Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: "Những rối loạn của giáo dục do điều hành chung"

19/08/2015 - 18:50

PNO - "Tất cả rối loạn về giáo dục 2015 không phải lỗi của thí sinh, người nhà hay các trường ĐH mà là lỗi điều hành chung".

Trước hành động đốt giấy báo thi của thí sinh Vĩnh Phúc, hôm nay 19/8/2015 PV Báo Phunuonline đã có cuộc trò chuyện với Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Cao Xuân Nhĩ về những bất cập lớn đang diễn ra trong giáo dục và hướng giải quyết cho những năm tuyển sinh sau.

Nguyen Thu truong Bo GD-DT:
Nguyên Thứ  trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Cao Xuân Nhĩ

Thưa ông, những ngày qua, có thông tin về việc thí sinh "Đốt 4 giấy chứng nhận điểm vì mệt mỏi", với cương vị Nguyên Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo, ông có nhận xét thế nào?

Trong quá trình giảng dạy, cần phải để cho học sinh biết kết quả của 1 kỳ thi phụ thuộc vào quá trình học tập và tất cả sự cố gắng của bản thân thí sinh đó.

Nếu kết quả của thí sinh cao thì mình có thể vui mừng và nếu chưa đạt được kết quả như mong đợi thì cần kiểm tra lại xem chỗ nào mình thiếu, còn thiếu sót thì mình sửa chữa.

Đừng để có một hiện tượng gì không bình thường đối với xã hội. Việc mặc cảm "đốt giấy chứng nhận điểm" đó của thí sinh kia là không nên. Bởi vì dù có đốt hay không thì việc mình học tốt hay kém cũng không thay đổi. Tóm lại, hành động bột phát của thí sinh đó theo tôi là không nên làm.

Trong thời gian vừa qua, thí sinh và phụ huynh kêu ca rất nhiều về kỳ thi này cùng quá trình nộp hồ sơ quá nhiêu khê. Ông có nhận định gì về điều này?

Kỳ thi THPT Quốc gia bước đầu với ý tưởng ghép 2 kỳ thi vào làm một và tổ chức theo từng cụm thi. Việc làm như vậy Bộ Giáo dục mong muốn thí sinh sẽ tiết kiệm hơn chi phí đi lại và giảm bớt một kỳ thi. Việc này bước đầu làm rất tốt tất cả vì thí sinh. Nhưng ngay sau đó, nó hiện ra một số bất cập:

Ở Việt Nam có 63 tỉnh chia làm 2 cụm thi (cụm do các trường Đại học tổ chức và cụm do địa phương tổ chức). Những thí sinh thi ở địa phương sẽ không được dùng kết quả đế đăng ký xét tuyển đại học. Theo tôi, việc này không nên. Như vậy là vô tình chúng ta có sự kỳ thị đối với những thí sinh này. Những thí sinh ấy sẽ có tâm lý cảm thấy không công bằng và tổn thương.

Hiện tượng chỉ có 1 thí sinh thi sử ở 1 địa điểm có những 60 người coi thi điều này không phù hợp, cũng hé lộ phần nào bất cập của khâu tổ chức thi cử.

Thi xong rồi, Bộ không công bố công khai kết quả vì sợ thí sinh biết điểm của nhau sẽ dấn đến tâm lý vui - buồn, vì muốn tôn trọng quyền cá nhân của các em. Tuy nhiên điều đó lại gây khó khăn cho các thí sinh ở miền núi hay vùng quê nghèo khi không có mạng, không có điều kiện truy cập internet hàng ngày, điều này sẽ rất khổ cho các em.

Và điểm mấu chốt dẫn đến hiện tượng rối loạn giáo dục trong thời gian gần đây là việc thí sinh có nhiều nguyện vọng và rút nộp hồ sơ. Điều đó gây ra những khó khăn cho phụ huynh, thí sinh và cả các trường đại học và cả chính Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tất cả rối loạn về giáo dục 2015 không phải lỗi của thí sinh, không phải lỗi của người nhà, không phải lỗi của các trường ĐH mà là lỗi điều hành chung.

Theo ông, năm sau chúng ta cần phải làm gì để sự rối loạn như trên ông phân tích không diễn ra nữa?

Theo tôi thì năm sau, chúng ta cần phải rút kinh nghiệm tất cả những bất cập mà năm đầu tiên thực hiện chúng ta đã mắc phải.

Thi xong, công bố công khai điểm tại các địa phương để các em cập nhật kịp thời. Năm sau, sau khi tổ chức thi xong, Bộ nên giao cho các trường ĐH tự đứng ra xét tuyển theo phương thức riêng của từng trường.

Mỗi trường sẽ tìm ra cách thức tuyển sinh riêng, đề xuất ra một mức điểm nhất định để thí sinh tự đến nộp. Với những cách làm đó thì theo tôi sẽ không còn tình trạng rối ren như năm nay nữa.

Cảm ơn ông về những chia sẻ thẳng thắn trên. Chúc ông luôn mạnh khỏe!

Thanh Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI