Nhà văn Tâm Phan chia sẻ sự khác nhau giữa giáo dục ở Thụy Sĩ và Việt Nam

12/09/2016 - 06:26

PNO - Thụy Sĩ là một quốc gia có hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên trong nước, cũng như các khu vực khác.

Tâm Phan là cái tên gần gũi với rất nhiều độc giả trẻ Việt Nam. Mới đây chị có chia sẻ trên trang cá nhân về những điều thú vị, khác biệt giữa nền giáo ở Thụy Sĩ và Việt Nam.

Dạy học sinh đa dạng kiến thức từ khi rất nhỏ

Ở Geneva (Thụy Sỹ) trẻ con bắt đầu học tiểu học từ 4 tuổi. Ở Việt Nam, 6 tuổi mới học lớp 1 thì ở đây 6 tuổi đã học lớp 3 rồi. Ban đầu mình chưa hiểu lắm về hệ thống giáo dục Thụy Sỹ và nghĩ trẻ 4-5 tuổi đến trường chơi là chủ yếu, 6 tuổi mới học thực sự. Tuy nhiên, sau khi đi họp phụ huynh về mình nhận thấy phương pháp giáo dục ở đây rất hay và khoa học, không nặng nề bài vở như ở Việt Nam khiến trẻ sợ đi học.

Nếu xét về trình độ lớp 3 của Việt Nam thì ở Thụy Sỹ trẻ phải học lớp 5 mới có trình độ tương đương nhưng kiến thức về thế giới và xã hội thì rất rộng.

Nha van Tam Phan chia se su khac nhau giua giao duc o Thuy Si va Viet Nam

Trẻ em ở Thụy Sĩ được học rộng và dàn đều, không chỉ tập trung mỗi tập viết hay làm toán như ở Việt Nam. Mình đã dành hai tiếng đồng hồ họp giữa nhà trường với phụ huynh, căng hết cả tai lên để nghe tiếng Pháp và nghe cô giáo trình bày phương pháp giáo dục của cô cho cả năm học lớp 1.

Môi trường học hiện đại, học sinh thỏa sức sáng tạo, rèn tính tự lập cao

Trường Jenna (con gái của nhà văn Tâm Phan), được chia làm 2 địa điểm, các bạn nhỏ từ lớp 1 đến lớp 4 học 1 trường. Lên lớp 5 học địa điểm khá, sau khi các bạn nhỏ nhập học ổn định được 3 tuần thì nhà trường tổ chức họp phụ huynh. Ban đầu là họp toàn trường, cô hiệu trưởng giới thiệu từng thầy cô giáo phụ trách các lớp và cả bác bảo vệ kiêm lao công, cô y tá, cô nuôi phụ trách ăn uống, dinh dưỡng, người chuyên phụ trách mảng dã ngoại, giáo dục ngoài trời...

Mình ngạc nhiên là chỉ có đúng 4 giáo viên cho 4 lớp (1-2-3-4) nghĩa là mỗi khóa học chỉ có duy nhất 1 lớp, mỗi lớp có tối đa 23 học sinh thôi.

Sau đó nhà trường chiếu 1 đoạn video về 1 chương trình thử nghiệm Giáo dục đã được thực hiện thành công ở 1 quận và sẽ áp dụng cho các học sinh năm nay. Đó là chương trình ETHNOPOLY kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh thuộc đủ mọi chủng tộc trên thế giới. Học sinh sẽ đến nhà của phụ huynh người Ghana (châu Phi) để tìm hiểu văn hóa nước này, sau đó đến nhà người Argentina (châu Mỹ) để xem họ có những đặc trưng văn hóa nào. Mình đang tưởng tượng sẽ đăng ký giới thiệu văn hóa Việt Nam (châu Á) cho các bạn: nón lá, áo dài, và các món ăn Việt... Mình nghĩ đây là một chương trình rất hay cho các học sinh tiểu học.

Nha van Tam Phan chia se su khac nhau giua giao duc o Thuy Si va Viet Nam
Được tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau.

Sau đó các phụ huynh về lớp họp riêng với cô giáo chủ nhiệm. Các phụ huynh ngồi nghe cô giáo trình bày tất cả các giáo cụ, phương pháp giảng dạy cho các em. Mọi thứ đã được cô chuẩn bị chu đáo và rất kỹ càng. Cô không dùng phấn viết bảng như ở Việt Nam. Bảng ở đây được thiết kế cực kỳ hiện đại, bảng có 2 lớp và được chia làm 4 cánh. Bảng có thể trượt lên xuống, từ thấp đến cao để học sinh có thể sử dụng bảng vừa tầm, không phải kiễng hay với tay, cô giáo cũng không phải quỳ gối hay “chổng mông” vào các em. Toàn bộ tấm bảng 2 lớp đều gắn nam châm (hoặc lót tấm sắt hút nam châm), giáo cụ đều là những miếng hình nam châm có in chữ gắn lên bảng (di chuyển hoặc tháo ra dễ dàng), ví dụ như các ngày trong tuần, các tháng trong năm, 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Lật cánh bảng sang, lại là 1 chương trình khác về Khoa học tự nhiên như: Vũ trụ, Hành tinh, Nước, Mặt trời, Năng lượng...

Chương trình học có tính cách hướng dẫn hơn là chỉ thị áp đặt độc đoán

Cô giáo trình bày việc dạy các em từ những cơ bản nhất như tư thế ngồi viết, tư thế cầm bút (tay trái hay tay phải đều được), mới học được 1-2 buổi mà Jenna đã tự biết viết tên mình rồi, tuy có hơi nguệch ngoạc. Các con được học bảng chữ cái tiếng Pháp, học đếm và học phép tính cộng đơn giản qua các viên bi các màu khác nhau.

Ví dụ như có 2 viên bi màu vàng và 1 viên bi màu đỏ. Nói chung giáo cụ rất sinh động và thực tế, học mà như là đang chơi đồ chơi vậy. Ngoài ra các con còn được học giao tiếp, nói cảm ơn, xin lỗi, cách cư xử với bạn bè, người lớn tuổi... Bên cạnh đó còn có những môn nghệ thuật thủ công, vẽ vời, âm nhạc, múa hát, các buổi dã ngoại tìm hiểu thế giới sinh vật...

Nha van Tam Phan chia se su khac nhau giua giao duc o Thuy Si va Viet Nam
Nha van Tam Phan chia se su khac nhau giua giao duc o Thuy Si va Viet Nam
Các buổi dã ngoại rất hay và thú vị.

Vì trình độ tiếng Pháp của mình rất kém nên lúc đầu thấy cô nói dạy các em thế này mình tưởng về nhà phụ huynh cũng phải dạy con như thế nên mình hơi hoảng, chưa gì đã thấy áp lực và lo lắng vì nhà mình không ai biết tiếng Pháp để dạy con. Cuối buổi mình hỏi cô giáo xem phụ huynh có phải làm gì để giúp con không, nhất là bài tập về nhà? Cô giáo cười nói: "Không không, chị đừng lo, phải ít nhất 2 năm nữa thì các con mới có bài tập về nhà. Lớp 1 và lớp 2 các con chỉ cần nhận thức với thế giới xung quanh là đủ".

Học sinh tự làm chủ việc học

Giờ giấc đi học cũng linh động hơn đối với các bạn lớp 1 lớp 2. Buổi sáng các bạn có thể đến lớp trong khoảng từ 8h đến 8h45, học đến 11h30 tan. Buổi chiều có thể đến lớp trong khoảng từ 1h30 đến 2h, học đến 4h tan.

Nhà trường có chương trình Parascolaire (after school) để chăm sóc ăn uống cho các con trong trường hợp cha mẹ đi làm đến 6h tối. Giáo dục ở Thụy Sỹ đều miễn phí, cha mẹ không phải đóng 1 xu tiền học phí nhưng với chương trình Parascolaire thì phải đóng tiền ăn cho con, nói chung cũng rẻ và vô cùng thuận tiện cho những gia đình có cha mẹ đi làm cả ngày.

Trẻ đến trường không phải mang theo giấy bút sách vở gì cả, mọi thứ đều được nhà trường chuẩn bị sẵn cho các em ở lớp rồi (hoàn toàn miễn phí). Thứ duy nhất cha mẹ chuẩn bị cho con đến trường là hộp đồ ăn nhẹ (snack). 9h30-10h sáng các em được nghỉ giải lao và ăn nhẹ, 11h30 phút  tan ca sáng, nếu trẻ đăng ký parascolaire thì sẽ có người phụ trách dắt các bé đi tới cantine của trường để ăn trưa. Sau bữa trưa các bé sẽ được dẫn lên phòng nghỉ nơi có đầy đủ ghế đệm để trẻ thoải mái nằm ngồi trò chuyện hoặc tranh thủ chợp mắt. 1h30 người phụ trách dắt các bé lên lớp giao cho cô giáo. Tan học lúc 4h cha mẹ nào không thể đến đón con thì trẻ sẽ được người phụ trách parascolaire cho ăn nhẹ (trái cây, bánh ngũ cốc) và vui chơi dưới sân trường trong khi chờ cha mẹ đến đón.

Mỗi học sinh được phát cho 1 file đựng thư từ đi lại giữa gia đình và nhà trường (sổ liên lạc). Mỗi file đều được cá nhân hóa bằng những bức tranh trẻ tự vẽ và tự viết tên mình vào. (Bạn Jenna vẽ chân dung 2 phụ huynh tóc tai lởm chởm, mặt mũi chi chít những nốt thủy đậu trông rất kinh ). Hàng ngày cô giáo không tiếp phụ huynh vì cô phải làm đúng phận sự là dạy trẻ. Mọi thông báo về chương trình dã ngoại hay thông báo họp hành đều gửi trong file để trẻ mang về. Dưới mỗi thông báo quan trọng đều có phần RSVP (gửi thư trả lời), để cha mẹ điền tên con mình vào, ký tên đồng ý để con tham gia hoạt động dã ngoại hay không. Hoặc nếu là họp phụ huynh thì cũng điền vào là có đi hay không? đi mấy người? Sau đó cắt mẩu RSVP đó để lại vào file cho con mang đến trường.

Rèn luyện tinh thần dân chủ và sự trao quyền hợp pháp cho học sinh

Nếu như ở Việt Nam trẻ phải học lý thuyết sách vở rất nhiều, trẻ có thể thuộc làu làu bảng cửu chương, tính toán rất nhanh thì trẻ ở Thụy Sỹ đi học như đi chơi, trẻ có kiến thức xã hội và giao tiếp cộng đồng tốt, biết yêu thương loài vật, ý thức được thế giới xung quanh. Thay vào đó, lượng kiến thức sách vở trong 1 năm của học sinh ở Việt Nam sẽ được trải dàn trong 2 năm ở Thụy Sỹ, không có bài tập về nhà, không có áp lực điểm số hay xếp hạng trong 2 năm đầu.

Nếu như học sinh Việt Nam phân biệt học giỏi học dốt bằng điểm số thì ở Thụy Sỹ trẻ học lớp 1 lớp 2 hoàn toàn không có chấm điểm cho bài tập viết hay bài tập vẽ. Mọi học sinh đều được coi là có khả năng như nhau, cô giáo chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn các con ngồi đúng tư thế, cách viết sao cho tròn trịa, còn em nào học nhanh, học chậm thì cũng không sao. Cô không tuyên dương "bạn này giỏi quá, các em phải nhìn bạn mà phấn đấu" bởi làm thế sẽ hình thành sự ghanh ghét và tính cạnh tranh cho trẻ.

Cô giáo cũng ngỏ ý cần sự trợ giúp của phụ huynh trên lớp và mình đã đăng ký tình nguyện giúp cô để tìm hiểu sâu hơn về phương pháp giáo dục của Thụy Sỹ.

Nhà văn Tâm Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI