Nguyên Bộ trưởng Bộ GD nói về điểm "chưa được" của kỳ thi THPT Quốc gia 2016

06/07/2016 - 07:15

PNO - Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 so với Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 có nhiều tín hiệu tốt, song vẫn còn 1 điểm về lâu dài cần phải sửa đổi.

Từ ngày 1 đến 4/7, hơn 887.000 thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Đây là năm thứ 2, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Những điểm "được" của kỳ thi THPT Quốc gia 2016

Nhìn nhận một cách khách quan, kỳ thi THPT Quốc gia 206 có những điểm được đánh giá là thực hiện tốt.

Khác với kỳ thi nhiều năm trước kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT tổ chức thành công tại các cụm thi ĐH ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng cộng 120 cụm thi (50 cụm thi tốt nghiệp do Sở GD-ĐT chủ trì và 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì).

Điều này đã giảm tải áp lực đi lại, ăn ở, chi phí tiền bạc cho thí sinh và người nhà ở các địa phương, vùng miền xa xôi sẽ được thi tại địa phương. Không những thế, tâm lý thi cử của các em cũng được thoải mái hơn.

Kỳ thi cơ bản được thực hiện nghiêm túc, thành công với số lượng cán bộ tổ chức coi thi đông đảo về các địa phương, thành phố. Đề thi được đánh giá là hợp lý. Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục, đề thi năm nay sáng tạo, tâm lý thí sinh thoải mái, đặc biệt có nhiều nội dung liên hệ thực tiễn.

Nguyen Bo truong Bo GD noi ve diem
Từ ngày 1 đến 4/7, hơn 887.000 thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016.

Về phía thí sinh, so với các năm trước, năm nay 2016, nhiều thí sinh quyết định chỉ dùng kết quả để xét tốt nghiệp "từ chối vào đại học" - chiếm gần bằng 1/3 tổng số thí sinh. Con số 32% này có phần tăng hơn so với những năm về trước, nhiều chuyên gia Giáo dục cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng.

GS. Văn Như Cương nhận định: "Tôi thấy thông tin đó là một thông tin hay, tức là số học sinh dự định vào đại học giảm đi, số thí sinh chỉ để lấy bằng tốt nghiệp tăng lên, theo tôi đây là tín hiệu đáng mừng.

Bởi vì điều này phản ánh thực tế cuộc sống, mấy năm gần đây, học sinh đã nhận thức ra thi vào đại học là phải thực sự học tốt, và thứ 2 không phải là tốt nghiệp đại học là có việc làm được. Con số 72000 cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp không có việc làm là hiện tượng nhức nhối, nhiều người đã phải giấu bằng của mình đi để đi học nghề".

Bất cập lớn nhất của kỳ thi?

Với điểm tốt đó, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay được đánh giá là thành công. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, chuyên gia giáo dục cho rằng kỳ thi năm nay còn tồn tại một số điểm "về lâu dài cần phải khắc phục".

Trao đổi với báo Phụ nữ TP.HCM, GS. Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng kỳ thi năm nay có nhiều tín hiệu tốt, song còn một vấn đề lớn là số lượng môn thi mà những kỳ thi THPT Quốc gia sau cần phải khắc phục.

"Về lâu dài việc thi chừng này môn tính cho tốt nghiệp THPT theo tôi là không hợp lý. Tại vì các em bắt buộc chọn 1 môn tự chọn, cho nên là các em chọn hết trước đó, tập trung học môn đó, còn các môn còn lại các em học lơ mơ, nó làm cho hỏng mục tiêu đào tạo toàn diện của ta và làm cho các thầy cô giáo dạy các môn khác mà học trò không chọn rất là khổ sở với những học trò không tích cực học.  Đó là một nhược điểm rất lớn của cả kỳ thi năm ngoái và năm nay", GS. Quân nói.

Theo Nguyên Bộ trưởng: "Bộ Giáo dục năm nay không thể sửa ngay được, thi bao nhiêu môn người ta công bố từ trước. Năm nay buộc phải thi như năm ngoái thôi, cũng không thể trách Bộ giáo dục hiện nay được vì cũng không có cách nào khác, thế nhưng về lâu dài thì chắc chắn không thể thi như thế được".

Nguyen Bo truong Bo GD noi ve diem
GS. Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Trước vấn đề bất cập còn tồn tại đó, GS. Quân đề xuất những năm sau nên có nguyên tắc là học môn nào thì môn đó cũng phải thi, nó có 2 cách thi:

"Thứ nhất, thi Quốc gia như hiện nay thì là số bài thi không cần bằng số môn học mà ít hơn nhiều, có nghĩa là các em sẽ làm đề thi liên quan đến một số môn, ví dụ thi 4 đề nhưng liên quan đến 8,9 môn, không có vấn đề gì cả. Có nghĩa là học sinh không bỏ môn nào cả mà phải học hết.

Cách thứ hai là kỳ thi nhẹ nhàng thôi, xem như kỳ thi học trình vâky ở trường nhưng được dùng để đánh giá tốt nghiệp. Đừng có căng thẳng quá chuyện tổ chức thi, trong trường hợp đó học như thế nào thì thi thôi.

Nói tóm lại phải đảm bảo nguyên tắc là môn nào học phải thi hết", GS Quân nói.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI