Vào lớp với gương mặt phờ phạc và mồ hôi nhễ nhại sau hàng giờ cuốc bộ, các em bỏ vội tập sách trên bàn rồi chạy ra phía sau phòng học kéo nước giếng để xua cơn khát. Giếng sâu hun hút, nước đục ngầu. Cô giáo Nguyễn Thị Liễu, dạy lớp 4C, cho biết, các cô thay nhau đến nhà dân xin nước suối hoặc chở nước bình từ trung tâm xã vào nhưng không đủ phục vụ cho nhu cầu của HS. 

Vào những ngày mưa thì hành trình đến trường của các HS thôn Ea Rớt lại càng gian nan nên tỷ lệ HS vắng học rất đáng kể. Cô Trần Thị Duyên, GV chủ nhiệm lớp 5C cho hay, lớp có 29 HS thì 20 em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Cuộc sống khó khăn, phụ huynh bận rộn với công việc nương rẫy, các em phải tự đi bộ đến trường. Nhiều em ở cách điểm trường vài ba cây số nên phải đi học sớm khi trời còn mờ sương.

Mùa đông tháng giá, cái lạnh núi rừng như cắt da cắt thịt, nhiều em vẫn đến lớp với bộ quần áo mỏng manh.

Nhoc nhan gieo chu o ban H'Mong
Sau hàng giờ cuốc bộ đến trường, học sinh chỉ có nước giếng để xua cơn khát

Đường đến trường quá xa và bụng lại thường xuyên đói nên đi học không phải là ưu tiên số một của HS cũng như phụ huynh nơi đây. Vào mùa thu hoạch, phụ huynh không ngại cho con nghỉ học để phụ giúp việc nương rẫy; đốn củi, lấy măng… đem bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cũng có em bỏ học giữa chừng vì nhà cách trường mấy quả đồi, phải đi bộ 3-4 tiếng, quá khó khăn đối với những HS cấp I.

Dù GV nhiều lần đến nhà vận động các em trở lại lớp nhưng cả phụ huynh và HS đều không mặn mà. Với họ, cái ăn, cái mặc đáng lo hơn con chữ.

Băng rừng, vượt suối đi dạy

Thấu hiểu những thiệt thòi của HS vùng quê nghèo, các cô giáo ở điểm trường Ea Rớt đã không ngừng nỗ lực để đưa “con chữ” đến với 158 HS người H’Mông. Tuy nhiên, sự nghiệp “trồng người” ở nơi đây gặp không ít trở ngại.

Tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn năm 2014, cô Nguyễn Thị Liễu, người huyện Krông Pắk nhưng được phân về dạy tại Trường tiểu học Cư Pui 2. “Từ nhà đến trường phải vượt qua 5km đường đồi nên ngày nào tôi cùng dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị. Những hôm trời mưa, đường trơn, tôi phải gửi xe để lội bộ khoảng 2 tiếng” - cô Liễu tâm sự.

Nhoc nhan gieo chu o ban H'Mong
Giáo viên đi qua suối bằng bè gỗ do người dân tự đóng

Một GV khác là cô Trần Thị Duyên chia sẻ: “Do nhà cách điểm trường khoảng 20km nên tôi phải dậy từ 4 giờ sáng mới kịp tới trường đúng giờ lên lớp. Băng qua một chặng đường dài, tôi đến trường với thân hình rệu rã. Thế nhưng, khi nhìn thấy HS của mình lem luốc lội bộ qua mấy quả đồi đến trường, tôi lại nhủ lòng phải cố gắng thật nhiều”.

Tương tự, một ngày của cô Nguyễn Thị Trang, GV lớp 2C, nhà bên huyện Krông Năng, cũng bắt đầu từ 4 giờ sáng để chuẩn bị cho hành trình vượt qua 50km đến nơi dạy học. Không chỉ xa xôi cách trở mà trên đoạn đường ấy, các cô còn đối diện với hiểm nguy khi vượt suối bằng bè tự chế, nhất là vào những ngày mưa, nước dâng cao. Việc đi lại quá khó khăn nên nhiều GV có con nhỏ phải ở lại nhà công vụ được dựng tạm bằng gỗ, mái lợp tôn, nắng rọi, mưa dột và hầm hập nóng những buổi trưa oi bức…

Khó khăn không kể xiết, nhưng điều khiến các cô giáo lo lắng lại là các em HS. Cô Nguyễn Thị Minh Mạnh, GV lớp Một, cho biết: “HS đều là con em đồng bào thiểu số, ít sử dụng tiếng phổ thông nên khả năng giao tiếp bằng tiếng Kinh không tốt. Nhiều em không trải qua mẫu giáo, nên khi vào lớp Một không thể nghe cô giảng bài, trong lúc lớp Một lại quá đông, 34 HS/lớp, nên chúng tôi không thể theo sát từng em”.

Mặc dù các cô dạy lớp Một đã rất nỗ lực kèm cặp, tăng tiết phụ đạo cho các em, nhưng một số trường hợp cuối năm vẫn chưa biết mặt chữ, có em mất nhiều năm học lớp Một. Điều này khiến nhiều GV trẻ mới về trường không khỏi chán nản, muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, khi nghĩ đến những HS nghèo các cô lại động viên nhau phải bám trường, bám lớp. Ước mong của các cô không gì ngoài con đường đến trường được thuận tiện hơn và sự nghiệp giáo dục nơi này được chăm lo thiết thực hơn để việc dạy học gặt hái được nhiều kết quả.

Không chỉ nghèo khó, hàng chục năm nay hơn 190 hộ dân tại thôn Ea Rớt chưa có giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, nên chỉ những gia đình có điều kiện mới cho con em ra trung tâm học lên cấp II, cấp III. Vì lẽ đó, hầu hết trẻ em ở Ea Rớt lớn lên chỉ quanh quẩn với công việc nương rẫy, đi làm thuê rồi lập gia đình. Thậm chí, một số em sau khi học hết lớp 12 vẫn không thể dự thi tốt nghiệp, học nghề hay đi làm công nhân chỉ vì không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân.

Ông Lê Xuân Quý - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông - thông tin thêm: “Do thiếu cơ sở vật chất, phòng học và GV, đặc biệt là bậc học mầm non nên nhiều trẻ từ 3-4 tuổi không được huy động ra lớp. Một số em 5 tuổi vẫn không đi học mẫu giáo nên khi vào lớp Một tiếp thu bài rất khó khăn.

Trong thời gian tới, phòng sẽ làm việc với Sở Nội vụ để xin thêm biên chế mầm non, tiểu học nhằm khắc phục sĩ số các lớp học đang quá đông. Trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo rất mong được cấp trên quan tâm, xây dựng nhà công vụ cho GV để họ an tâm công tác. Theo dự kiến, vào năm 2018 sẽ đầu tư hệ thống nước sạch cho điểm trường này”.

Nguyên Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI